Chị Nguyễn Thị Tình đang làm máng che mưa cho miệng cạo. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vì ở quê không có việc làm, năm 2007, chị vào Gia Lai tìm việc. Năm 2009, chị Tình xin vào công nhân khai thác mủ của su của Chi nhánh Công ty 75. “Lúc đầu làm công nhân tập từng đường cạo, phải dậy sớm tôi cũng nhiều áp lực lắm. Đặc biệt, việc cạo mủ cao su đòi hỏi kỹ thuật cao mới có sản lượng nhiều, chính vì thế, tôi phải tranh thủ học hỏi mọi người xung quanh. Quê không có việc làm, vào đây có nghề cạo mủ mình phải quyết tâm học bằng được”-chị Tình chia sẻ.
Được sự chỉ bảo, giúp đỡ của chỉ huy đội, hướng dẫn của người đi trước, chị Tình đã tìm đến những vườn cao su thanh lý để tự học cạo. Ngoài ra, chị còn tích cực tìm hiểu đặc tính của cây cao su để biết cách chăm sóc. Trò chuyện với chúng tôi chị cho biết: "Ở quê chỉ biết làm lúa, trồng hoa màu, vào đây tiếp xúc với cây công nghiệp nên mình cần học hỏi nhiều. Cây cao su cũng như con người vậy, chăm sóc tốt thì cây khỏe mới cho nhiều mủ. Khi cạo mủ, bạn phải tạo độ dốc, lòng máng, vuông tiền, vuông hậu đúng tiêu chuẩn; không để đường cạo lệch miệng, vượt tuyến hay bị gợn sóng".
Chị Nguyễn Thị Tình hướng dẫn các công nhân làm máng che mưa. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhờ tích cực học tập đồng đội, cố gắng vươn lên, chỉ 3 năm sau khi được nhận vào làm công nhân, chị Tình đã có trình độ tay nghề tương đối vững. Cùng với đó, chị tích cực làm máng che mưa, vệ sinh miệng cạo, đặc biệt là việc tận thu mủ tạp, mủ đông. Hiện nay, chị Tình đang nhận khoán 4 ha vườn cây. Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật, hàng năm, sản lượng mủ của chị giao cho đơn vị luôn vượt từ 15 đến 20%. Chị là một trong số ít công nhân của Đội sản xuất số 2 vượt khoán với mức cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân của chị đạt hơn 8 triệu đồng/tháng, có nhiều tháng đạt từ 12-13 triệu đồng.
Chị cho biết: "Cây cao su là tài sản của đơn vị, nhưng nó lại là nơi nuôi sống gia đình tôi. Chính vì thế, tôi luôn coi vườn cây của công ty như của nhà mình để chăm sóc, bón phân, phòng cháy… Chúng tôi làm công nhân từ thời điểm cao su được mệnh danh là “vàng trắng” nên đời sống của mọi người khấm khá dần. Có thời điểm mủ giảm thấp, kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn bám vườn cây, vẫn tin tưởng vào cây cao su”.
Bên cạnh là một thợ khai thác mủ giỏi, chị Tình còn tham gia các hoạt động của đơn vị. Hiện nay, chị là Hội phó hội Phụ nữ của Đội sản xuất số 2. Với vai trò được giao, chị luôn gần gũi mọi người trong đơn vị, động viên các hội viên khắc phục khó khăn, tích cực chăm lo lao động sản xuất để có cuộc sống ổn định. Với trình độ tay nghề cao, chị luôn giúp đỡ, hướng dẫn các công nhân mới, đặc biệt là công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số cách cạo mủ, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc vườn cao su… Trao đổi với chúng tôi, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Lương Ngọc Thủy-Đội trưởng Đội sản xuất số 2 cho biết: "Không chỉ là một công nhân giỏi của đơn vị, chị Tình là một cán bộ phụ nữ tham gia tích cực các hoạt động của đơn vị. Điều đặc biệt là chị luôn giúp đỡ, hướng dẫn mọi người cạo mủ để nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Chị Nguyễn Thị Tình (thứ 3 từ trái sang) được tuyên dương tại Đại hội thi đua quyết thắng giai đoạn 2019-2024 của đơn vị. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Gắn với nghề cạo mủ hơn 15 năm, chị Tình nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, chị có 7 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là công nhân ưu tú của Chi nhánh Công ty 75 và Binh đoàn 15. Nói về những thành tích của mình chị cho biết: “Để đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở không đơn giản. Ngoài sản lượng vượt kế hoạch thì người công nhân phải tận tâm, yêu nghề và khai thác mủ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, thời gian cạo, tiến hành tận thu mủ nước, mủ tạp, mủ đông, làm sao để vườn cây và cây luôn sạch đẹp. Ngoài ra, tôi còn tích cực, hướng dẫn mọi người cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thành tích của một cá nhân luôn phải vì tập thể và đặt trong thành tích tập thể, có như thế cả đơn vị mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Dương Kim Tuấn-Giám đốc Chi nhánh Công ty 75 cho biết: Chị Nguyễn Thị Tình là công nhân ưu tú của đơn vị, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Bản thân chị không những có tay nghề giỏi, có nhiều sáng tạo trong việc cạo mủ mà còn tích cực hướng dẫn các công nhân, đặc biệt là công nhân người dân tộc thiểu số biết cách cạo mủ. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở đơn vị, vì vậy mọi người luôn quý mến chị. Chị Tình là điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, là tấm gương để mọi người trong đơn vị noi theo.
VĨNH HOÀNG