Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một số quy định tại dự thảo Luật liên quan đến thuế về lĩnh vực Văn hóa đang được các đại biểu Quốc hội, văn nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo, doanh nghiệp và dư luận quan tâm, cho ý kiến. Đáng quan tâm là việc dự thảo Luật Thuế GTGT lần này đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, tăng lên mức 10%.
NSND Trần Lực
Trong các văn bản góp ý trước đây, Bộ VHTTDL đã đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thuế GTGT năm 2008 về áp dụng mức thuế suất 5% đối với nhóm nội dung "Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim".
Tuy nhiên, phương án tiếp thu một phần của Bộ Tài chính và cơ quan của Quốc hội: Chỉ áp dụng mức thuế suất 5% đối với "Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian", các hoạt động khác tăng lên mức 10%. Lý do các cơ quan này đưa ra là các hoạt động văn hóa cần được ưu đãi, khuyến khích chủ yếu là các loại hình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa dân tộc mang tính truyền thống. Các loại hình giải trí, nghệ thuật khác đều đã được xã hội hóa và mang tính thị trường cao.
Chia sẻ với chúng tôi, NSND Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A và sân khấu LucTeam cho biết: Việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm văn hóa, thể thao khiến những người, những đơn vị làm nghệ thuật tư nhân thấy lo lắng đồng thời khiến các doanh nghiệp đã khó khăn càng chồng chất thêm khó khăn.
Theo NSND Trần Lực, việc tăng thuế không thể áp đặt theo dạng cào bằng đối với các doanh nghiệp và các sản phẩm văn hóa. Vì trong văn hóa, nghệ thuật, các sản phẩm điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn rất khác nhau. Với những cơ sở kinh doanh như rạp chiếu phim nói chung, chỉ sau một tháng là biết lỗ lãi thế nào, phim nào hay lắm thì 2 tháng ra rạp là xong một dự án. Còn sân khấu thì khác, sân khấu diễn ngày này qua tháng khác, không diễn ồ ạt dồn vào một lúc.
"Trước đây 5% đã là sự cố gắng của các doanh nghiệp. Sau ảnh hưởng của Covid-19, chưa khắc phục được mà cơ quan Nhà nước đề nghị tăng thuế GTTG lên 10% thì cực kỳ khó khăn"- NSNS Trần Lực chia sẻ.
Đảm nhiệm cả vai trò lãnh đạo sân khấu LucTeam và Hãng phim Đông A, NSND Trần Lực cho biết: "Đối với các hãng phim tư nhân, để duy trì được không đơn giản. Lý do mà cơ quan Nhà nước muốn áp mức thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp văn hóa là các loại hình giải trí, nghệ thuật (ngoài truyền thống) đều đã được xã hội hóa và mang tính thị trường cao. Tuy nhiên, không thể đánh đồng các doanh nghiệp văn hóa như vậy. May lắm thì chúng tôi hòa vốn. Không phải phim nào cũng có lãi. Điện ảnh Việt Nam không nhiều Trấn Thành đến vậy đâu".
Đối với sân khấu, NSND Trần Lực cho rằng, người Hà Nội đã quên mất dần thói quen đi xem kịch. Chỉ khi có vở mới thì bán vé còn tốt sau đó giảm dần. Điều này, theo NSND Trần Lực, không chỉ diễn ra với sân khấu của ông mà sân khấu nào cũng vậy.
Cũng theo NSND Trần Lực, mặc dù công ty và sân khấu của ông đã đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh, mạng xã hội, nhưng cũng "chỉ đến thế thôi", lượng vé bán ra cũng trong mức cố định ở lượng fan của ông.
LucTeam từng rất thành công với vở “Quẫn”
"Làm văn hóa nghệ thuật cực khó khăn trong khi đó làm những việc khác dễ kiếm tiền hơn nhiều, vẫn là làm nghề thôi nhưng tôi đi đóng phim, đóng quảng cáo, dựng youtube, tiktok chắc chắn thu nhập cao hơn. Nhưng vì duy trì truyền thống gia đình mà tôi vẫn "sống chết" vì nghệ thuật. Sân khấu tư nhân của tôi đăng ký hoạt động như một doanh nghiệp, tiền bỏ ra đầu tư và thu về thực sự là chỉ mong hòa vốn để tiếp tục duy trì. Ở Thủ đô không có nhiều sân khấu tư nhân là vì vậy. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì tôi đồ rằng sân khấu sẽ ngày càng mai một. Bản thân tôi rất yêu nghề và truyền thống gia đình nên mới theo đến giờ này"- NSND Trần Lực chia sẻ.
Muốn phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, theo NSND Trần Lực, cần những chính sách đồng bộ từ việc giảm thuế, miễn thuế còn là việc quan tâm hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực.
Qua kinh nghiệm tham gia giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, NSND Trần Lực cho biết, nhiều lứa học trò ra trường cũng rất khó khăn trong làm nghề. Đào tạo nhân lực khó lắm để có người làm nghề, Nhà nước phải có chế độ khuyến khích những người trẻ theo học văn hóa nghệ thuật.
LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò Trần Lực và các nghệ sĩ trẻ
"Thực tế rất bi kịch. Chúng tôi đã tuyển sinh được sinh viên giỏi rồi nhưng gia đình thấy tương lai ngành nghề mù mịt nên không cho theo nữa. Muốn phát triển ngành phải đầu tư cho con người. Bây giờ, theo học thì khó khăn, vất vả ra làm lại thu nhập thấp thì chắc chắn không ai theo nghề. Chúng ta nói đến những nguồn ngân sách đầu tư cho văn hóa với những số tiền khổng lồ, nhưng hãy đầu tư vào con người trước tiên. Dù là điện ảnh, sân khấu tuồng chèo, đầu tư giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất.
Bởi nếu không đầu tư vào văn hóa, phát triển văn hóa thì nói gì đến chấn hưng đất nước. Ở nước ngoài các quỹ đầu tư, hỗ trợ nghệ sỹ độc lập, hỗ trợ các doanh nghiệp rất nhiều, nhưng ở ta thì không có nhiều, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm nguồn đầu tư. Việc tăng thuế GTGT sẽ là khó chồng thêm khó đối với người làm văn hóa, doanh nghiệp văn hóa"- NSND Trần Lực bày tỏ./.
Hồng Hà