Thực tế cho thấy, những biến động khó lường trên toàn cầu đang tạo ra những "lỗ hổng" lớn trong chuỗi cung ứng nông sản, đẩy giá nhiều loại nông sản lên mức kỷ lục và gây ra tình trạng thiếu hụt ở nhiều quốc gia.
Nhu cầu lớn, giá tăng cao
Không đâu xa, nhu cầu thế giới về cà phê rất lớn khiến giá loại nông sản này đang leo thang. Đây cũng là đòn bẩy giúp xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,16 tỷ USD trong tháng 3, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao kỷ lục.
Theo đó, 3 tháng đầu năm 2025, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 509.500 tấn, giá trị 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng lại tăng mạnh 49,5% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Đức, Italy và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 16,2%, 9,9% và 7,4%.
Hiện, giá cà phê nhân xô Việt Nam quanh ngưỡng 132.300 đồng/kg. Trên sàn London, giá cà phê Robusta (loại cà phê trồng chủ yếu ở Việt Nam) được giao dịch quanh mức 5.269 USD/ tấn cho kỳ hạn giao tháng 5, giao tháng 7 có giá 5.295 USD một tấn.
Không chỉ nhu cầu thế giới tăng mà hiện sản xuất cà phê trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải chịu tác động không nhỏ từ biến đổi khí hậu, làm giảm sản lượng. Do đó, nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể đạt hơn 6 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 7 tỷ USD vào cuối năm 2025 nếu có chiến lược ứng phó hiệu quả.
Ngoài cà phê, gạo cũng là mặt hàng nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu lớn. Ngay như Philippines cũng là nước phụ thuộc vào nguồn gạo nhập khẩu mặc dù là quốc gia sản xuất gạo lớn. Năm ngoái, lượng gạo của nước này nhập khẩu là 4,68 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoảng 75% lượng nhập khẩu đến từ Việt Nam.
Nhiều HTX lúa gạo đã chủ động xây dựng chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp để tận dụng cơ hội xuất khẩu khi giá gạo lên cao.
Còn tại Nhật Bản, trong tháng 3/2025, giá gạo tại Tokyo được ngành chức năng nước này nhận định là đã tăng vọt khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do sản lượng thiếu hụt bởi chi phí tăng, thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng. Đi liền với đó là du lịch phát triển khiến nhu cầu sử dụng gạo ở Nhật Bản tăng cao.
Theo giới chuyên gia, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài ở nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp lớn như ở châu Mỹ, châu Âu và các đợt lũ lụt nghiêm trọng ở châu Á, châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng, làm giảm sản lượng và chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, chiến tranh và xung đột địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phá hủy cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế thương mại giữa các quốc gia có thể làm giảm nguồn cung nông sản trên thị trường toàn cầu và đẩy giá lên cao...
Sự kết hợp của các yếu tố này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với nhiều mặt hàng nông sản thiết yếu như ngũ cốc (lúa mì, ngô), dầu thực vật, phân bón và các loại thực phẩm khác. Điều này không chỉ gây ra tình trạng lạm phát lương thực ở nhiều quốc gia mà còn đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam với nền nông nghiệp đa dạng và khả năng sản xuất ổn định đang đứng trước cơ hội lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Việc tập trung vào nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn cung bền vững và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế này.
Cơ hội này nằm ở đâu?
Việc tận dụng những cơ hội này chính là nằm ở việc tăng cường xuất khẩu. Sự khan hiếm toàn cầu đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác sẽ tăng lên. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về sản lượng và chất lượng của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, rau quả... để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng kim ngạch và thị phần trên thị trường quốc tế.
Một trong những đơn vị đã làm được điều này đó chính là HTX Nông nghiệp Vọng Đông (An Giang) với mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiệu quả với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao, việc có liên kết chặt chẽ giúp HTX đảm bảo được đầu ra ổn định với giá tốt cho thành viên, đồng thời cung cấp nguồn hàng chất lượng cho đối tác xuất khẩu.
Hay như HTX Sáu Nhung (Kon Tum) cũng nắm bắt cơ hội khi giá cà phê Robusta của Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá cao do nguồn cung từ các nước khác bị ảnh hưởng. HTX đã chủ động tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước, tận dụng lợi thế về chất lượng và khả năng cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhưng để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững, theo giới chuyên gia, điều cần làm là HTX, doanh nghiệp Việt cần chú trọng nâng cao giá trị gia tăng. Thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô, đây là thời điểm để tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như nông sản hữu cơ, sản phẩm đóng gói tiện lợi, thực phẩm chế biến sẵn... Điều này không chỉ giúp tăng lợi nhuận mà còn xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sự khan hiếm nông sản ở một số khu vực có thể tạo ra cơ hội để Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới, đa dạng hóa đối tác thương mại và giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Ngay như quả sầu riêng, sau khi chinh phục thị trường Trung Quốc với những chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch ấn tượng, hiện, một số doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến, đưa sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ. Điều này được các nhà chuyên môn đánh giá là sẽ mở ra một hướng đi chiến lược. Bởi dù sầu riêng còn mới đối với người dân Ấn Độ nhưng thị trường này có hơn 1.45 tỷ dân và nhu cầu tiêu dùng nông sản đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nhất là khi Ấn Độ có xu hướng gia tăng nhập khẩu trái cây nhiệt đới trong những năm gần đây.
Ngoài ra, chi phí logistics đến Ấn Độ được đánh giá là không quá cao, thời gian vận chuyển không quá dài, tạo thuận lợi cho việc bảo quản và giữ được độ tươi ngon của sản phẩm.
Hay gần đây nhất, thịt và trứng gia cầm Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang Singapore. Đây cũng là cơ hội mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của HTX, doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu khan hiếm sẽ là yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực như công nghệ sau thu hoạch, chế biến, logistics và phát triển hạ tầng nông nghiệp.
Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được cơ hội "vàng" này, nông dân, HTX và doanh nghiệp Việt Nam cần có những hành động cụ thể và chiến lược bài bản trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật.
Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng đồng đều và chia sẻ lợi ích một cách công bằng cũng là điều cần thiết để đưa xuất khẩu nông sản đi theo hướng lâu dài, hiệu quả.
Huyền Trang