NSƯT Lê Thiện: 'Lưu Quang Vũ luôn khiến khán giả thổn thức với sàn diễn'

NSƯT Lê Thiện: 'Lưu Quang Vũ luôn khiến khán giả thổn thức với sàn diễn'
8 giờ trướcBài gốc
NSƯT lê Thiện hâm mộ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ
Trong ký ức của NSƯT Lê Thiện – người nghệ sĩ gắn bó lâu năm với sân khấu kịch miền Nam, tác giả Lưu Quang Vũ là hiện tượng của sân khấu đương thời và là "người làm thơ bằng kịch".
NSƯT Lê Thiện nói rằng mỗi lần đọc lại kịch bản của ông, bà thấy như được trò chuyện với một người bạn cũ, một người vẫn lặng lẽ hỏi han đời sống hôm nay qua những vở diễn từ mấy chục năm trước nhưng vẫn chứa đựng tính thời sự bền bỉ.
NSƯT Lê Thiện nói về sức bền của dòng kịch Lưu Quang Vũ
Sự kiện Nhà hát Kịch Việt Nam đã bán hết vé 2 suất 1 và 2-8 tại Cung Hữu Nghị Việt – Xô với vở "Bệnh sĩ" đã cho thấy sức bền đáng nể của dòng kịch Lưu Quang Vũ. NSƯT Lê Thiện chia sẻ:
"Lưu Quang Vũ không chết trong những trang kịch bản. Ông sống bằng sự tỉnh táo, đau đáu và tràn đầy thương yêu dành cho con người và xã hội".
Những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh được nhiều thế hệ khán giả, bạn đọc yêu mến
Gần 40 năm sau ngày ông qua đời, những tác phẩm như: "Bệnh sĩ", "Bông cúc xanh trên đầm lầy", "Người tốt nhà số 5", "Ai là thủ phạm"… vẫn tiếp tục được dàn dựng, tái diễn và "cháy vé" – điều không phải kịch bản nào cũng làm được.
Với NSƯT Lê Thiện, đó không chỉ là sự trường tồn của một tác phẩm, mà là bằng chứng cho "cái hồn không cũ" trong tư tưởng và cách kể chuyện của một nhà viết kịch lớn.
Theo bà nhận định kịch bản "Bệnh sĩ" không mang theo một khẩu hiệu. Nó không rao giảng đạo lý. Nó chỉ lặng lẽ soi chiếu những kiểu người, những thói quen, những ảo tưởng rất đời thường, và nhờ thế mà tồn tại được đến hôm nay.
Từng là người chứng kiến sự lan tỏa của kịch Lưu Quang Vũ từ miền Bắc vào Nam trong những năm cuối thập niên 1980, NSƯT Lê Thiện khẳng định sức sống tác phẩm của ông là nằm ở sự giản dị và thấu cảm. Tác phẩm của ông – dù là "Bệnh sĩ" đầy hài hước, hay "Bông cúc xanh trên đầm lầy" đầy ám ảnh – đều chạm vào những nỗi niềm rất thật. Bà gọi đó là "nghệ thuật của sự đồng cảm", chứ không phải "nghệ thuật chỉ tay dạy đời".
Không có vai phụ trong kịch Lưu Quang Vũ
"Ngay cả một vai nhỏ trong kịch bản của ông cũng có đời sống riêng, số phận riêng. Tôi từng đọc lại "Người tốt nhà số 5", thấy rằng Lưu Quang Vũ không bỏ rơi ai trong vở kịch của mình. Ông làm cho người xem hiểu, thương và nhìn thấy chính mình – kể cả trong những nhân vật tưởng là mờ nhạt nhất"- NSƯT Lê Thiện nói.
NSƯT Thành Lộc đã từng diễn vai Phương trong vở kịch nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ, đó là vở "Trái tim trong trắng" do NSND Phạm Thị Thành đạo diễn trên sân khấu IDECAF
Với bà, điều quý giá nhất ở tác giả Lưu Quang Vũ là ông không viết để "tạo vai cho ngôi sao tỏa sáng", mà để cho câu chuyện được kể đầy đủ, trung thực. Chính tinh thần đó mới giúp một thế hệ diễn viên – từ NSND Xuân Bắc, NSƯT Kiều Minh Hiếu…và trong miền Nam có NSƯT Thành Lộc, NS Thanh Thủy, NSND Diệp Lang…đã có cơ hội làm nghề một cách nghiêm túc và tử tế với kịch bản "Trái tim trong trắng" trên sân khấu IDECAF do NSND Phạm Thị Thành dàn dựng.
"Trong kịch của Lưu Quang Vũ nghệ sĩ không ai gồng mình để nổi bật, vì vai diễn đều có đất để tỏa sáng. Đó chính là tinh thần sáng tác rất đặc trưng của Lưu Quang Vũ" - NSƯT Lê Thiện nói.
NSƯT Lê Thiện: Sân khấu hôm nay cần tinh thần "Lưu Quang Vũ"
NSƯT Lê Thiện không giấu được xúc động khi vừa qua 4 vở diễn của sân khấu TP HCM tham gia Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" lần V – năm 2025 và đạt được thành tựu lớn về giải thưởng gồm: vở "Sâu đêm" (Sân khấu Quốc Thảo); "Viên đạn bọc đường" (Chi hội Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM); "Một cuộc chiến khác" (Sân khấu Hồng Vân) và "Cuộc đoàn tụ cảm xúc" (Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh).
Theo bà đó là sự tiếp nối một cách vẻ vang tinh thần làm kịch chính luận của Lưu Quang Vũ.
Tác giả Lưu Quang Vũ và tuyển tập của ông được tái bản nhiều lần
Cũng như khi nghe tin vở "Bệnh sĩ" đã diễn hơn 400 suất diễn giữa thời điểm sân khấu đang chật vật với bài toán khán giả và tháng 8 này sẽ tái diễn, bà cho rằng đó là một phép thử thành công cho niềm tin rằng "khán giả không quay lưng với kịch nói, nếu nghệ thuật được làm tử tế và tiếp cận đúng cách" – NSƯT Lê Thiện nói.
"Lưu Quang Vũ chưa bao giờ rời khỏi sân khấu. Chỉ là, ông để lại vai diễn cho chúng ta – những người làm nghề – tiếp tục kể lại câu chuyện của ông, bằng chính cuộc đời mình" – NSƯT Lê Thiện lý giải.
Lưu Quang Vũ (1948–1988) là nhà thơ, nhà viết kịch nổi bật của Việt Nam với hơn 50 kịch bản sân khấu. Ông được xem là người "thổi luồng sinh khí mới" cho kịch nói Việt Nam cuối thế kỷ 20.
Một số tác phẩm tiêu biểu: "Tôi và chúng ta", "Lời thề thứ 9", "Người tốt nhà số 5", "Bệnh sĩ", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Bông cúc xanh trên đầm lầy", "Ai là thủ phạm"…
NSƯT Lê Thiện
Di sản của Lưu Quang Vũ, với NSƯT Lê Thiện, không chỉ là một gia tài kịch bản đồ sộ – mà là một kho niềm tin dành cho sân khấu: rằng sân khấu có thể lay động lòng người, có thể góp phần sửa đổi những điều chưa tốt trong xã hội, nếu nó được làm từ sự chân thành và thấu cảm.
Thanh Hiệp (ảnh NSCC)
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nsut-le-thien-luu-quang-vu-luon-khien-khan-gia-thon-thuc-voi-san-dien-196250722181821835.htm