ĐTO - Ngày 29/6/2025 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp (cũ) tự hào công bố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây không chỉ là cột mốc quan trọng mà còn là nền tảng vững chắc để Đồng Tháp (mới) tiếp tục bứt phá trong công cuộc kiến tạo NTM của tương lai.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng tỉnh Đồng Tháp (cũ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Ảnh tư liệu)
Hành trình không ngừng nghỉ
Phát biểu tại sự kiện công bố tỉnh Đồng Tháp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định quan điểm mang tính định hướng sâu sắc: “NTM không có điểm kết thúc”. Hành trình xây dựng NTM là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, luôn cần được đổi mới và hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển.
Với tinh thần đó, Đồng Tháp đang đặt ra những kỳ vọng lớn lao là kiến tạo một NTM thực sự vững chắc trong tương lai. Định hướng này không chỉ dừng lại ở việc đạt các tiêu chí đề ra, mà còn phải đi sâu vào nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao năng lực sản xuất, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đường sá khang trang, sạch đẹp là một trong những thành quả nổi bật của Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp sẽ tiếp tục nhận thức sâu sắc rằng xây dựng NTM không có điểm kết thúc. Đó không chỉ là hạ tầng, mà phải là môi trường sống, là con người, là hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại và cộng đồng phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tập trung phát triển cấp xã - nơi gần dân nhất, sát thực tiễn nhất, với phương châm “Dân giám sát - chính quyền minh bạch - cộng đồng hành động” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định.
Việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của Đồng Tháp là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Đồng Tháp. Đó là kết quả của sự đồng lòng, chung sức, phát huy nội lực và huy động mọi nguồn lực xã hội. Những thành tựu đạt được sẽ là động lực mạnh mẽ để Đồng Tháp tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn, hướng tới xây dựng nông thôn thực sự phồn vinh, hiện đại và đáng sống.
Nâng cao thu nhập cho người dân là đích đến cuối cùng của hành trình xây dựng nông thôn mới
Kiến tạo “Làng thông minh”, “Làng hạnh phúc”
Xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đó còn là quá trình kiến tạo không gian sống đáng mơ ước, đặt con người vào trung tâm của mọi sự phát triển. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã gợi mở tầm nhìn chiến lược cho Đồng Tháp: Xây dựng NTM là xây dựng “Làng thông minh” và “Làng hạnh phúc”. Đây là định hướng quan trọng, đòi hỏi sự thay đổi tư duy và cách tiếp cận toàn diện hơn.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Đồng Tháp cần tập trung vào một số trọng tâm chính như: tích hợp Chương trình NTM và giảm nghèo bền vững là một giải pháp hiệu quả để tối ưu hóa nguồn lực; việc đa dạng hóa sinh kế để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm OCOP là hướng đi chiến lược, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn quảng bá hình ảnh địa phương, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm bớt công sức, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế
Trong kỷ nguyên số, đưa khoa học, công nghệ, tri thức về làng là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản, nông nghiệp Đồng Tháp. Đồng thời, việc phổ biến kiến thức, kỹ năng mới cho người dân nông thôn sẽ giúp họ tiếp cận với những phương thức sản xuất hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, bền vững.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững
Đồng Tháp cần thay đổi tư duy lập quy hoạch nông thôn theo hướng hiện đại, linh hoạt và có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch không chỉ đơn thuần là phân bổ đất đai mà còn phải tính đến yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường và đặc biệt là nhu cầu của người dân. Quy hoạch cần phải tích hợp các yếu tố về “Làng thông minh”, “Làng hạnh phúc”, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch sẽ giúp bản quy hoạch trở nên sát thực tế và khả thi hơn...
Việc Đồng Tháp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là thành công đáng ghi nhận, nhưng đây chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình lớn hơn. Với những định hướng rõ ràng từ các lãnh đạo cấp cao và sự đồng lòng của người dân, Đồng Tháp đang đứng trước cơ hội lớn để kiến tạo nông thôn thực sự vững chắc, nơi mỗi làng quê không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp mà còn là những “Làng thông minh”, “Làng hạnh phúc”, đáng sống và đáng tự hào. Con đường phía trước có thể còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần “NTM không có điểm kết thúc”, Đồng Tháp hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên mảnh Đất Sen hồng.
Mỹ Nhân