Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục lần lượt là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% (chiếm khoảng 71,6% thặng dư cả nước). Trong đó, có 7 hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (thêm mặt hàng cao su so với năm 2023).
Những kết quả ấn tượng trên của ngành NN&PTNT đã được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch 2025 ngành NN&PTNT tổ chức ngày 27-12. Hội nghị do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Điểm cầu Tiền Giang do đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì.
Các đại tham dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Ngành NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống, chỗ ở của người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngành NN&PTNT đã phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.
Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2024, ngành đã công nhận, ban hành 42 giống mới, 14 tiến bộ kỹ thuật, 13 quy trình công nghệ; đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả... được dùng giống mới.
Trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: M.THÀNH - H.THÔNG
Ngành NN&PTNT đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án lớn, như: Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu một số chính sách quan trọng (chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi...) và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp tạo cơ sở pháp lý vững chắc phát triển ngành và các tiểu ngành, lĩnh vực theo đúng định hướng tại Nghị quyết 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Cả nước có 302 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh (thứ 3 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang và đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ phải qua) trao Bằng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ và Bảng tượng trưng tặng công trình phúc lợi trị giá 5 tỷ đồng cho huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Công tác xây dựng nông thôn mới và đổi mới tổ chức sản xuất tiếp tục được triển khai, thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.225 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 532 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 302 đơn vị cấp huyện và 5 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đã có hơn 14.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng hơn 3.500 sản phẩm so với năm 2023) với hơn 8.000 chủ thể tham gia; có 21.700 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Công trình chính Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang kịp thời phục vụ chống hạn, mặn mùa khô năm 2024. Ảnh: M.THÀNH
Năm 2024, Bộ NN&PTNT được giao 11.668,8 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện điều tiết vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao; tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tiếp và trực tuyến, các đoàn kiểm tra tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản... Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân của Bộ luôn đạt ở mức cao, ước cả năm đạt trên 98%. Một số dự án thủy lợi triển khai vượt tiến độ, như: Công trình chính Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang kịp thời phục vụ chống hạn, mặn mùa khô năm 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vượt tiến độ 2 - 4 tháng.
Trong năm 2025, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4% - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD. Ngành phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ chúc mừng những kết quả đã đạt được của ngành NN&PTNT trong năm 2024. Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ NN&PTNT vì những nỗ lực và thành quả nổi bật trong năm qua. Một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành chính là công tác phục hồi sau bão Yagi (bão số 3) - một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.
Ngành NN&PTNT tiếp tục bám sát tinh hình, bám sát thị trường, vừa sản xuất đảm bảo an ninh lương thực vừa đảm bảo xuất khẩu, nên phải nắm chắc thị trường, lợi ích hài hòa quan tâm và chia sẻ.
Trong năm 2025, xác định tăng tốc và bứt phá, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành NN&PTNT phải tiếp tục tăng lên. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành NN&PTNT đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 3,5% - 4%. Ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển ngành nhanh và bền vững.
Ngành NN&PTNT đẩy mạnh hơn nữa ứng khoa học công nghệ, sáng tạo, chuyển đổi số để phục vụ cho phát triển kinh tế xanh, kinh tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm... Ngành góp phần đắc lực, hiệu quả chống biến đổi khí hậu ở các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở. Người nông dân phải được ấm no và hạnh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp tiên tiến hơn...
CAO THẮNG