Các hộ dân ở xã Dân Quyền phản ánh sự việc với phóng viên. Ảnh: Tiến Đông
Nộp tiền nhưng chưa được giao đất
Theo ghi nhận của phóng viên, giai đoạn 2003-2006 UBND xã Dân Quyền đã thông báo công khai việc bán đất ở xen cư cho người dân có nhu cầu. Ông Lê Văn Thơm, đại diện các hộ dân chưa được giao đất cho biết: "Do có nhu cầu mua thêm lô đất để tách hộ, lại thấy vị trí ở khu Đồng Yếm phù hợp nên năm 2006 tôi đã nộp 13,8 triệu đồng để mua đất. Thời điểm đó, đây là số tiền lớn, gia đình phải gom góp mãi mới đủ. Vì có đủ phiếu thu của UBND xã và được cán bộ xã hứa sẽ giao đất nên tôi yên tâm chờ đợi. Không ngờ đến nay vẫn chưa được giao đất mà cũng không biết làm sao để đòi lại tiền".
Anh Lê Vinh Biên, con trai ông Lê Vinh Hải ở thôn 9 cũng bức xúc nói: “Bố tôi nộp 5 triệu đồng để mua 1 lô đất ở với diện tích 200m2 tại khu vực ao của xã từ năm 2004, có phiếu thu tiền đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất. Trong khi đất ở các mặt bằng vẫn còn để trống".
Không chỉ riêng gia đình ông Thơm, ông Hải, nhiều gia đình khác ở thôn 9 và thôn 10, xã Dân Quyền cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khiến các hộ dân bức xúc. Dư luận địa phương cho rằng, vụ việc chưa được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo và công bằng.
"Trong xã có 10 thôn với tổng số hơn 90 trường hợp nộp tiền mua đất thời kỳ đó, nhưng có hơn 60 hộ đã được giao đất làm nhà ở ổn định từ lâu. Điều khiến người dân thắc mắc là vì sao 27 hộ còn lại ở thôn 9, thôn 10 lại không được giải quyết, và việc bố trí giao đất cho hơn 60 trường hợp trước đó liệu có đúng quy định không?”, ông Lê Văn Thu, một hộ dân thắc mắc.
Theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, giai đoạn 2003-2006 UBND xã Dân Quyền đã thống nhất chủ trương thu tiền của các hộ dân có nhu cầu mua đất xen cư để san hộ tại khu vực các ao trong xã, khu vực đất nằm dọc Quốc lộ 47. Riêng đối với 27 hộ dân nêu trên, UBND xã đã thu tổng số tiền trên 378 triệu đồng; quá trình thu tiền có lập phiếu thu đầy đủ. Tuy nhiên, trong tổng 27 phiếu thu tiền, chỉ có 9 phiếu thu ghi nội dung thu tiền đất ở; những phiếu còn lại ghi nội dung thu tiền đóng góp xây dựng ngân sách hoặc vừa ghi thu tiền đất ở vừa ghi thu tiền đóng góp.
Một số hộ dân khẳng định, việc các hộ dân giai đoạn đó nộp tiền cho UBND xã Dân Quyền với mục đích là mua đất ở, không phải là nộp tiền đóng góp xây dựng ngân sách. Cán bộ thời kỳ đó ghi nội dung thu đóng góp xây dựng ngân sách là để tránh phải nộp tiền mua đất ở của các hộ vào Kho bạc Nhà nước mà để lại chi cho các hoạt động của địa phương như sửa chữa đường điện, đường bê tông và các hoạt động khác...
Làm sao để bảo đảm quyền lợi?
Bức xúc trước diễn biến sự việc, khoảng năm 2021 các hộ dân ở xã Dân Quyền đã có đơn đề nghị giải quyết vụ việc. Cuối năm 2021, UBND huyện Triệu Sơn đã thành lập tổ kiểm tra, xác minh việc UBND xã Dân Quyền thu tiền của 27 hộ dân giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2006. Ngày 22/6/2022, UBND huyện Triệu Sơn đã có Thông báo số 3128/TB-UBND về kết quả kiểm tra, xác minh và khẳng định: “Giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2006 UBND xã Dân Quyền đã tự thu tiền của 27 hộ gia đình, cá nhân (tiền bán đất ở, tiền đóng góp xây dựng) nhưng thực tế UBND xã không có các giấy tờ liên quan đến việc giao đất ở và chưa giao đất ở trên thực địa cho bất kỳ hộ gia đình, cá nhân nào là trái quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các quy định của pháp luật về đất đai. Số tiền thu của 27 hộ dân có nhu cầu mua đất ở, UBND xã Dân Quyền để lại chi cho hoạt động của xã là trái quy định của Luật Ngân sách”.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 3 cá nhân (nguyên Chủ tịch UBND xã Dân Quyền giai đoạn 1985-2004; nguyên Chủ tịch UBND xã Dân Quyền giai đoạn 2004-2010; nguyên Kế toán xã Dân Quyền giai đoạn 1983-2016) về những sai phạm nêu trên.
Để giải quyết tồn đọng về đất đai ở xã Dân Quyền, cuối năm 2022 UBND huyện Triệu Sơn đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho UBND huyện bố trí một số mặt bằng xen cư trên địa bàn xã Dân Quyền để xử lý tồn đọng về đất ở của 27 hộ dân không thông qua hình thức đấu giá. Song, ngày 6/2/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời và khẳng định: 27 trường hợp tại xã Dân Quyền không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc UBND huyện Triệu Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho UBND huyện Triệu Sơn bố trí một số mặt bằng xen cư trên địa bàn xã Dân Quyền, tổ chức xác định giá khởi điểm để giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá cho 27 hộ gia đình, cá nhân tại xã Dân Quyền là không có cơ sở xem xét.
Sau đó, UBND huyện Triệu Sơn đã chủ trì, đối thoại với các hộ dân ở xã Dân Quyền để tuyên truyền các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và đề nghị các hộ dân xem xét, gửi đơn đến Tòa án Nhân dân để được giải quyết quyền lợi theo quy định.
Tuy nhiên, đa số các hộ dân liên quan chưa thống nhất với cách giải quyết và hướng dẫn của UBND huyện Triệu Sơn và tiếp tục có đơn thư gửi nhiều nơi.
"Cán bộ làm sai nguyên tắc tài chính dẫn đến việc giao đất bị đình trệ suốt 20 năm qua, nhưng người dân lại phải chịu thiệt thòi. Đến giờ đất chưa được giao, tiền đã nộp không biết đòi ai và sẽ đòi được gì? Rất mong cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng của các hộ dân đã nộp tiền", ông Lê Văn Thơm bày tỏ.
Nhóm PV Bạn đọc - TL