NSƯT Hạnh Thúy và những lát cắt cuộc đời

NSƯT Hạnh Thúy và những lát cắt cuộc đời
4 giờ trướcBài gốc
Là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình và sân khấu phía Nam, sau 7 năm "ở ẩn", Hạnh Thúy đã đánh dấu sự trở lại của mình với vở kịch "Ghen", công diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM.
Không chỉ là một vở kịch
"Ghen" là một lời thủ thỉ về phụ nữ, về tình yêu, về những xúc cảm thẳm sâu thường bị coi là yếu mềm, là "vấn đề" nhưng lại hiện diện trong mỗi mái nhà. Và người kể câu chuyện ấy, như cách chị tự ví, là "một người đàn bà gửi đến những người đàn ông nụ cười hiền khô" - NSƯT Hạnh Thúy nhấn mạnh chữ "khô", bởi nó trông xù xì, ốm yếu như chính hình thể của chị nhưng lại bền bỉ và chịu thương, chịu khó đến lạ.
Là lớp diễn viên cùng thời với Việt Hương, Thúy Nga, Cao Minh Đạt, Hạnh Thúy không ngừng tìm tòi, sáng tạo và bồi đắp cho nghề diễn. Ngày 17-6 sắp tới, chị sẽ nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh - truyền hình tại Hà Nội, khép lại chặng đường gần 3 năm vừa học vừa làm, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy.
Sau vai Ba Thuận trong phim "Sống trong sợ hãi" - vai diễn đưa về cho chị giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam 2007, Hạnh Thúy tiếp tục khẳng định mình ở nhiều địa hạt: đạo diễn, biên kịch, giảng viên sân khấu.
Với vở "Dòng nhớ" (phóng tác từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư), chị từng giành tới 7 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc. Nhưng rồi chị lui về làm mẹ, làm phim, làm nghề một cách lặng lẽ cho đến khi vở "Ghen" ra đời. NSƯT Hạnh Thúy đã viết kịch bản, đạo diễn và đảm nhận một vai trong vở kịch này.
"Ghen là một vở kịch rất "đời" - không hô hào, không ồn ào. Nó đơn giản là sự phản chiếu những gương mặt thân quen của cuộc sống: người đàn bà nghi ngờ, người vợ cam chịu, người mẹ tổn thương, người chồng vô tình… Tất cả những câu chuyện ghen tuông tưởng cũ rích lại hiện lên với lớp lang, chiều sâu và cả sự hài hước, cảm thông để khán giả cười nhưng đầy suy ngẫm" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
NSƯT Hạnh Thúy
Phải luôn tử tế
Sau khi vở "Ghen" sáng đèn, Hạnh Thúy đã nói lời cảm ơn NSND Mỹ Uyên - người đã hết lòng chăm lo từng chiếc áo, từng poster, từng gương mặt diễn viên.
Chị cũng gửi lời cảm ơn đến từng cộng sự - từ dàn diễn viên như Lê Bê La, Kỳ Thiên Cảnh, Minh Thảo, Bảo Trung đến những người tạo hình, ánh sáng, âm nhạc… Một danh sách dài mà trong đó, từng cái tên đều hiện lên với sự trân quý hiếm hoi trên trang cá nhân của chị, cốt là để nhắc nhở chính mình: Phải luôn tử tế.
Ở thời điểm không ít người chấp nhận dừng lại hoặc chạy theo trào lưu làm TikTok, YouTube, kênh truyền hình thực tế, quảng cáo sản phẩm, bán hàng online… thì NSƯT Hạnh Thúy vẫn chọn một con đường chậm rãi, nhiều suy tư từ sàn diễn cho đến bục giảng. Chị học thạc sĩ khi tuổi đã ngoài 40, tiếp tục giảng dạy và trao truyền nghề nghiệp. Cuộc sống riêng cũng không thiếu thử thách - con gái đầu lòng bị khiếm thính bẩm sinh - nhưng với chị, đó là những bài học quý giá để sống và yêu thương sâu sắc hơn.
