Nữ hiệu trưởng kể chuyện kỉ niệm ở Phiêng Hin

Nữ hiệu trưởng kể chuyện kỉ niệm ở Phiêng Hin
3 giờ trướcBài gốc
Cô Nguyễn Hải Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm non Ta Ma đón trẻ tới trường.
Cứ đến dịp khai giảng hàng năm, cô Nhung đều nhớ đến kỷ niệm khó quên trong ngày đầu tiên đi nhận nhiệm vụ ở Phiêng Hin.
Phiêng Hin ngày ấy…
Nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025, chúng tôi có dịp trò chuyện với cô Nguyễn Hải Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trong không khí phấn khởi đón chào năm học mới, cô Nhung kể cho chúng tôi về kỷ niệm với Phiêng Hin.
“Trong cuộc đời của mỗi người đều có những kỉ niệm đáng trân trọng. Đó là hành trang để chúng ta vững bước vào đời. Và tôi cũng có những kỉ niệm đẹp đẽ, khó quên như vậy. Đó là ở Phiêng Hin – nơi đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ” – cô Nhung tâm sự.
Nà Sáy – xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo chính là nơi đầu tiên cô Nhung nhận nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Năm ấy, cô vào nhận công tác trong thời gian hè và được phân công dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số tại điểm trường Phiêng Hin, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo (nay là xã Khoong Hin).
Cô Nhung kể, cô vẫn còn nhớ như in ngày đầu hè của tháng 6/2006. Một ngày thật ý nghĩa đối với một cô sinh viên mới ra trường. Sau trận mưa xối xả của ngày hôm trước thì bầu trời trong xanh, cao thẳm với tiếng ve kêu râm ran vui tai đến lạ thường. Cô dậy từ rất sớm để chuẩn bị mọi thứ chuẩn bị cho đợt công tác xa nhà đầu tiên. Điểm trường mà cô công tác cách xa trung tâm thị trấn Tuần Giáo 40km, giáp xã Ngối Cáy, Mường Đăng của huyện Mường Ảng bây giờ.
“Đúng 5 giờ sáng, tôi bắt đầu lên xe di chuyển vào điểm trường Phiêng Hin. Khi bắt đầu rẽ vào đường xã, tôi mới giật mình phát hiện ra đây chỉ là đường mòn quanh co triền đồi, bên phải là đồi núi, bên trái là vực sâu thăm thẳm, với những đám cỏ dại mọc um tùm hai bên đường” – cô Nhung nhớ lại và tiếp tục kể về chuyến hành trình đầu tiên ấy.
Sau cơn mưa của ngày hôm trước, đường đi lên điểm trường bị xói mòn không rõ lối đi. Lớp đất đỏ trên bề mặt đường như bột mỳ dính chặt vào bánh xe. Cố gắng dùng sức lắm, cô mới thoát ra khỏi đoạn đường ấy để di chuyển tiếp.
Những cung đường đến điểm trường ở vùng cao Tuần Giáo vẫn còn nhiều khó khăn.
“Bịch”, tôi và cả chiếc Dream yêu quý nằm sõng soài dưới một cái rãnh nước ven đường. Gạo, thức ăn, quần áo… cái thì ướt, cái thì bẩn. Xe máy cũng hỏng không thể nổ lên được, đành phải dắt bộ. Cả một quãng đường dài, vừa đi vừa dùng que khều đất ra khỏi bánh xe đề có thể di chuyển dễ hơn” – cô Nhung kể lại.
Sau đó, đi mãi cô cũng tới một con suối. Thế nhưng, đứng từ bên này nhìn sang lại không thấy một chiếc cầu nào bắc qua con đường đến điểm trường. Suy nghĩ hồi lâu, cô liều mình dắt xe qua dòng nước. Và rồi, cả xe và đồ dùng cá nhân đều đổ kềnh mà trôi theo dòng nước. Cô vội chạy theo để vớt đồ và chiếc xe.
