Nông sản rớt giá, người dân lao đao

Nông sản rớt giá, người dân lao đao
5 giờ trướcBài gốc
Giá hành giảm sâu, thương lái vắng bóng khiến người dân thu hoạch cầm chừng. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Hành tăm từng là cây trồng có giá trị, giúp nhiều hộ dân địa phương ở Hà Tĩnh tăng thu nhập, nhất là khi trồng xen sau vụ lúa. Tuy nhiên, năm nay dù năng suất cao, thị trường lại ảm đạm, đầu ra bế tắc khiến không ít hộ dân lo lắng.
Những ngày đầu tháng 7, trên các cánh đồng hành ở xã Nghi Xuân, không khí thu hoạch khá trầm lắng. Chị Đinh Thị Hiếu (trú tại thôn Hồng Tiến) cho biết, gia đình trồng hơn 3 sào hành tăm, sau gần 9 tháng chăm sóc, nay phải mang ra chợ bán lẻ vì không có thương lái đến thu mua. “Giá hành giờ chỉ còn 15 - 20 nghìn đồng/kg, chưa bằng một nửa năm ngoái. Chi phí đầu tư cả mùa thì nhiều lắm, nếu cứ thế này khó có lãi” - chị Hiếu nói.
Theo người dân, những năm trước hành tăm có thời điểm được thu mua với giá trên 50.000 đồng/kg, thậm chí xuất khẩu sang Trung Quốc. Là mặt hàng có giá trị dược liệu, dễ chế biến, hành tăm vẫn được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng, thiếu liên kết tiêu thụ, chưa có cơ sở bảo quản khiến sản phẩm thường rơi vào cảnh "được mùa mất giá".
Tại xã Tiên Điền, tình hình cũng không khả quan hơn. Ghi nhận tại các cánh đồng cho thấy chỉ lác đác vài hộ tranh thủ “đội nắng” bới hành. Không còn cảnh xe tải nườm nượp vào tận nhà thu mua như năm trước, nhiều hộ chỉ biết chờ đợi hoặc để hành nằm lại ngoài đồng. Chị Phạm Hồng Nhị (trú tại thôn Thuận Mỹ) chia sẻ: “Chi phí đầu tư cho gần 3 sào hành đã lên đến gần 7 triệu đồng, giờ không ai hỏi mua. Với năng suất hiện tại mà giá thấp thì bán ra cũng chỉ hòa vốn”.
Theo chia sẻ của bà con, cùng thời điểm này năm ngoái, hành vừa bới lên đã có thương lái vào tận ruộng thu mua. Người dân phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình, thậm chí thuê thêm người để kịp thu hoạch, giao hàng. Thế nhưng năm nay, tình cảnh hoàn toàn trái ngược. Giá hành giảm sâu, đầu ra ế ẩm khiến người dân như “ngồi trên lửa”. Hành lên củ đẹp, sản lượng cao, nhưng thương lái gần như vắng bóng. Thu hoạch không ai mua, để lại thì hỏng, người dân rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Trước thực tế trên, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con sản xuất có kế hoạch, tránh mở rộng diện tích tự phát. Bên cạnh đó, địa phương đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tăng khả năng tổ chức sản xuất và chủ động tìm đầu ra.
Ông Phan Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Tiên Điền cho hay, toàn xã hiện có khoảng 20 ha hành tăm, chủ yếu trồng sau vụ lúa. Năm nay, thời tiết thuận lợi, năng suất bình quân khoảng 4 tạ/sào, cao hơn nhiều năm trước. Thế nhưng, đầu ra không ổn định khiến phần lớn sản phẩm chưa tiêu thụ được.
“Hiện nhiều ruộng đã nhổ hành nhưng chưa có người mua, hành đành nằm lại ngoài đồng vì giá quá thấp. Có thể do nguồn cung hành tăm từ nhiều địa phương dồi dào cùng thời điểm, trong khi sức tiêu thụ không tăng dẫn tới giá giảm” - ông Lĩnh nói.
Theo ông Lĩnh, hành tăm là cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương, từng giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu bán qua thương lái nhỏ lẻ nên dễ gặp rủi ro khi thị trường biến động.
Trước thực trạng đó, chính quyền xã đang xúc tiến kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, hội chợ nông sản, đồng thời hỗ trợ người dân kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch.
CẨM KỲ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nong-san-rot-gia-nguoi-dan-lao-dao-10310123.html