Nữ phó giáo sư 8x quê Hà Tĩnh: Mong muốn góp sức nhỏ giúp quê hương phát triển

Nữ phó giáo sư 8x quê Hà Tĩnh: Mong muốn góp sức nhỏ giúp quê hương phát triển
4 giờ trướcBài gốc
PGS. TS Nguyễn Ý Như
Nghiên cứu thủy văn là sứ mệnh
PGS. TS Nguyễn Ý Như sinh năm 1987, có quê quán tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hiện đang là Phó trưởng Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đầu tháng 11/2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 615 ứng viên đạt chuẩn chức danh GS.PGS năm 2024, giảng viên Nguyễn Ý Như là 1 trong số 33 ứng viên quê Hà Tĩnh được phong hàm và là nữ PGS trẻ tuổi nhất trong danh sách này.
Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành Khoa học Trái đất - Mỏ, PGS.TS Nguyễn Ý Như cho biết, cuộc đời cô bắt đầu có sự thay đổi khi chuyển ra Hà Nội để học chuyên Toán tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Vốn đam mê Toán học và có ý định thi Kiến trúc, Nguyễn Ý Như không ngờ rằng cuộc gặp gỡ với GS.TS. Mai Trọng Nhuận – nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học Trái đất đã làm thay đổi hoàn toàn định hướng nghề nghiệp. Khi nghe thầy giới thiệu về chương trình học tại Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, cô cảm thấy như tìm thấy điều mình thực sự mong muốn. Và từ đó cô quyết định theo đuổi ngành Khoa học Trái đất, với chuyên ngành Thủy văn.
PGS. TS Nguyễn Ý Như tại lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh PGS năm 2024 do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức. (Nguyễn Ý Như thứ 2 từ phải sang)
Trong những năm học đại học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, qua tiếp xúc với các thầy cô bộ môn Thủy văn đã giúp cô sinh viên Hà Tĩnh nhận ra niềm đam mê sâu sắc của mình với lĩnh vực này. Tốt nghiệp đại học và hoàn thành chương trình thạc sĩ, cô khao khát vươn xa hơn trong nghiên cứu chuyên ngành. Năm 2012, Nguyễn Ý Như nhận được hai học bổng tiến sĩ, một tại Bỉ và một tại Nhật Bản. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cô chọn Đại học Yamanashi (Nhật Bản) để theo đuổi con đường học vấn. Tại đây cô cũng đã hoàn thành chương trình tiến sĩ vào năm 2017 với chuyên ngành Quản lý tổng hợp lưu vực sông, tập trung vào thủy động lực học và rủi ro do lũ.
Trở về Việt Nam, cô bắt đầu hành trình giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Đây là nơi Nguyễn Ý Như không chỉ nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học mà còn có cơ hội truyền đạt tình yêu với ngành cho các thế hệ sinh viên. Từ những chuyến đi thực địa, cô gái trẻ hiểu sâu sắc nỗi vất vả của người dân trong việc đối mặt với thiên tai, bão lũ. Những công trình nghiên cứu của cô, như mô hình đánh giá thiệt hại do lũ đối với cây trồng nông nghiệp hay nghiên cứu về biến đổi dòng chảy dưới tác động của biến đổi khí hậu và hồ chứa đều hướng đến ứng dụng thực tiễn, giúp cộng đồng giảm thiểu thiệt hại và rủi ro.
Nguyễn Ý Như hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Trường Đại học Yamanashi (Nhật Bản) vào năm 2017
PGS. TS Nguyễn Ý Như đã công bố 43 bài báo khoa học, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 16 bài báo khoa học quốc tế uy tín (ISI/Scopus), 1 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, 5 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, 20 bài đăng trong tạp chí khoa học trong nước, 1 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia.
“Từ một cô gái yêu Toán, đam mê vẽ, tôi đã tìm thấy con đường của mình trong ngành Thủy văn – một lĩnh vực vừa gắn với khoa học tự nhiên, vừa có ý nghĩa thiết thực cho đời sống. Đây không chỉ là công việc, mà còn là sứ mệnh của tôi”- PGS.TS Nguyễn Ý Như tâm sự.
Mong muốn góp phần nhỏ giúp Hà Tĩnh phát triển
Nữ giảng viên mong muốn phát triển các mô hình dự báo và giải pháp quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn, tích hợp các công cụ khoa học hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Hai hướng nghiên cứu chủ yếu của PGS.TS Nguyễn Ý Như là nghiên cứu biến động tài nguyên nước dưới tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động kinh tế xã hội; đánh giá rủi ro và định lượng thiệt hại do thiên tai.