“Đến đây, nước mắt tôi trực trào. Loay hoay không biết phải làm sao cả, trong đầu tôi xuất hiện ý định bỏ nghề và không tiếp tục nữa. Sau khi kéo xe lên đến bờ bên kia của dòng suối thì chiếc xe đã hỏng hết vỡ tan, đi không được mà về cũng không xong. Tôi ngồi bên bờ suối bật khóc nức nở và đành chờ người dân hoặc cán bộ nào đó đi qua để nhờ giúp đỡ” – cô Nhung kể trong xúc động.
Ngồi chờ mãi, cô cũng gặp được một số người dân bản địa và sau một hồi trình bày, cô được mọi người giúp đỡ thay nhau dắt xe, đẩy xe đưa lên điểm trường.
Tiếp câu chuyện, cô Nhung nhớ lại: “Đến đây, tôi gặp bác Chủ tịch UBND xã và thầy Hiệu trưởng. Mọi người thấy tôi như người mất hồn liền gọi lại động viên và đưa tôi đến chỗ ở mới. Đó là lán tạm do người dân dựng lên để chào đón cô giáo mới. Chỗ ở chật chội, lại không có điện, phải dùng đèn dầu thắp sáng, chật vật mãi tôi mới ngủ được”.
Sáng hôm sau, cô Nhung theo chân trưởng bản chỉ chỗ để làm lớp cho học sinh. Rồi cô cùng dân bản lên rừng kiếm gỗ, vận chuyển về điểm trường dựng lớp học. Vách lớp được các bác thưng bằng tre, bàn học sinh làm bằng ván, ghế làm bằng các cành cây đóng lại với nhau…
Công tác dựng lớp và kê bàn ghế phải mất ba ngày mới hoàn thành. Sau khi lớp học hoàn thiện, cô Nhung tiếp tục đi đến từng nhà người dân huy động các em nhỏ đi học để xóa mù chữ.
Lớp học ở điểm trường Phiêng Hin năm học 2007 - 2008.
“Có những em nhỏ lúc đó 7, 8 tuổi mà vẫn chưa biết mặt chữ, nhìn thấy cô giáo lạ còn rụt rè ngại không dám giao tiếp. Sau khi thông báo lịch học, nhiều phụ huynh rất vui vì con mình có thể đi học, biết chữ. Họ liên tục nói lời cảm ơn cô giáo. Và buổi học đầu tiên cũng tới, các em đi học đúng giờ, rất ngoan, chăm chú nghe cô giáo giảng bài” - cô Nhung kể.
Sau một thời gian tiếp xúc, học trò ngày càng quý cô. Ngày nghỉ, các em vẫn đến trường để chơi với cô. Nhiều bác phụ huynh thì sợ cô giáo không có gì ăn khi ở lại trường nên người thì cho gạo, người cho măng, rau hay con gà để cô giáo nuôi ở trường. Mỗi khi không có giờ dạy, học sinh còn đến đưa cô đi bắt cá, hái rau rừng... "Nhận được sự quan tâm nhiệt tình của phụ huynh và học sinh và chính quyền địa phương, tôi cảm thấy rất vui. Đó cũng là động lực khiến tôi tiếp tục gắn bó với nghề", cô Nhung nói.
Về Nà Sáy từ năm 2006, sau quá trình công tác gắn bó, cô Nhung được bổ nhiệm lên Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Khoong Hin. Đến năm 2010, cô chuyển về làm Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Chiềng Sinh. Năm 2015, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non Chiềng Sinh. Năm 2020, cô chuyển về Trường Mầm non Ta Ma và giữ chức vụ Hiệu trưởng đến bây giờ.
“Cho đến bây giờ tuy đã thuyên chuyển đến nhiều nơi công tác khác nhau, những vùng thuận lợi hơn, khi bắt đầu vào năm học mới, kỉ niệm năm ấy ở Phiêng Hin lại như ùa về khiến tôi có động lực hơn trong trình giảng dạy, cống hiến” – cô Nhung xúc động.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Với vai trò là Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, cô Nhung luôn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, tạo các điều kiện thuận lợi để cán bộ đảng viên trong Chi bộ, các đoàn viên công đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Chất lượng giáo dục của trường Mầm non Ta Ma từng bước được nâng cao.
