Dành cả đời để nghiên cứu
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học - qua đời vào hồi 10h03 sáng ngày 6/5 tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi. Ông sinh năm 1941, là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân.
Ông là người có công lớn trong việc nghiên cứu, phục dựng và bảo quản cả bốn tượng nhục thân các thiền sư hiện có tại Việt Nam tại Chùa Đậu (Hà Nội), chùa Phật Tích và chùa Tiêu Bắc Ninh. Hai trong bốn tượng nhục thân thiền sư kể trên sau quá trình tu bổ bảo quản đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Lễ tang PGS.TS Nguyễn Lân Cường được tổ chức vào 13h30 ngày 8/5 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà Nam.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường dày công nghiên cứu nhân học hình thể, đặc điểm nhân chủng của cư dân văn hóa Đông Sơn, đặc điểm hình thái, chủng tộc và bệnh lý răng người cổ thuộc thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Ông là tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học công bố trong và ngoài nước.
Ông nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony. Ông ra đi, để lại nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác âm nhạc, hội họa có giá trị.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học - qua đời vào hồi 10h03 sáng ngày 6/5 tại Hà Nội.
Ở lĩnh vực âm nhạc, PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sở hữu gần 100 tác phẩm như Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo, Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa...
Ông từng thổ lộ rằng sau những chuyến đi xa đầy bụi bặm khảo cổ, được trở lại Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa chỉ huy trên sân khấu hợp xướng, là khoảnh khắc ông được là chính mình.
Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm ấn tượng của ông là sách Bộ xương nói với bạn điều gì? gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông vẽ.
Đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hậu bối đến tiễn đưa PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Nguyễn Hà Nam.
Đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật chưa thể thực hiện
Sự ra đi của ông để lại bao niềm tiếc nuối. TS. Bùi Thị Thu Phương - Phó trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội - học sinh của PGS.TS Nguyễn Lân Cường - cho biết ông là người nghiêm túc, cần cù và say mê trong việc nghiên cứu khoa học, nhưng ông lại là một người vui vẻ, hài hước và thoải mái trong cuộc sống đời thường.
“Thầy là người vui vẻ, hài hước, thầy ở đâu là ở đó rộn ràng. Thầy hay kể chuyện tiếu lâm, vui đùa. Tính cách của thầy là sự kết hợp giữa một nhà khoa học nghiêm túc và một nghệ sĩ”, TS. Bùi Thị Thu Phương nêu.
Điều chị ấn tượng, khâm phục nhất ở người thầy của mình là sự đam mê của ông dành cho khảo cổ học.
“Trên công trường, dễ dàng thấy hình ảnh thầy giữa 12-13h trưa vẫn tỉ mỉ khai quật. Trong những năm gần đây, thầy vẫn tích cực tham gia hoạt động khai quật tại di chỉ Vườn Chuối. Ở tuổi 84 thầy vẫn lăn lộn trên công trường, bất chấp nắng mưa, vất vả”, TS. Bùi Thị Thu Phương kể.
NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - tiễn đưa PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Nguyễn Hà Nam.
Hình ảnh trái ngược của PGS.TS Nguyễn Lân Cường trên công trường khảo cổ và trên sân khấu khắc sâu trong tâm trí nhà khoa học trẻ. Với chị hình ảnh ông mặc áo đuôi tôm, chỉ huy dàn nhạc không thể phai mờ.
Điều gây tiếc nuối nhất khi PGS.TS Nguyễn Lân Cường rời cõi tạm là ông chưa thể thực hiện được đêm nhạc mừng sinh nhật tuổi 85 của mình. Khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn nói với người thân, đồng nghiệp, học trò về mong ước thực hiện đêm nhạc, tiệc sinh nhật hoành tráng vào tuổi 85.
“Thầy nói sẽ mời tất cả bạn bè, đồng nghiệp trên toàn quốc về Hà Nội dự tiệc sinh nhật. Những ai ở phía Nam, không đủ kinh phí mua vé máy bay ông sẽ tài trợ. Chúng tôi khi nghe tin vô cùng háo hức, đếm từng ngày để chúc mừng thầy nhưng rất tiếc bữa tiệc này không thể tổ chức được nữa”, TS. Bùi Thị Thu Phương nghẹn ngào. Chị cũng tiết lộ dự án khảo cổ cuối cùng, dang dở của PGS.TS Nguyễn Lân Cường là dự án nghiên cứu nhân chủng học ở di chỉ Vườn Chuối.
Tại lễ tang PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Lý Pháp Quân - chuyên gia về Nhân học hình thể tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) đã gửi điện chia buồn: “Nguyễn Lân Cường là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực nhân học hình thể và giải phẫu người tại Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu của Ông từ lâu đã được cộng đồng học thuật quốc tế biết đến và thừa nhận”.
Lễ truy điệu và di quan được tổ chức vào 15h ngày 8/5. Ông được an táng tại quê nhà ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Gia Linh