Trong đó, nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá thiệt hại do lũ đối với cây trồng nông nghiệp - Thử nghiệm áp dụng cho xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) là công trình nữ PGS đã dồn nhiều tâm huyết.
Công trình đã cung cấp thông tin về ước tính thiệt hại do ngập lụt theo các cường độ khác nhau, theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng nông nghiệp. Trên cơ sở đó, người dân có thể đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, như điều chỉnh lịch thời vụ hoặc sử dụng phương pháp canh tác thích hợp.
“Chẳng hạn, với cây lúa, thời kỳ lúa đang non thì mức độ ảnh hưởng của lũ sẽ khác giai đoạn lúa trưởng thành hoặc chuẩn bị thu hoạch. Khi biết được điều này, người dân có thể điều chỉnh mùa vụ gieo trồng cho phù hợp, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra”- nữ giảng viên cho hay.
Nguyễn Ý Như tham gia lớp tập huấn đào tạo, phát triển và vận hành hệ thống giám sát hồ đập lưu vực sông Hồng cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế
Một công trình mà PGS.TS Nguyễn Ý Như cũng cảm thấy rất tâm đắc, đó là nghiên cứu “Dao động và biến đổi của dòng chảy tại một số lưu vực sông lớn ở Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu”. Thông qua các công cụ phân tích thống kê, công trình đã đưa ra được những nhận định về sự biến động chế độ dòng chảy dưới tác động của hoạt động con người, đặc biệt là hoạt động hồ chứa.
PGS 8X chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng, nghiên cứu khoa học phải giải quyết những vấn đề thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Các nghiên cứu của tôi, từ đánh giá thiệt hại lũ lụt đến quản lý tài nguyên nước, đều hướng đến việc hỗ trợ cộng đồng giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi cũng muốn các bạn trẻ hiểu rằng, khoa học không chỉ là những công thức hay mô hình phức tạp mà là công cụ để giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, từ việc bảo vệ môi trường đến cải thiện sinh kế của người dân”
PGS.TS Nguyễn Ý Như cũng bày tỏ những kết quả mà chị đạt được chỉ là bước khởi đầu và hành trình học tập và nghiên cứu còn rất dài. Thời gian tới, cô dự định tiếp tục nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên dòng chảy và lũ lụt, đặc biệt ở các lưu vực sông lớn tại Việt Nam. Đây là những vấn đề mang tính cấp bách và có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sinh kế và phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra, nữ giảng viên cũng muốn phát triển các mô hình dự báo và giải pháp quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn, tích hợp các công cụ khoa học hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, Nguyễn Ý Như cũng mong muốn xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu đổi mới, mở rộng hơn các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, mang đến cơ hội học tập, nghiên cứu và trao đổi học thuật cho cả giảng viên và sinh viên trong nước.
Gia đình là nguồn động viên, cổ vũ to lớn cho nữ PGS trẻ tuổi chinh phục các mục tiêu trên con đường nghiên cứu khoa học.
“Quê hương Hà Tĩnh luôn là một phần không thể tách rời trong trái tim tôi, những thành quả tôi đạt được ngày hôm nay cũng bắt nguồn từ những giá trị tôi học được từ mảnh đất này. Tôi muốn mang những kết quả nghiên cứu của mình về đánh giá thiệt hại do lũ và quản lý tài nguyên nước để hỗ trợ địa phương xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả hơn. Đồng thời, tôi hy vọng có thể đóng góp cải thiện hệ thống thủy lợi, giúp người dân quê nhà ổn định sản xuất và sinh hoạt trước tác động của thiên tai.
Với tất cả lòng biết ơn, tôi hy vọng mình có thể tiếp tục đóng góp, dù chỉ là một phần nhỏ, để giúp Hà Tĩnh ngày càng phát triển, vững vàng hơn trước những thách thức của thời đại. Đối với tôi, đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm hạnh phúc và vinh dự”- PGS.TS Nguyễn Ý Như bày tỏ
Ngân Giang
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/nu-pho-giao-su-8x-que-ha-tinh-mong-muon-gop-suc-nho-giup-que-huong-phat-trien-post280844.html