Nốt trầm xao xuyến

Nốt trầm xao xuyến
11 giờ trướcBài gốc
Minh họa/INT.
Tôi vốn bận rộn nhưng thi thoảng tự cho phép mình nhâm nhi ly cà phê trên tầng thượng một quán quen. Từ nơi ấy, tôi thường ngắm phía Tây khu phố - nơi có đô thị mới với những dãy biệt thự liền kề, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, công viên, sân bóng...
Ai ở xa về đều ngỡ ngàng trước đổi mới ngoạn mục trên mảnh đất chiêm trũng ngày xưa. Còn tôi, ngày ngày sống và làm việc tại đây lại ngỡ ngàng khi phát hiện phía Đông khu phố có tiệm cà phê Bao cấp.
Đúng với tên gọi, tiệm Bao cấp mang đậm phong cách những năm 76 - 86 của thế kỉ trước. Không gian trầm mặc, vật dụng xưa cũ, những làn điệu quan họ quen thuộc vang nho nhỏ từ chiếc loa phát thanh, đủ hấp dẫn tôi ngay. Tôi gọi một ly nước cam - niềm mơ ước thời bao cấp. Cô chủ tiệm chừng ngoài sáu mươi, nền nã, đằm thắm.
Tiệm chưa đông khách. Tôi đánh bạo hỏi về mâm gỗ viết phấn: “Nhất gạo, nhì rau, tam dầu, tứ muối”. Cô chủ nhiệt tình giới thiệu chiếc mâm tuy giản dị nhưng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của con người. Nó gợi nhớ về những bữa cơm gia đình ấm cúng và tràn ngập tình yêu thương. Những chữ viết phấn trên mâm chứa đựng một phần ký ức lịch sử dân tộc, thời bao cấp. Nghèo đói nhưng luôn kiên cường, đùm bọc nhau. Và cứ thế, cả khung trời kỉ niềm trong cô ùa về…
Hai mươi tuổi, học xong lớp sơ cấp mậu dịch, cô chính thức vào nghề. Công việc hàng ngày của cô là pha lọc, bán thịt. Ai được mua là phúc đời. Khối người xếp hàng từ tờ mờ đến trưa trật vẫn phải về không khi mậu dịch viên tuyên bố: “Hết hàng”. Uy quyền của mậu dịch viên làm biển người chen chúc vừa mong tới gần, lại vừa lo sợ.
Người mua rỉ tai nhau: nghề mậu dịch viên thật sướng. Cười ra tiền, nói ra vàng. Nhà ai có một mậu dịch viên thì yên tâm ăn no mặc ấm. Nhưng chẳng ai biết nghề mậu dịch viên cũng lắm gian truân. Ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc vì bận hơn nuôi con mọn. Mọi cử chỉ, hành động, lời nói đều được các camera chạy bằng cơm độn khoai, độn sắn… ghi lại, truyền đi nhanh hơn loa phát thanh.
Làm nghề sáu năm thì cả sáu năm cô không được đón giao thừa cùng gia đình. Bù lại, cô có khoản vốn kha khá. Cộng vẻ ngoài ưa nhìn, cô có hàng tá người theo đuổi: bác sĩ, sĩ quan, thẩm phán, con ông nọ bà kia... Nhưng cô chỉ ưng anh thương binh cùng làng.
Hồi nhỏ, một lần chơi trò đánh trận giả, vai cô bị trúng đạn, cục đất to bằng nắm đấm. Điếng người trong tích tắc, rồi cô òa khóc. Chú thấy thế bèn ra hiệu cho cả đám dừng bắn, dừng ném lựu đạn. Chú bắt “thằng địch” xin lỗi cô. Nó còn phải đền tội với cô bằng chùm ổi hái trộm nhà hàng xóm.
