Nông thôn Thủ đô khang trang, hiện đại

Nông thôn Thủ đô khang trang, hiện đại
5 giờ trướcBài gốc
Đến nay, thành phố Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và 2 huyện Đông Anh, Thanh Oai đang phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I-2025.
Trước đó, Hà Nội đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt các chỉ tiêu Thành ủy đã đề ra. Hiện tại, thành phố tiếp tục thẩm định thêm 44 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 29 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để quyết định công nhận trong năm 2024.
Ai cũng có thể thấy rõ, diện mạo nông thôn Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày, khang trang, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, để nông thôn Thủ đô tiếp tục phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao là nhiệm vụ không hề dễ dàng đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm, vào cuộc của từng người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện, xã trong việc đề ra các giải pháp và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời triển khai sâu rộng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Thời gian tới, các cấp, các ngành phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp, đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự; tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; có chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư vào khu vực nông thôn.
Đặc biệt, để nông thôn tiến lên hiện đại và văn minh, các địa phương cần tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet; gắn phát triển hạ tầng công nghệ với các nền tảng dịch vụ số. Đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; ưu tiên vốn đầu tư cho hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị, hạ tầng về xử lý môi trường, hạ tầng kỹ thuật…
Với đặc thù là Thủ đô, các địa phương của thành phố tăng cường hơn nữa trong phát triển đô thị ven đô theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị. Cùng với đó, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ…
Xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô hướng đến mục tiêu tối thượng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Bắc Vũ
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nong-thon-thu-do-khang-trang-hien-dai-690205.html