Từ năm 2020, thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó: 08 xã thí điểm thực hiện từ năm 2020; 14 xã thực hiện từ năm 2021; 35 xã thực hiện từ năm 2022; 35 xã thực hiện từ năm 2023; 45 xã thực hiện từ năm 2024 (các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm tiếp theo so với năm bắt đầu thực hiện).
Huy động sức dân
Để hoàn thành các công trình xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022-2024, các xã cần vận động khoảng 40.050 trường hợp hiến, tặng hơn 800.000 m2 đất bao gồm thổ cư và nông nghiệp, giải tỏa vật kiến trúc của 37.980 trường hợp.
Đối với 35 xã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu từ năm 2022 (năm 2023 hoàn thành): Tổng số 550 công trình. Để hoàn thành các công trình, các xã cần vận động khoảng 11.891 trường hợp tặng, cho 257.339 m2 đất các loại, giải tỏa vật kiến trúc của 11.290 trường hợp. Hết năm 2023, 100% các công trình đã hoàn thành.
Đối với 35 xã triển khai từ năm 2023 (năm 2024 hoàn thành): Ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư 789 công trình. Để hoàn thành các công trình, dự kiến các xã đã vận động khoảng 12.490 trường hợp tặng cho 230.108 m2 đất, giải tỏa vật kiến trúc của 11.830 trường hợp. Đến cuối năm 2024, cơ bản các công trình đều hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Đối với 45 xã triển khai từ năm 2024 (năm 2025, 2026 hoàn thành): Ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư 1.047 công trình. Để hoàn thành các công trình, dự kiến các xã cần vận động khoảng 15.670 trường hợp tặng cho 312.550 m2 đất, giải tỏa vật kiến trúc của 14.860 trường hợp. Đến nay, chủ đầu tư các dự án NTM kiểu mẫu đang tích cực triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Tuyến đường NTM kiểu mẫu tại xã An Đồng (nay là phường An Đồng) quận An Dương được hoàn thành vào tháng 11/2024.
Hết năm 2024, Hải Phòng có 137/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 92 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch năm 2024.
Tại huyện Thủy Nguyên – nay là TP Thủy Nguyên, tính đến cuối tháng 7/2024 có 25 xã được công nhận xã NTM nâng cao, 15 xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Trong năm 2024, thành phố và huyện triển khai đầu tư 1.141 tỷ đồng để thực hiện 226 công trình hạ tầng NTM kiểu mẫu tại 10 xã trên địa bàn huyện. Có khoảng gần 4.700 hộ dân hiến đất.
Tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Lập Lễ có tổng mức đầu tư 137,6 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng về hạ tầng phúc lợi xã hội, liên quan đến 343 hộ dân với số lượng diện tích đất cần được hiến là 39.000m2. Việc lựa chọn đầu tư xây dựng các tuyến đường theo Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu của thành phố trên địa bàn góp phần đồng bộ hóa, kết nối hệ thống giao thông liên vùng, khu vực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt là các ngành nghề khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng để xã Lập Lễ tiếp tục bứt phá, hoàn thành đồng thời 02 mục tiêu là về đích xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với hoàn thiện các tiêu chí đô thị để trở thành phường.
Hay tại xã Lê Lợi (nay là phường Lê Lợi, quận An Dương), năm 2024, địa phương được đầu tư hơn 51 tỷ đồng cho xây dựng NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Quang Phúc – Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi chia sẻ: Địa phương được đầu tư nâng cấp, mở rộng 5 tuyến đường thảm nhựa với hơn 2.000 m và lắp đặt hệ thống điện chiến sáng cho các tuyến đường bê tông với 8.565m. Đến cuối tháng 12 đã có 4/5 tuyến hoàn thành, tuyến còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Có 120 hộ gia đình tham gia hiến đất làm đường với 819 m2 đất thổ cư và 629 m2 đất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình có diện tích đất thổ cư mặt đường lớn đã đồng thuận hiến đất ủng hộ dự án xây dựng như hộ ông Nguyễn Văn Thảnh, Trần Quang Ngọc, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Văn An…
Hàng trăm hộ dân tại xã Lê Lợi (nay là phường Lê Lợi) đã tham gia hiến đất làm đường.
Cũng theo lãnh đạo xã Lê Lợi, địa phương đã tổ chức rất nhiều cuộc họp tuyên truyền, vận động, lắng nghe ý kiến của người dân. Để nhân dân hiểu việc xây dựng NTM, không ai khác, chính người dân mới là chủ thể hưởng lợi. Tất cả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành phố cũng đều hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển của cộng động xã hội. Bà con chung tay, góp sức, hiến đất nâng cấp đường nông thôn đã mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống cho người dân.
Những chuyển biến rõ rệt
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thành phố Hải Phòng đã ban hành trên 20 Nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Ưu tiên bố trí ngồn lực lớn từ ngân sách thành phố cho chương trình. Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, Hải Phòng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xử lý rác thải, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự… Cở sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Vùng trồng hoa cúc dược liệu tại xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo.
Thông tin từ Văn phòng điều phối NTM Hải Phòng: Toàn thành phố hiện có 226 HTX thuộc 137 xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi trong hoạt động sản xuất - tiêu thụ ngày càng được quan tâm. Có 186 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc địa bàn 120 xã. Việc ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã được triển khai, đang phát huy hiệu quả. Có sản 326 phẩm chủ lực thuộc 118 xã được truy xuất nguồn gốc.
Trên địa bàn các huyện có 473 vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện, với tổng diện tích 7.390 ha. Các vùng cơ bản đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thuận tiện cho quá trình sản xuất, giao thương hàng hóa. Có 226 sản phẩm được công nhận đạt OCOP thuộc địa bàn nông thôn.
Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 64,6 triệu đồng/người/năm; Năm 2024 ước đạt 68,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 khu vực nông thôn là 0,49%; dự kiến hết năm 2024 không còn hộ nghèo đa chiều.
Thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Hải Phòng đã tạo nên sức sống mới, sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân, là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn.
Thanh Vân