Sau lần ấy, cô để ý chú. Thời trẻ con đi qua, ai rồi cũng lớn. Trước hôm chú nhập ngũ, cô sang chơi. Mang theo chiếc khăn tay rồi lại mang về vì ngại. Mấy tháng sau chú gửi thư cho cô. Đi lính làm chú bạo dạn hơn hay sao mà tình trong như đã… mặt ngoài giờ mới hết e…
Cô học hết cấp ba thì vào trường mậu dịch và đợi... Chú tham gia trận Biên giới phía Bắc năm 1979, trúng đạn ở chân phải, đúng khớp gối. Một năm sau, chú ra quân, làm công cho trang trại họ hàng xa tận ngoài đê. Chú muốn lảng tránh điều gì sau vết thương nhức nhối?
Những ngày nghỉ, cô sang thăm nhưng chú tuyệt nhiên không đả động chuyện yêu đương, cưới hỏi. Chú có khổ tâm riêng nên đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Cô giờ là mậu dịch viên danh giá, hình mẫu lý tưởng của trăm người. Chú là thương binh, bước không vững thì biết làm sao để bảo toàn hạnh phúc cho người chú muốn cưới làm vợ. Không! Không nên làm người con gái trong tim phải cơ cực vì mình.
Chú nghĩ vậy nên cố tỏ ra dửng dưng, lạnh nhạt. Đó là cách duy nhất chú bảo vệ cô, nâng niu cô lúc đó. Cô là phận gái, không thể chủ động mãi với người như làm ngơ. Điều cần nói, cô đã nói. Việc cần làm, cô đã làm. Con gái có thì. Nhân duyên đến lúc phải dừng thì đừng nên gượng tiếp.
Minh họa/INT.
Hai mươi sáu tuổi, cô bằng lòng lấy anh làng bên, vừa về từ nước Nga. Ngày cô cưới, chú ngồi cả buổi ngoài triền đê, uống rượu suông, cay đắng xé tan nát ruột gan. Kỉ niệm như thước phim quay chậm, từ từ hiện về, khiến vết thương trong tim đau hơn vết thương ngoài da thịt. Chú nhớ! Chú muốn gọi vang tên cô, giữa bờ sông đầy gió…
Cưới xong, cô sang Nga cùng chồng như để quên đi nơi cũ, người cũ. Rồi cô lần lượt sinh ba con gái. Cuộc sống nơi xa xứ không sung sướng như cô và người ở nhà vẫn nghĩ. Đồng tiền tuy dư dả hơn trong nước, nhưng đẫm nước mắt, mồ hôi. May thay, chồng cô là người nhạy bén nên kinh tế khấm khá.
Cuộc sống lẽ ra cứ thế mà trôi. Đột nhiên chồng cô bị tai nạn qua đời. Hành trình làm mẹ của cô chưa bao giờ gian truân hơn thời điểm ấy. Một bên là nỗi đau mất mát, một bên là ba đứa con thơ. Mùa Đông ở xứ Bạch Dương lạnh cắt da cắt thịt. Những trận bão tuyết vùi lấp những con đường, những cánh đồng, những kế sinh nhai… nhưng không tê tái bằng những đêm cô trằn trọc đến sáng. Gắng gượng mãi rồi thì cũng ổn.
Niềm đau dần nguôi ngoai. Con cái dần khôn lớn. Cuộc sống lại lẽ ra cứ thế mà trôi. Chẳng ngờ đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Cô không muốn bỏ mạng nơi đất khách nếu tình huống xấu xảy ra - dẫu đã ở Nga hơn ba mươi năm. Cô nhớ bố mẹ, anh chị, họ hàng, nhớ tuổi thanh xuân có vui, có buồn nhưng tựu chung là bình yên. Quê hương mỗi người chỉ một. Sau tất cả, cô quyết định dẫn các con hồi hương.
Ở quê, bố mẹ cô có nhà cửa, sân vườn khang trang nhưng cô vẫn muốn tạo dựng cuộc sống riêng để các con tự lập, trưởng thành. Cô định mua một ngôi nhà nằm đúng chỗ cô làm mậu dịch viên ngày trước, mở quán cà phê Bao cấp gợi nhắc cho thế hệ trẻ hôm nay về một thời đất nước đã đi qua.
