Tiếp tục tái cấu trúc nợ
Tập đoàn Novaland vừa thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh giá chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu trị giá 300 triệu USD.
Theo đó, giá chuyển đổi là 36.000 đồng/cổ phiếu, tỷ giá cố định tại thời điểm chuyển đổi là 24.960 VND/USD. Tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu/trái phiếu và có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/1/2025.
Đây là lô trái phiếu được Novaland phát hành để huy động vốn từ năm 2021, niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, không có tài sản đảm bảo, thời gian đáo hạn ban đầu là năm 2026.
Theo thỏa thuận ban đầu, các trái chủ có quyền chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng/cổ phiếu.
Đến tháng 7/2024, Novaland thông báo đã hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trên.
Theo đó, dư nợ gốc sau khi nhập lãi tính đến ngày 5/7/2024 là 320,9 triệu USD. thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào tháng 6/2027 hoặc đợt mua lại trước hạn nếu có trong tương lai.
Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25%/năm như vốn gốc.
Mức giá chuyển đổi 36.000 đồng/cổ phiếu cao hơn khá nhiều so với giá cổ phiếu NovaLand đang giao dịch trên thị trường.
Hiện tại, cổ phiếu NVL của Novaland chỉ được giao dịch quanh mức 10.000-10.500 đồng/cổ phiếu.
Vốn hóa công ty theo đó cũng đang ở mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, còn chưa đến 20.000 tỷ đồng.
Cả năm 2024, NovaLand tập trung vào hoạt động tái cấu trúc nợ để giảm áp lực tài chính.
Vừa qua, công ty đã phê duyệt phương án mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị tối đa tính theo mệnh giá là 7.000 tỷ đồng.
Dự kiến 21 lô trái phiếu được phát hành từ ngày 25/6/2020 đến ngày 31/8/2020 sẽ được mua lại theo phương thức thỏa thuận.
Giá mua lại sẽ được tính bằng 100% mệnh giá cộng với tiền lãi phát sinh tính đến ngày mua. Tất cả lô trái phiếu này có thời gian đáo hạn trong thời gian từ ngày 26/6/2025 đến ngày 31/8/2025.
Các lô trái phiếu được dự kiến mua lại lần này là những khoản huy động do Công ty CP Chứng khoán VPS làm đại lý phát hành, kỳ hạn 36 tháng, đã đáo hạn lần đầu vào năm 2023.
Tuy nhiên, sau đó người sở hữu trái phiếu đã đồng ý thay đổi kỳ hạn sang 60 tháng, thời gian đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 8/2025.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng nợ phải trả của NovaLand đạt hơn 190.000 tỷ đồng, bao gồm gần 60.000 tỷ đồng vay nợ tài chính.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 65% tổng dư nợ, tương ứng giá trị gần 40.000 tỷ đồng.
9 tháng năm 2024, Novaland đã trả hơn 1.170 tỷ đồng nợ gốc vay và hơn 1.200 tỷ đồng tiền lãi vay.
Nỗ lực tìm nguồn vốn mới
Bên cạnh thỏa thuận với các chủ nợ, Novaland dự kiến thu về gần 25.500 tỷ đồng từ việc bán tài sản.
Theo đó, công ty đã ký hợp đồng bán bảy tài sản trị giá hơn 12.300 tỷ đồng và ký biên bản ghi nhớ cho ba tài sản khác với tổng giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Novaland cho biết đang nỗ lực huy động thêm vốn. Ước tính, NovaLand sẽ huy động gần 12.500 tỷ đồng từ các ngân hàng trong năm tới cùng kế hoạch thu về 11.700 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh tháo gỡ pháp lý các dự án nhằm khơi thông dòng tiền kinh doanh, qua đó đón nhận những tín hiệu khá tích cực.
Dự án trọng điểm Aqua City đang dần được tháo gỡ pháp lý. Ảnh: Novaland
Cuối tháng 12 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã xác nhận 521 căn nhà thấp tầng tại Khu đô thị Aqua City đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh sau khi đã cơ bản hoàn thành các điều kiện và thủ tục cần thiết để mở bán.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng chấp thuận 752 căn nhà thấp tầng khác thuộc Khu I và Khu V của dự án Aqua City đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Dự án Aqua City có quy mô 1.000 ha là một trong những dự án trọng điểm, quan trọng nhất của NovaLand.
Dự án đã được triển khai nhưng bị tạm ngưng từ năm 2021 vì vướng phê duyệt các điều chỉnh quy hoạch.
Gần đây, pháp lý dự án đã được dần tháo gỡ khi tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung 1/10.000 thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung điều chỉnh tập trung vào quy mô dân số và chỉ tiêu đất đai tại phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía tây đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đây là bước pháp lý quan trọng tháo gỡ cho nhiều dự án của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Aqua City của Novaland.
Dũng Phạm