Tỷ phú chân đất
Trở lại vùng Đồng Tháp Mười (Long An) vào những ngày đầu tháng 4-2025, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày ở vùng đất này. Dọc hai bên quốc lộ 62, những rừng lau sậy, cây tạp ngày nào giờ đã biến mất, thay vào đó là những cánh đồng lúa bạt ngàn rực rỡ sắc vàng, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Xen lẫn trong những vườn cây trĩu trái là hàng trăm căn nhà mái thái, nhà lầu khang trang của người dân.
12 năm trước, ông Hà Tấn Bảy mang cây sầu riêng từ Tây Nguyên về trồng trên vùng đất phèn chua Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Từ 1ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay ông phát triển lên 12ha với 1.700 gốc sầu riêng. “Mỗi ha sầu riêng, trừ công cán, phân thuốc, tôi thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống từ chỗ khó khăn, thiếu ăn, nay đã khấm khá, con cái được hành, có công việc ổn định”, ông Bảy khoe.
Ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, ông Tám Thơi (Nguyễn Văn Thơi) là một trong số nhiều lão nông trở thành “tỷ phú chân đất” sau nhiều năm miệt mài với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác. Khi địa phương nâng cấp các tuyến kênh trong vùng, dẫn nước tưới đến ruộng, ông Thơi mạnh dạn cải tạo hàng chục héc-ta đất trồng tràm sang trồng lúa, kết hợp trồng mít thái, nuôi cá. Toàn bộ quá trình sản xuất (làm đất, gieo sạ, bơm thuốc, bón phân…) đều được ông cơ giới hóa triệt để.
“Chi phí đầu tư máy móc, công nghệ phục vụ nuôi trồng đến nay hơn 5 tỷ đồng. Tổng diện tích trồng lúa, mít thái, bưởi, nuôi cá hiên gần 70ha. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tui dư được khoảng 2 tỷ đồng”, ông Tám Thơi chia sẻ và cho biết, có được kết quả này, bên cạnh sự kiên trì, chịu khó làm ăn của gia đình, còn có sự quan tâm, triển khai hiệu quả chương trình nông thôn mới của chính quyền địa phương.
Có thu nhập cao, cuộc sống khấm khá, ông Tám Thơi còn chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông đã hiến tổng cộng hơn 17ha đất để làm đường, hệ thống giao thông nông thôn.
Vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn để xuất khẩu
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám Đốc Sở NN-MT tỉnh Long An, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang tạo nên bức tranh nông thôn khởi sắc ở vùng Đồng Tháp Mười. Việc đầu tư và đưa vào vận hành các công trình thủy lợi lớn, mang tính liên vùng, đưa giống mới, kỹ thuật mới vào canh tác… đã tạo điều kiện tốt cho người dân khai phá, sản xuất hiệu quả, làm chủ được vùng đất khó. Trước đây, ở Đồng Tháp Mười (Long An), bình quân lương thực khoảng 101kg lúa/người/năm, nay con số này đã tăng lên gần 5 tấn/người/năm, có nơi đạt 8 tấn/người/năm.
15 năm trước, thị xã Kiến Tường là vùng đất khó, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn do nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng “nắng bụi mưa lầy”… Thế nhưng, đến nay Kiến Tường đã phát triển, trở thành trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười (Long An), trong đó xã biên giới Thạnh Trị là một “điểm sáng” phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng, Long An) được láng nhựa phẳng phiu
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã biên giới này đã nhiều mục tiêu nổi bật: Nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng cũng được chủ động 100%; 100% đường xã, ấp được nhựa hóa, bêtông hóa; 99,5% hộ dân sử dụng điện an toàn; 100% trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, 100% trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1... Còn tại huyện Tân Hưng, bộ mặt nông thôn của địa phương cũng đang từng bước được cải thiện. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn huyện có điện sử dụng và sử dụng nước hợp vệ sinh.
Phát huy lợi thế đặc điểm, đặc thù của vùng, từ năm 2022, tỉnh Long An đã xây dựng, triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười, đến nay đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng diện tích sản xuất cây ăn quả tại các huyện vùng tham gia đề án đạt khoảng hơn 5.500ha, tập trung vào các loại cây trồng như mít, sầu riêng, chanh, bưởi. Các sản phẩm từ Đồng Tháp Mười đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Hàn Quốc, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu và New Zealand.
Mục tiêu của đề án, đến năm 2025 sẽ hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả khoảng 10.500ha. Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đặt ra, ngành nông nghiệp tỉnh Long An định hướng người dân chuyển đổi và phát triển các loại cây ăn quả theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới…
Để Đồng Tháp Mười phát triển đồng bộ, bền vững và toàn diện hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh Long An đang đẩy nhanh các thủ tục, khởi công Dự án nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 62 trong năm 2025. Tuyến quốc lộ 62 kết nối với quốc lộ 1 đi qua thành phố Tân An, huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp tiếp giáp Campuchia. Do đó, sau khi tuyến quốc lộ 62 được nâng cấp, mở rộng hoàn thành, việc giao thương hàng hóa thuận tiện, kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười sẽ phát triển hơn, nhất là kinh tế biên mậu.
ĐĂNG NGUYÊN - THÀNH TÂM