Ý định của cô ngay lập tức bị nhiều người dèm pha. Người ta không sống nổi mới phải bán căn nhà đó; hàng quán hiện đại giờ nhan nhản, ai vào quán Bao cấp làm gì; tìm chỗ nào đất vượng mà mua… Mỗi người một lý, mà lý nào cũng có phần đúng. Chẳng nhẽ cô sai ư? Cô mở lại từng trang đời mình. Nước Nga xa xôi như thế, nhiều bất cập về ngôn ngữ, văn hóa như thế mà cô vẫn khắc phục được, làm ăn được.
Đặc biệt là từ ngày chồng mất, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng cũng không quật ngã được nghị lực của cô. Vậy thì, những khó khăn trên quê hương có đáng để cô từ bỏ mong muốn của mình? Ngày xưa, cô làm chính chỗ ấy, vẫn tích được khoản vốn khá đấy thôi. Vượng hay lụi, do người, không do đất.
Thế là cô quyết định mua. Ngôi nhà cách nhà bố mẹ cô hơn ba ki-lô-mét. Sau ba tháng sửa sang, thiết kế… ngôi nhà ấy được cải tạo thành tiệm cà phê Bao cấp này. Trong tiệm, những vật dụng xưa cũ được bài trí tinh tế, gọn gàng. Mấy bức tranh Đông Hồ: Đám cưới chuột, chăn trâu thổi sáo, thầy đồ cóc… được treo so le trên bức tường màu vàng, bên phải.
Đối xứng với tranh Đông Hồ là giấy chứng nhận sở hữu xe đạp, bộ sưu tập tem phiếu mua hàng. Tường bên trái treo đàn ghi-ta, đàn nhị, đàn bầu, khèn, sáo… Tường chính giữa, vị trí trang trọng nhất treo bức tranh to có ảnh Bác Hồ và khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khẩu hiệu này chẳng những có ý nghĩa trong thời bao cấp mà còn nguyên giá trị ở bất cứ thời đại, dân tộc, con người nào.
Dưới bức khẩu hiệu là tủ bích phê. Đài cát sét, đèn măng xông, ti-vi đen trắng, lọ hoa… được xếp đặt hài hòa trên tủ. Trước tủ là bộ bàn ghế gỗ, đệm ghế làm bằng vỏ chăn con công. Mặt bàn bày bộ ấm tích, giỏ ủ, bình vôi… Sự sắp xếp tỉ mỉ cho thấy chủ nhân của tiệm rất tỏ tường và trân trọng quá khứ.
Tiệm có thêm nhóm khách nhưng cô chủ quán chưa vội đứng dậy. Một em gái chừng ngoài hai mươi, niềm nở hướng dẫn khách chọn đồ uống. Đó là con gái út của cô. Con gái cả và con gái giữa đảm nhiệm việc pha chế. Tiệm vừa là miền kỷ niệm, vừa là lời nhắc nhở ai đó trong nhịp vội hôm nay. Cách đây ít ngày, tiệm của cô được Bảo tàng tỉnh mời trưng bày chuyên đề “Dấu ấn thời bao cấp” tại phòng triển lãm.
Chuyên đề nhằm giới thiệu về giai đoạn lịch sử mười năm bao cấp tới giới trẻ, học sinh, sinh viên mà các cán bộ, đảng viên, nhân dân… cũng đến rất đông. Ai nấy đều thích thú, chụp rất nhiều ảnh mang về. Trong số những vật dụng được mang đi, có chiếc mâm gỗ mà tôi vừa hỏi. Thú vị hơn, đó là chiếc mâm của người yêu cùng làng thuở nào tặng cô, nhân ngày khai trương tiệm.