Cô thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường vận động cán bộ công đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp ủng hộ giúp đỡ các giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: mái ấm công đoàn, quỹ vì người nghèo, ủng hộ giáo viên, học sinh vùng khó...
Cô Tiêu Thị Phương Thùy, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non xã Ta Ma nhận định: “Cô Nhung là một lãnh đạo có quan điểm lập trường vững vàng, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Cùng với đó, luôn xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường và các tổ chức đoàn thể.
Bên cạnh đó, cô đã huy động được sự đóng góp về công sức và tiền của của các tổ chức, cá nhân và gia đình để xây dựng cơ sở vật chất trường Mầm non xã Ta Ma.
Trong năm học qua, với mục tiêu sửa chữa cải tạo cảnh quan trường lớp và hoàn thiện minh chứng công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I và công tác đánh giá ngoài, cô Nhung đã làm tờ trình gửi tới các ban ngành, đoàn thể và làm thư ngỏ vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất.
Cô trò trường Mầm non Ta Ma vui văn nghệ giữa giờ.
“Nhà trường đã được Chương trình vùng Tuần Giáo đầu tư xây 2 bếp ăn tại điểm trường Phình Cứ, Trạm Củ. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị nhà bếp... với tổng số tiền là 1,6 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn có được cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ nhất để đảm bảo an toàn, trường học thân thiện, học sinh vui đến trường” – cô Nhung chia sẻ.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chủ động dẫn dắt đồng nghiệp trong đổi mới giáo dục, cô Nhung cũng có những sáng kiến được các cấp công nhận, mang lại hiệu quả với tính áp dụng tại thực tế của địa phương.
Năm học 2023 - 2024 cô đã có sáng kiến “Một số giải pháp chỉ đạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ trong trường mầm non Ta Ma” với mục tiêu giúp trẻ hiểu được sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh cá nhân và rèn cho trẻ có được những kỹ năng cần thiết trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên cương vị Hiệu trưởng, cô Nhung luôn được người dân, đồng nghiệp và học trò yêu mến.
Cô Nhung cho biết: “Khi áp dụng các biện pháp mới vào dạy thì trẻ có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Giáo viên tìm ra một số giải pháp tốt để công tác giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường luôn đạt hiệu quả. Qua đó, hạn chế để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong nhà trường”.
Cũng theo cô Nhung, Ta Ma là xã đặc biệt khó khăn với đa phần là đồng bào Mông, Kháng. Qua việc áp dụng sáng kiến đã truyền tải được kiến thức chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho phụ huynh để cùng chung tay với nhà trường chăm sóc sức khỏe trẻ khi ở nhà.
“Những sáng kiến mà tôi và các giáo viên áp dụng đều mong muốn mang lại hiệu quả tốt nhất, phù hợp với trẻ ở xã vùng cao Ta Ma. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ luôn được nhà trường thực hiện tốt” – cô Nhung nhận định.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Tuần Giáo nói chung và xã Ta Ma nói riêng, cô Nhung đã nhận được nhiều khen thưởng của các cấp. Tập thể do cô Nhung lãnh đạo nhiều năm liền được công nhận Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh, huyện tặng Bằng khen.
“Tôi rất vui vì những đóng góp của mình cùng tập thể đã được công nhận. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa chất lượng giáo dục ngày một đi lên. Những trải nghiệm từ giáo dục vùng cao huyện Tuần Giáo đã giúp tôi trưởng thành hơn, rút ra được thêm những bài học có giá trị trong công tác giảng dạy của mình” – cô Nhung chia sẻ.
Hà Thuận
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nu-hieu-truong-ke-chuyen-ki-niem-o-phieng-hin-post702112.html