"Ghen" là một lát cắt đẹp trong hành trình nghệ thuật nhiều cung bậc của Hạnh Thúy. Đó là nơi nghệ sĩ không chỉ đóng vai, mà sống cùng nhân vật, dựng nên không gian chan chứa yêu thương và thấu hiểu. Đó là một lời thủ thỉ, gửi gắm sự dịu dàng vào giữa đời sống còn nhiều nghi ngại" - đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhận xét.
"Ghen" không phải là một tác phẩm lớn nhưng đó là một nụ cười hiền, một tiếng thở dài nhẹ nhàng, một cái ôm thật chặt của khán giả dành cho NSƯT Hạnh Thúy sau khi vở diễn kết thúc.
Gìn giữ ký ức
Trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu TP HCM năm 2024, vở kịch "Những cánh hoa trinh trắng" do NSƯT Hạnh Thúy đạo diễn đã để lại dấu ấn mạnh mẽ nơi khán giả và giới chuyên môn. Tác phẩm được trao huy chương bạc - một phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đưa câu chuyện bi hùng của 10 nữ dân quân pháo binh Lam Hạ (Hà Nam) lên sàn diễn bằng cảm xúc đậm đặc, nghệ thuật tinh tế và tinh thần nhân văn sâu sắc.
Vở diễn dựa trên câu chuyện có thật về 10 nữ dân quân phòng không đã anh dũng hy sinh tại trận địa pháo Lam Hạ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ - những cô gái tuổi đời còn rất trẻ - đã viết nên một trang sử đầy máu và hoa bằng chính mạng sống của mình. Câu chuyện ấy từng được nhắc đến trong các văn bản lịch sử, giờ hiện lên sống động, lay động trái tim người xem qua kịch bản của Lê Chí Trung và Tạ Tuấn Minh.
Chọn đề tài chiến tranh vốn không dễ thu hút khán giả trẻ thời nay, song NSƯT Hạnh Thúy đã mang đến một góc tiếp cận rất riêng: nữ tính, sâu lắng và trắc ẩn. Thế nên, "Những cánh hoa trinh trắng" đã được khán giả trẻ đón nhận. Ở đó, người xem không chỉ thấy những nữ dân quân với súng đạn, mà còn là những cô gái biết yêu, biết mơ ước, biết sợ hãi và biết hy vọng. Họ không phải là những "tượng đài" lạnh lùng mà là những sinh mệnh sống động, khiến cái chết của họ càng bi tráng, càng khiến người xem đau đáu.
"Những cánh hoa trinh trắng" là sự tri ân những người con gái đã hóa thân vào đất nước, tri ân cả ký ức về một thời không thể quên. Đó cũng là cách NSƯT Hạnh Thúy khẳng định vai trò của sân khấu: không chỉ giải trí mà còn là nơi lưu giữ và chuyển giao ký ức dân tộc.
Có thể nói, từ những vở tâm lý xã hội gần gũi như "Ghen" đến tác phẩm đậm tính sử thi như "Những cánh hoa trinh trắng", NSƯT Hạnh Thúy đã giúp nhiều diễn viên trẻ có cơ hội thể hiện tài năng.
NSƯT Hạnh Thúy (thứ hai, từ trái sang) trong một vở diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Ở Hạnh Thúy có một nội lực sáng tạo bền bỉ, không ngừng mở rộng biên độ nghệ thuật. Bằng tình yêu nghề, Hạnh Thúy đang âm thầm làm nhiệm vụ của một "người gìn giữ ký ức". Và trong hành trình ấy, "Những cánh hoa trinh trắng" là một cột mốc đáng nhớ" - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét.
Bài và ảnh: THANH HIỆP
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nsut-hanh-thuy-va-nhung-lat-cat-cuoc-doi-196250524213949337.htm