Vào đầu tháng 4/1965, cầu Hàm Rồng, cây cầu thép nối đôi bờ sông Mã, giữ vai trò huyết mạch trên tuyến đường sắt và bộ Bắc - Nam trở thành mục tiêu trọng điểm của chiến dịch không kích do không quân Mỹ thực hiện. Khu vực này, với mật danh "Alpha-9", được xác định là nút giao thông chiến lược cần phá hủy nhằm cắt đứt tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
8h45 sáng ngày 3/4/1965, quân đội Mỹ chính thức mở chiến dịch không kích Thanh Hóa, mở màn bằng trận đánh vào cầu Đò Lèn, cách Hàm Rồng gần 20km về phía Bắc. Từ trưa đến chiều, các đợt oanh tạc không ngừng diễn ra, tập trung hủy diệt cầu Hàm Rồng và các trận địa phòng không xung quanh.
Cầu Hàm Rồng lịch sử, nơi ghi dấu ấn một thời hào hùng của quân và dân Thanh Hóa trong những năm tháng chiến tranh. (Ảnh tư liệu).
Đến ngày 4/4/1965, nhiều tốp máy bay tiếp tục được điều động để bắn phá khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Trong suốt hai ngày chiến đấu ác liệt này, quân và dân Thanh Hóa đã lập nên kỳ tích, bắn rơi tổng cộng 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã tiêu diệt 31 chiếc. Không lực Mỹ sau đó phải cay đắng thừa nhận, đây là hai ngày "đen tối" trong lịch sử của họ.
Giữa những âm vang chiến thắng ấy, hình ảnh người nữ dân quân nhỏ bé Ngô Thị Tuyển nổi bật như một biểu tượng không thể quên. Chiều 4/4/1965, khi trận chiến đang diễn ra ác liệt, cô gái 19 tuổi, cao chỉ 1m40, nặng vỏn vẹn 42kg, đã cắn răng, gồng cứng đôi vai vác hai hòm đạn nặng gần 100kg, băng mình qua đường hào đầy bùn đất và tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, tiếp đạn cho chiến sĩ ở trận địa.
Hành động phi thường ấy không chỉ là một chiến công cá nhân, mà còn trở thành biểu tượng sống động của ý chí bất khuất, tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, nó còn là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh to lớn ẩn chứa trong hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, nhỏ bé về thể chất nhưng vĩ đại về ý chí.
Hình ảnh nữ anh hùng tải đạn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. (Ảnh tư liệu).
Dù nay đã bước sang tuổi 80, bà Ngô Thị Tuyển vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng năm ấy. "Ngày 4/4/1965, khi đang làm nhiệm vụ truy bắt lính Mỹ nhảy dù, tôi gặp một tàu hải quân của ta đang cần dân quân hỗ trợ vận chuyển đạn. Hai hòm đạn sắt bị móc chặt vào nhau, mọi người dùng đủ cách cũng không tách ra được. Trong tình thế cấp bách, tôi đánh liều, buộc chắc hai hòm đạn lên vai, nghiến răng, gồng người lao đi giữa tiếng gào rú của máy bay địch trên đầu".
Khi được hỏi điều gì đã tiếp thêm cho bà sức mạnh phi thường ấy, bà Tuyển trả lời giản dị mà sâu sắc: "Đó là lòng yêu nước, là tinh thần dân tộc và niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa. Hồi đó, tôi là con nhà lao động nghèo, quen với đồng áng nên có sức khỏe. Nguồn sức mạnh thực sự đến từ trái tim, từ ý chí không cho phép mình bỏ cuộc, dù trong hoàn cảnh nguy hiểm nhất".
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, nhân chứng bảo vệ cầu Hàm Rồng 60 năm trước.
Chiến công vác hai hòm đạn, khối lượng gấp hơn hai lần trọng lượng cơ thể của bà Tuyển nhanh chóng lan tỏa khắp trong và ngoài nước. Hai tháng sau chiến thắng Hàm Rồng, nhiều phóng viên nước ngoài tìm đến Thanh Hóa, yêu cầu bà tái hiện lại hình ảnh ấy để kiểm chứng. Với tinh thần tự trọng và ý thức trách nhiệm cao với danh dự đơn vị và quốc gia, nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển nhẹ nhàng vác một bao gạo và một bao khoai tây nặng tới 105kg, khiến tất cả những ai chứng kiến đều nể phục.
Những cống hiến phi thường trong chiến đấu đã được ghi nhận xứng đáng. Ngày 26/5/1965, bà Ngô Thị Tuyển được kết nạp Đảng ngay trên trận địa. Đầu năm 1967, bà vinh dự được dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội và gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Không chỉ một lần, bà còn được gặp Bác đến ba lần, được Bác Hồ trực tiếp trao tặng Huy hiệu, một vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng có được.
Dù đã bước sang tuổi 80, bà Ngô Thị Tuyển vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng.
Ngày 1/1/1967, bà chính thức được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ngoài ra, bà còn hai lần được trao Huân chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại "tọa độ lửa" Nam Ngạn - Hàm Rồng.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng câu chuyện về nữ anh hùng tải đạn Ngô Thị Tuyển vẫn luôn được nhắc đến như một bản anh hùng ca bất tử. Hình ảnh người con gái nhỏ bé vác hai hòm đạn băng qua bom đạn ngút trời năm nào đã khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Việt Nam, trở thành minh chứng bất diệt cho tinh thần thép, lòng yêu nước và sức mạnh vô song của dân tộc trong những năm tháng không thể nào quên của lịch sử.
Ngọc Hưng