NSƯT Văn Hải:'Sáng tạo cho ra tinh thần của Bác mới là quan trọng'

NSƯT Văn Hải:'Sáng tạo cho ra tinh thần của Bác mới là quan trọng'
5 giờ trướcBài gốc
Trong hai vở diễn “Lá đơn thứ 72” và “Mệnh lệnh từ trái tim”, ông có vinh dự được đảm nhận vai Bác Hồ. Những vai diễn của ông chân thực, gần gũi, tự nhiên, luôn cố gắng khắc họa một cách thuyết phục nhất hình ảnh “vị Cha già dân tộc”.
Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hải.
- Thưa NSƯT Văn Hải, nhìn lại những vai diễn đã qua, ông thấy đâu là vai diễn ấn tượng nhất của mình. Đó có phải là những lần được đóng vai Bác Hồ?
- Đã là diễn viên, vai nào chưa đóng mới là hay nhất, bởi tôi chưa bao giờ thỏa mãn với những vai diễn của mình. Sau một thời gian mà được diễn lại vai diễn mình đã từng thực hiện, mình sẽ có nhiều kinh nghiệm, bổ sung chi tiết, tìm đài từ phù hợp để xử lý vai diễn ngày càng chính xác hơn. Mỗi vai diễn đều có nét riêng. Tại sân khấu Lệ Ngọc, tôi đã diễn tất cả 16 vai diễn, đều là những vai "nặng ký", thể hiện tư tưởng, chủ đề riêng của tác phẩm sân khấu, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thể hiện vai Bác Hồ. Tuy vậy trong lòng tôi luôn kính yêu Người.
Từ thời bé, tôi được biết, được nghe Bác nói, đọng lại trong tôi những tình cảm thiêng liêng với Bác. Khi nghe tin Người qua đời, tôi đã từng đứng dưới chiếc loa phóng thanh ở Bờ Hồ và khóc. Những kỷ niệm đó cứ đọng lại trong trí nhớ, từ đó tôi luôn ghi nhớ tấm gương, cảm xúc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh như nền tảng tinh thần trong cuộc sống của mình. Suốt thời gian gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cũng được học hỏi những đồng nghiệp đi trước như nghệ sĩ Mạnh Linh, Hà Văn Trọng, Đức Trung, những người từng đóng vai Bác Hồ. Họ đã rất thành công khi không chỉ lấy được cảm xúc người xem mà còn khiến cho các đồng nghiệp thực sự ghi nhận.
- Khi thể hiện vai Bác Hồ trong vở kịch “Lá đơn thứ 72” và “Mệnh lệnh từ trái tim”, NSƯT Văn Hải đã chọn cách tiếp cận như thế nào với hình tượng nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có một ý tưởng và cách thể hiện khác nhau về hình tượng Bác. Trong vở kịch “Lá đơn thứ 72” và “Mệnh lệnh từ trái tim”, nhân vật Bác Hồ đều tham gia vào tuyến kịch chính. Đó chính là điều thuận lợi cho diễn viên, cũng là lý do mà sau khi đọc kịch bản, tôi quyết định tham gia.
Xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi người một vẻ. Người thì tìm về hình thức, cử chỉ, động tác, còn tôi lại không thiên về điều đó. Về hình thức, tôi không cố để giống y hệt Bác Hồ. Tôi cố gắng tập trung vào tinh thần, phong cách, cử chỉ... sao cho thật gần gũi. Bác đã “vi hành” đến với dân, xem cán bộ của mình đã xử lý người kêu oan với 71 lá đơn mà tại sao đến lá đơn thứ 72 Bác mới nhận được. Bác đến tận nơi, xem hoàn cảnh gia đình người ta, mục sở thị, mắt thấy tai nghe, tìm hiểu kỹ nội dung lá đơn... sau đó minh oan cho người vô tội.
Sự vĩ đại của Người từ những chi tiết, câu chuyện nhỏ, chứ không chỉ là những việc lớn mà ai cũng biết. Trong kịch bản, chỉ cần những chi tiết đúng với con người Bác thì mình phải diễn cho ra. Vai Bác Hồ không có nhiều cảnh trên sân khấu và cái khó của người diễn viên là làm sao thể hiện được, xử lý được đài từ, mang đầy tình cảm, dụng ý, từng câu nói phải rất chỉn chu, bộc lộ sự cao quý của Người.
- Nghe nói NSƯT Văn Hải còn tự hóa trang cho mình mỗi khi vào vai Bác Hồ?
- Ban đầu tôi cũng tìm hiểu và thuê người hóa trang nhưng tôi đều thấy chưa chuẩn. Vì vậy, tôi tự hóa trang, vì mình biết khẩu hình của mình, mảng sáng, tối trên khuôn mặt như thế nào. Tôi cũng xác định mình không cần phải giống y hệt Bác Hồ. Mình đóng sao cho ra tinh thần của Bác mới là điều quan trọng. Thêm nữa, nguyên tắc của tôi là không bao giờ xem người khác đóng vai Bác Hồ để tránh bị đóng khung. Tôi chỉ hỏi ý kiến, tham khảo khán giả để hoàn thiện hơn vai diễn của mình.
- Sau thành công với hai vở kịch “Lá đơn thứ 72” và “Mệnh lệnh từ trái tim”, nếu có thêm cơ hội vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSƯT Văn Hải mong muốn được hóa thân vai diễn ở những khía cạnh nào của Người?
- Niềm ao ước của tôi là được thể hiện vai lãnh tụ đầy đủ hơn nữa, dài hơn nữa và sâu sắc hơn nữa, đi vào đời sống thực tế của Người hơn nữa. Tôi đã mời một số người trước đây từng phục vụ Bác tới xem kịch, để lấy ý kiến tham khảo từ phía họ, từ đó có sự điều chỉnh vai diễn cho phù hợp. Có những khán giả là người xứ Nghệ góp ý rằng: “Anh nói tiếng Nghệ nặng thêm nữa”. Nhưng tôi nghĩ rằng Bác đã đi năm châu bốn biển, tiếng nói cũng có sự thay đổi, đó là điều tôi tự rút ra sau khi được nghe, được xem các tư liệu về Người. Vì thế, khi đóng vai Bác, tôi không nói tiếng Nghệ An nhiều.
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” đã trải qua 300 đêm diễn, từ tháng 4-2022 đến nay, chúng tôi diễn liên tục. Có những tháng chúng tôi diễn mười mấy buổi. Khát vọng thì rất nhiều! Một vị lãnh tụ được cả dân tộc, cả thế giới kính trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ luôn là cảm hứng sáng tạo cho các tác giả cũng như nghệ sĩ. Hiện nay, sân khấu đang cần thêm kịch bản hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ. Đó luôn là vấn đề mấu chốt!
- Trân trọng cảm ơn NSƯT Văn Hải!
Đinh Thúy thực hiện
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nsut-van-hai-sang-tao-cho-ra-tinh-than-cua-bac-moi-la-quan-trong-702638.html