Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trong buổi trao đổi với báo chí về tình hình phát triển của ngành trong tháng 1/2025 cũng như giải đáp một số vấn đề liên quan diễn ra sáng 6/2.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm nhẹ tháng đầu năm 2025
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD
Về thị trường, ước tháng 1 năm 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ, châu Á, và châu Âu giảm. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024; châu Á đạt 2,43 tỷ USD, giảm 1,8%; và châu Âu đạt 577 triệu USD, giảm 16,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 31,3%, và châu Đại Dương tăng 0,2%.
Về xuất khẩu một số mặt hàng chính, tháng 1/2025, ước khối lượng xuất khẩu cao su đạt 180 nghìn tấn với giá trị xuất khẩu đạt 341 triệu USD, giảm 14,5% về khối lượng nhưng tăng 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 1.892 USD/tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu chè tháng 1/2025 đạt 10 nghìn tấn và 16 triệu USD, giảm 19,1% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2025 ước đạt 1.644 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Tháng 1 năm 2025, xuất khẩu cà phê ước đạt 140 nghìn tấn với giá trị đạt 763 triệu USD, giảm 41,1% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2025 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Tháng 1/2025, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 400 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng xuất khẩu hạt điều tháng 1/2025 đạt 45 nghìn tấn, giá trị đạt 300 triệu USD, giảm 30,8% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 6.673 USD/tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2025 đạt 13 nghìn tấn và 87 triệu USD, giảm 25,6% về khối lượng nhưng tăng 23,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 6.663 USD/tấn, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 1/2025 đạt 290 nghìn tấn và 106 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 45,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 1/2025 ước đạt 367 USD/tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Tháng 1/2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 39 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2024. Ước giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2025 đạt 750 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2024. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 1/2025 đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Nông sản Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn duy trì ổn định
Giải đáp về nguyên nhân giá trị xuất khẩu giảm ngay trong tháng đầu năm 2025, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, thứ nhất là sức mua giảm, thứ hai là giá giảm cho dù sản lượng có tăng.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD trong năm nay sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngay từ tháng đầu năm. "Tuy mới chỉ một tháng, nhưng chúng ta cần đến hệ thống giải pháp để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời về đích được mục tiêu của năm 2025”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Tùng Đinh
Một số giải pháp được ông đưa ra là tập trung vào một số thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Philippines… cũng như mở ra một số thị trường mới.
Trước nguy cơ xảy ra đối đầu thương mại của các quốc gia trên thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn được duy trì ổn định, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu như cá tra, tôm.
Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục có những hội nghị để thảo luận, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản lượng, chất lượng và giá trị xuất khẩu tốt hơn trong năm 2025.
Song song đó, tiếp tục nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của các thị trường tiềm năng để làm cơ sở phân tích, thúc đẩy thương mại và tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bên cạnh duy trì, mở rộng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, theo hướng kinh tế xanh, giảm phát thải.
Kiểm tra thường xuyên, liên tục nhà vườn trồng sầu riêng
Liên quan đến vấn đề sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải kiểm tra chất vàng O, ông Phùng Đức Tiến cho hay, hiện nay diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000-75.000ha), tỉ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao. Trong quá trình xuất khẩu, đa số những nhà vườn, cơ sở đóng gói, những chuyến hàng sầu riêng Việt Nam đều được khẳng định rất tốt, chất lượng cao.
Trung Quốc chi 2,94 tỷ USD để mua sầu riêng Việt Nam (Ảnh minh họa)
Cũng phải thấy rằng trong quá trình bước đầu xuất khẩu thì cũng sẽ có những cơ sở, doanh nghiệp, những khu vực trồng và cơ sở đóng gói có những trường hợp chệch choạc nhất định, nhưng Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương rà soát, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để làm sao vừa có quy mô lớn, vừa tỉ suất hàng hóa cao, vừa có giá cả đảm bảo.
Về tình hình kiểm định chất vàng O, ông Tiến nhấn mạnh, Trung Quốc đã đặt ra những tiêu chí từ mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm định chất lượng. Do đó, yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thế nào thì chúng ta phải đáp ứng yêu cầu như thế.
Việc kiểm định chất vàng O sẽ được rà soát, củng cố để làm sao hạn chế một cách tối đa nhất các lô hàng sầu riêng không đạt chuẩn, để tỉ suất hàng hóa, sản lượng và giá trị lớn hơn.
Đối với việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất vàng O, ông Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo một cách thường xuyên liên tục khi mà xảy ra những lô hàng có sự cố.
Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định sẽ làm nghiêm túc để chấn chỉnh, hạn chế tối đa doanh nghiệp vi phạm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta duy trì xuất khẩu sầu riêng.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới của Ủy ban châu Âu (EC) với vấn đề IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức 4 hội nghị ở cả 3 miền và toàn quốc trước khi EC sang Việt Nam.
Với những động thái liên tục như vậy, Thứ trưởng tin tưởng Việt Nam sẽ đảm bảo được các yêu cầu của EC và cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của chúng ta trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng IUU”.
Ở chiều ngược lại, tháng 1/2025, ước tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 3,9 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 1,1 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh