Từ 20 năm trước, chị Phạm Thị Thanh Huyền đã bắt đầu gây dựng cơ nghiệp bằng việc đầu tư máy móc thu gom và chế biến sữa. Đến năm 2019, chị tiếp tục đầu tư máy móc với số tiền lên đến 4 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì do chị sáng lập đã trở thành mô hình kinh tế hiệu quả đóng góp không nhỏ cho kinh tế và vấn đề giải quyết việc làm cho lao động tại huyện miền núi.
Chị Huyền vốn là một công nhân của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Nhìn thấy những lợi thế sẵn có của địa phương, với một khát khao thay đổi cuộc sống, năm 2002, chị quyết định xin nghỉ ở nhà chăn nuôi bò sữa. Ban đầu chị bán sản phẩm cho trạm thu gom, nhưng đến năm 2004, chị mạnh dạn quyết định đăng ký hộ kinh doanh sản xuất sữa và mở cửa hàng bán cho khách du lịch ở khu vực Ba Vì.
Chị Phạm Thị Thanh Huyền là 1 trong số 10 “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024”.
Thời gian đầu, mọi công đoạn đều làm thủ công nên năng suất lao động chưa cao, sản lượng chưa được như mong muốn. Sau khi suy nghĩ kỹ, chị quyết định bán đất do ông bà để lại để đầu tư vào máy móc chế biến sữa. “Tôi biết đó là một quyết định rất rủi ro nhưng nếu mình không “dám” thì có thể sẽ bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để đổi đời”, chị Huyền cho biết.
Cùng với đó, hành trình khởi nghiệp của chị còn gặp rất nhiều rào cản như thiếu vốn, không có kinh nghiệm quản lý. Nhưng không nản lòng, chị kiên trì học hỏi, tìm tòi kiến thức cải thiện quy trình sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình kinh doanh đang có tiến triển tích cực thì tới năm 2008 liên tiếp các sự việc không may xảy ra ảnh hưởng lớn tới ngành sữa và xưởng sản xuất của gia đình chị. Năm đó, thông tin sữa nhiễm melamine đã làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của tất cả các sản phẩm sữa. Cùng thời điểm đó, trận lụt lịch sử mà Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã phải hứng chịu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch địa phương. Sữa công ty thu mua của nông hộ phải cô đặc và để vào kho lạnh thậm chí là đổ bỏ.
Sóng gió rồi cũng qua, hộ kinh doanh của chị đã sớm phục hồi và đi vào quỹ đạo ổn định. Tới tháng 10/2019, thực hiện theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi từ cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập doanh nghiệp; chị đã chính thức thành lập Công ty Cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì.
Sản phẩm sữa Chị Vàng Ba Vì tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP
“Hiện nay, công ty nhận thu gom sữa trực tiếp của hàng trăm hộ dân trong khu vực và tạo việc làm cho 40 lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định, chủ yếu là lao động nữ. Công ty đã có 20 sản phẩm sữa đạt OCOP 3 đến 4 sao”, chị Huyền tự hào với những thành quả đạt được sau nhiều nỗ lực xuyên suốt gần 2 thập kỷ.
Để trở thành một chủ doanh nghiệp như bây giờ, thách thức lớn nhất đối với chị là sự thiếu hụt về kiến thức, những định kiến về bất bình đẳng giới. Xong với sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình cùng với sự học hỏi vươn lên, cuộc đời chị đã thay đổi. Điều chị hạnh phúc và tự hào là bản thân đã góp phần cải thiện kinh tế của các hộ chăn nuôi và công nhân của chị trên địa bàn huyện Ba Vì, góp phần nhỏ trong công cuộc xây dựng Thủ đô. Một điều đặc biệt là chị đã mua lại được chính mảnh đất của ông cha mà chị đã phải bán đi năm đó để làm vốn sản xuất.
Chia sẻ về thời điểm chị có quyết định "liều" bán mảnh đất của gia đình để làm kinh tế, chị Huyền cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều từng là công nhân ở Trung tâm nghiên cứu bò. Vì kinh tế khó khăn quá, một người phải xin nghỉ. Khi tôi nói muốn có vốn mở rộng làm ăn, chồng ủng hộ hoàn toàn. Vợ chồng tôi khi ấy đã vận động mẹ chồng cho bán miếng đất của ông bà, đưa bà về ở với chúng tôi tại đất nông trường. Bà đồng ý ngay vì tin tưởng các con. Tôi rất may mắn vì luôn có gia đình đồng thuận”.
Trang trại chăn nuôi bò sữa Chị Vàng Ba Vì.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cũng đang triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Từ góc độ của một nữ nông dân luôn nỗ lực làm kinh tế, chị Huyền cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các cấp.
Khi còn là công nhân, chị Huyền được Hội phụ nữ giao cho một con bò đầu tiên, để từ đó, chị nhân lên tổng đàn 10 con. Không chỉ hỗ trợ về con giống, chị Huyền cũng như nhiều nông dân khác còn được hỗ trợ kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi. Đến khi mở hộ kinh doanh, chị đã được hỗ trợ rất nhiều từ hội phụ nữ và chính quyền các cấp như: Tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
“Đi cùng với sự thành công của tôi ngày hôm nay là nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ phía thành phố Hà Nội nói chung và Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội nói riêng. Trong thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, ngành để có thể phát triển mô hình sản xuất sữa của mình và góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”, chị Huyền bày tỏ.
Chăn nuôi bò sữa là mô hình tạo việc làm hiệu quả tại huyện Ba Vì, giúp cho nhiều phụ nữ làm nông nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; nâng cao đời sống vật chất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bảo Thoa