Nóng trong tuần: Nhiệm vụ GD 2025; đề nghị tuyển GV trình độ CĐ dạy 1 số môn học

Nóng trong tuần: Nhiệm vụ GD 2025; đề nghị tuyển GV trình độ CĐ dạy 1 số môn học
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều nhiệm vụ giáo dục lớn được khởi động năm 2025
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có những chia sẻ về nỗ lực và kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm 2024; đồng thời thông tin những công việc, nhiệm vụ lớn toàn ngành sẽ tập trung triển khai trong năm 2025.
Theo đó, năm 2025, ngành Giáo dục tiếp tục có nhiều công việc, nhiệm vụ phải làm để tiếp tục trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, nhiệm vụ lớn là Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 91-KL/TW. Sau khi Chương trình hành động được ban hành sẽ là xây dựng các kế hoạch và bắt tay vào triển khai.
Bộ GD&ĐT cũng đang trong quá trình hoàn thiện để ngay trong đầu năm 2025 ban hành Chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cùng với Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển giáo dục sẽ là căn cứ quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo của GD-ĐT.
Nếu như năm 2024 được coi là năm đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước, thì nửa đầu năm 2025 với những công việc phải làm tốt như kết thúc học kỳ II của năm học, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… mới có thể khép lại được chu trình đầu tiên này. Sau 4 năm triển khai trên thực tế, năm 2025, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành tổng kết giai đoạn đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 để đặt ra những mục tiêu, giải pháp đổi mới có chiều sâu hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Trong nửa đầu năm 2025, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 9. Xác định đây là việc lớn nên Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung cao cho việc hoàn thiện dự thảo sau lần đầu lấy ý kiến Quốc hội. Chúng tôi mong rằng, những tâm huyết, ấp ủ về một dự thảo Luật sẽ phát triển được lực lượng nhà giáo, gỡ vướng hàng loạt các vấn đề về quản lý nhà giáo trong suốt thời gian qua… sẽ thuyết phục được đại biểu Quốc hội, thuyết phục được xã hội. Không chỉ chúng tôi mà hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước đang ngóng chờ thời điểm Luật Nhà giáo chính thức được thông qua và đi vào cuộc sống. Cùng với đó, chúng tôi sẽ rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp để xem xét sửa đổi, bổ sung.
Khi Chương trình GDPT 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên, lại là lúc Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai thí điểm tại 20 tỉnh/thành phố trong cả nước. Năm 2025 sẽ đánh dấu bước khởi đầu của đổi mới giáo dục mầm non - cấp học nền tảng nhưng còn nhiều khó khăn nhất hiện nay.
Đất nước đang bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và còn nhiều những chủ trương, chính sách lớn khác. Ngành Giáo dục xác định rõ trọng trách trong giai đoạn quan trọng này, bởi mọi “đột phá” muốn thành công đều phải bắt đầu từ con người, từ nguồn nhân lực.
Cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương, năm 2025 cũng sẽ là năm Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục tập trung cho việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý. Trước mắt, chúng tôi đang tổ chức thực hiện việc sáp nhập, tiếp nhận các đơn vị, đầu mối theo chỉ đạo của Trung ương. Đối với nhóm công việc này, sẽ có nhiều việc phải làm trong năm 2025.
Năm mới 2025, Bộ trưởng mong rằng toàn ngành đã nỗ lực sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các công việc, nhiệm vụ đã đặt ra; đồng thời mong những quan tâm, những chính sách quyết liệt, hiệu quả này sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo; mong sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của xã hội với ngành Giáo dục đã nhiều sẽ nhiều hơn nữa.
Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng gửi tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc. Chúc các em học sinh, sinh viên có một năm mới với nhiều niềm vui, sự tiến bộ và thành quả trong học tập.
Đề nghị xây dựng nghị quyết thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học phổ thông
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Mở đăng ký thi đánh giá tư duy đợt 2
Đại học Bách khoa Hà Nội mở cổng đăng ký thi đánh giá tư duy (TSA) đợt hai, từ 9giờ ngày 1/2, tức mùng 4 Tết Ất Tỵ. Thí sinh được đăng ký đến ngày 6/2, lệ phí là 500.000 đồng.
Những thí sinh đã thi đợt 1 vẫn được đăng ký nếu có nhu cầu. Tổng số chỗ cho đợt này là 20.000. Thí sinh dự thi vào ngày 8-9/3. Địa điểm thi ở 13 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Lào Cai.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong tháng 1-4/2025 với khoảng 75.000 lượt, tăng 25.000 so với năm nay.
Đề thi gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là ba phần thi độc lập, câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh, không kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào.
Hình thức thi là trắc nghiệm trên máy tính. Tổng điểm 100. Kết quả thi được khoảng 50 đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào.
Trong đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 18-19/1, gần 14.000 thí sinh tham dự, nhiều gấp gần 5 lần đợt đầu năm ngoái. Bắt đầu từ năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội cấp giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh dạng ký số điện tử, gửi trực tiếp vào tài khoản đăng ký dự thi của thí sinh.
Nếu không thể đăng ký dự thi đợt hai, thí sinh có thể đăng ký thi đánh giá tư duy đợt ba từ ngày 1 đến 6/4 và thi vào ngày 26-27/4.
Ảnh minh họa/ITN.
Phát động Tết trồng cây
Ngành Giáo dục nhiều địa phương ban hành kế hoạch tổ chức phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Ất Tỵ năm 2025.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền về phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Các hoạt động hưởng ứng "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả, trang trọng, không phô trương, lãng phí, hình thức; có sự tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh của đơn vị từ đó làm thay đổi sâu sắc, toàn diện về nhận thức, thái độ, hành vi về môi trường, tạo lập cách ứng xử thân thiện với môi trường.
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, các đơn vị chủ động lựa chọn, tổ chức trồng cây mới phù hợp cảnh quan, điều kiện tự nhiên, đảm bảo trồng cây nào sống cây ấy. Một số loại cây trồng như: Sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, sữa, Osaka, ban Tây Bắc, lim xanh, thông, keo, lát hoa, trám, sao đen, mỡ, bưởi, nhãn, vải, mít...
Ngoài ra, các đơn vị cần có phương án quản lý chặt chẽ số lượng cây trồng trong khuôn viên, tổ chức phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia hưởng ứng phong trào chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong nhà trường, tại địa phương.
Sở GD&ĐT Hải Dương đề nghị các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền về phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Ất Tỵ 2025. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, trang trọng, không phô trương, lãng phí, hình thức; huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh, học viên của đơn vị; từ đó làm thay đổi sâu sắc, toàn diện nhận thức, thái độ, hành vi về môi trường, cách ứng xử thân thiện với môi trường.
Căn cứ điều kiện thực tiễn, các đơn vị chủ động lựa chọn, tổ chức trồng cây mới phù hợp với cảnh quan, điều kiện tự nhiên, ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng bản địa, thân gỗ, đa mục đích, đa giá trị, có tuổi thọ cao, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.
Tại Khánh Hòa, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở triển khai phổ biến nội dung Kế hoạch số 14594/KH-UBND ngày 20/12/2024 của UBND tỉnh về Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của đơn vị được biết và hưởng ứng ra quân Lễ phát động với các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh và vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, các khu vực dân cư,...tại địa phương mình.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mà chủ động xây dựng và tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025; có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc đảm bảo cây trồng phát triển tốt sau thời gian tổ chức Lễ phát động.
Hải Bình t/h
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-nhiem-vu-gd-2025-de-nghi-tuyen-gv-trinh-do-cd-day-1-so-mon-hoc-post717959.html