Sau bao năm xa cách, nay cô chú lại là bạn quý của nhau. Chú giờ làm chủ trang trại lớn: vừa thả cá ao, vừa nuôi cá lồng. Trang trại có hơn hai chục người làm. Chú đóng góp đáng kể vào quỹ khuyến học, phong trào thương binh làm kinh tế giỏi của làng, của xã. Chú lấy vợ sau khi cô lấy chồng sáu năm.
Vợ chồng chú sinh được một con trai, bằng tuổi con gái giữa của cô. Cuộc sống của cô chú ấy lẽ ra cứ thế mà trôi. Nhưng bệnh tật đã mang vợ chú đi cách đây gần mười năm. Nỗi buồn khó quên nhưng cũng không nên sống mãi với nó. Con trai chú thường rủ bố đến tiệm cà phê Bao cấp của cô.
Uống xong một ly nước, anh lấy lý do công việc để hai người lớn ngồi nói chuyện. Dần dần, chú tự đi như một thói quen. Mỗi khi biết cô cần sưu tầm đồ vật gì, chú thường hăng hái giúp. Kể cả chiếc mâm gỗ của gia đình, dù chú từng giữ nó như báu vật.
Đi qua nhiều trải nghiệm, nơi chú muốn tới lúc này là trái tim của người cũ mà rất mới, bình thường mà rất phi thường. Tình yêu chú dành cho cô dường như vẫn nồng nàn, trọn vẹn, như sự tròn trịa của chiếc mâm kia.
Câu chuyện của cô tạm dừng khi một người đàn ông ngoài sáu mươi vào tiệm. Tôi đoán đó là chú thương binh. Ánh mắt chú để lộ bầu trời yêu thương, dịu dàng, sâu thẳm. Đó không chỉ là ánh mắt, mà còn là sự kết nối vô hình, chân thành, da diết, và không thể giấu. Tôi cúi chào, rồi xin phép lên tầng.
Ở tầng hai, không gian quán vẫn yên bình nhưng được bài trí đan xen một số sản vật quê hương. Những dây tỏi tím, ớt đỏ, ngô vàng… treo cạnh đôi quang gánh, bó rơm khô thật làm người ta dễ dàng thả hồn về một cánh đồng bao la, bát ngát…
Dạo quanh một lượt, tôi dừng lại ở giá sách dài và rộng. Đôi mắt tôi lướt trên những nhan đề “Tìm trong nỗi nhớ” của Lê Ngọc Mai, “Miếng nhớ miếng thương” của Vũ Tam Huề, “Chiều chiều” của Tô Hoài, “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh, “Phố Hoài” của Trần Thị Trường… Hóa ra, giá sách này là thư viện văn học nhỏ về thời bao cấp.
Tôi chọn cuốn “Phố Hoài” và chăm chú đọc lời tựa của nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập tác phẩm: “Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh.
Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy”…
Thì ra, ông bà, bố mẹ tôi và ông bà, bố mẹ bạn… đã trải qua một thời như vậy. Thương!
Tôi nhìn sang năm bàn có khách. Chẳng ai bảo ai mà sự tĩnh lặng được gìn giữ một cách văn minh. Tôi từng đến một vài quán cà phê trong và ngoài khu phố, nhưng không đâu mang đến ấn tượng đặc biệt như nơi này. Một nốt trầm trong bản nhạc đời hối hả. Khiêm nhường nhưng ý nghĩa biết bao!
Hóa ra, mất mát chẳng hẳn là mất mát. Đó đôi khi chỉ là thử thách để người nghị lực học cách mạnh mẽ hơn. Sau mất mát, người ta dường như biết trân trọng đời hơn, biết yêu thương và bù đắp cho nhau hơn. Hoa nở một mùa, người sống một kiếp, tan hợp tùy duyên, an nhiên tự tại. Mất mát hôm qua chẳng thể ngăn hi vọng ở ngày mai.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên Trung tâm GDTX-GDNN Lương Tài, Bắc Ninh)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/not-tram-xao-xuyen-post741331.html