Những câu chuyện về một thời gian khổ trong lao tù được các nữ cựu tù kể lại
• THẮM NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
91 tuổi, lúc nhớ, lúc quên, nhưng khi hỏi về những tháng ngày bị bắt và giam cầm trong lao tù đế quốc, nữ cựu tù Lâm Thị Thơm - xã Xuân Trường, TP Đà Lạt vẫn trả lời rành rọt: “Đã đi theo cách mạng thì dù bị địch bắt vẫn một lòng với Đảng, với Tổ quốc”. Tham gia kháng chiến, bà Thơm bị địch bắt khi đứa con đầu lòng mới tròn 9 tháng tuổi. Trong những năm tháng gian lao tù đày, tình nghĩa chị em bạn tù là điều bà trân quý và nhớ nhất, vết thương da thịt đã lành theo năm tháng nhưng tình nghĩa đồng đội mãi mãi ghi sâu.
Nữ cựu tù Nguyễn Thị Mây, 92 tuổi, Phường 12, TP Đà Lạt, tuổi già và những trận đòn roi trong lao tù khiến bà không thể tự đi lại được mà phải dùng ghế tập đi
Còn với nữ cựu tù Nguyễn Thị Mây, 92 tuổi, Phường 12, TP Đà Lạt, tuổi già và những trận đòn roi trong lao tù khiến bà không thể tự đi lại được mà phải dùng ghế tập đi. Bà nhớ lại: "Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, mọi hình thức nham hiểm nhất đánh vào điểm yếu của người phụ nữ để hòng khai thác thông tin. Những kiểu tra tấn ghê gớm nhất làm đau đớn thể xác, tinh thần chị em chúng tôi đều không thành công, chúng tôi vẫn kiên quyết không khai và giữ bí mật cho tổ chức".
Bà Trần Thị Thảo - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 277 nữ cựu tù cách mạng. Nhiều người trên 80, 90, thậm chí 100 tuổi, có nhiều người tuổi già, sức yếu, lại thêm di chứng những trận đòn roi tra tấn của địch nên chỉ nằm một chỗ. “Mỗi khi nhắc lại những tháng ngày trong lao tù, ngoài các vết thương còn hằn trên da thịt, điều khiến chúng tôi nhớ mãi là tình chị em, tình đồng đội, đồng chí, sát cánh bên nhau trong những ngày gian khổ nhất chốn lao tù. Bị địch bắt, tra tấn dã man, chịu cảnh lao tù khắc nghiệt, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nhưng các nữ chiến sĩ vẫn kiên cường đấu tranh. Các dì, các cô và bản thân tôi tuyệt thực đòi quyền sống, phản đối chào cờ, thậm chí có người còn mổ bụng để đấu tranh đến cùng. Càng gian khổ càng đùm bọc nhau. Chị em yêu thương, nhường nhau từng miếng ăn trong hoàn cảnh khắc nghiệt”, bà Thảo xúc động chia sẻ.
• TRUYỀN LỬA CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ
Những nữ cựu tù cách mạng, có những người không chỉ bị địch giam giữ một lần, mà đến hai lần, ba lần, đã chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng vẫn kiên cường tổ chức các hoạt động đấu tranh ngay trong lòng địch; động viên nhau vượt qua muôn vàn thử thách, chia sẻ từng hạt muối, nắm cơm; biến ngục tù thành trường học cách mạng, truyền lửa cách mạng, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, giữ vững tinh thần, ý chí người cộng sản, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc.
Các hoạt động chăm lo cho nữ cựu tù cách mạng luôn được Hội LHPN tỉnh và Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng quan tâm
Trong chiến đấu chống kẻ thù, các nữ cựu tù cách mạng không chỉ là những chiến sĩ gan dạ ngoài mặt trận, còn là hậu phương vững chắc của cách mạng. Trở về với cuộc sống đời thường, dù mang trên mình di chứng của thương tật, họ vẫn tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước; trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Họ xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ dành tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Bà Trần Thị Thảo - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, tại tỉnh Lâm Đồng, sau ngày đất nước thống nhất, có hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Sau 50 năm, hiện nay chỉ còn hơn 500 người là hội viên đang sinh hoạt trong Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh. Qua 3 nhiệm kỳ, Hội luôn nỗ lực làm tốt công tác tập hợp, đề xuất chăm lo cho các đối tượng bị địch bắt tù đày. Hội hoạt động với tinh thần nghĩa tình đồng đội, với phương châm “Sống ở trong tù kiên trung bất khuất, sống ở đời tình nghĩa thủy chung”. Tuy không có thù lao nhưng các thành viên của Hội rất tích cực, đặc biệt tham gia “truyền lửa” cho thế hệ trẻ qua các buổi nói chuyện, kể lại những câu chuyện sống động về các tấm gương chiến sĩ trong nhà lao… Qua đó, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay.
TUẤN HƯƠNG