Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trịnh Phương Mai (SN 1988, trú tại phường An Hưng, TP Thanh Hóa).
Mai là đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn coi bói, trục vong, giải hạn online.
Trước đó, cơ quan công an đã nhận được đơn của một phụ nữ trú tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tố giác Trịnh Phương Mai lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng thông qua bói toán và trục vong, giải hạn.
Trịnh Phương Mai tại cơ quan công an
Tại cơ quan công an, Trịnh Phương Mai khai nhận, đầu năm 2022, Mai thường sử dụng mạng xã hội Facebook với nick name “Triệu Phương Mai” để đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn.
Khoảng tháng 4/2024, chị Đ.T.T.O ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã vào bình luận và nhờ Mai xem bói. Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của chị O. Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý khiến chị O. lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn.
Sau khi làm lễ, để tiếp tục lấy tiền của nạn nhân, Trịnh Phương Mai đã đưa ra nhiều thông tin và lý do khác nhau, như trong khi làm lễ thấy có vong nhi theo nên cần tiếp tục làm lễ để vong đi”; quá trình làm lễ do nạn nhân ăn thịt chưng mắm tép nên lễ không thành, hoặc đưa ra một số hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông rồi nói chị O. có điềm xấu, đi lại phải cẩn thận khiến nạn nhân hoang mang lo lắng và tiếp tục chuyển tiền để làm lễ giải hạn.
Điều tra cho thấy, chị Đ.T.T.O đã nhiều lần chuyển tiền cho Trịnh Phương Mai, trong đó lần ít nhất là 25 triệu đồng, nhiều nhất là 54 triệu đồng. Từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Trịnh Phương Mai đã dụ dỗ, buộc chị O. chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.
Nhận định về hành vi vủa Trịnh Phương Mai, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, bói toán, đồng cốt, gọi hồn là các hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Nếu lợi dụng hoạt động mê tín dị đoàn để nhận tiền, tài sản thì còn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý, những hành vi có tính chất mê tín dị đoan, tác động vào niềm tin của người khác, thao túng tâm lý khiến cho họ tin vào những điều huyền hoặc để chiếm đoạt tài sản đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự.
Riêng hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã là hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể xem xét xử lý hình sự. Nếu lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để nhận tiền, tài sản của người khác là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo điều 174 bộ luật hình sự.
Trong vụ việc nêu trên vụ việc nêu trên, Trịnh Phương Mai đã đưa ra thông tin gian dối về vấn đề tâm linh, bói toán để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của nạn nhân nên sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4, Điều 174 BLHS.
Hiện nay, hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng thường xuyên phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng các kênh YouTube, các website để tuyên truyền về các hoạt động mê tín dị đoan. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin nên đã tin theo, làm theo các đối tượng này dẫn đến mất tiền, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Bởi vậy, việc xử lý về các hành vi hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các cô đồng, thầy bói, thầy phong thủy do có hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết.
Vụ án này sẽ là bài học đối với nhiều người tiền mất tật mang khi dạ dạ cả tin, tin theo các hoạt động bói toán, đồng cốt. Việc xử lý với đối với các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng là hình thức răn đe mạnh mẽ, để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh quyết liệt đối với các tệ nạn xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, phân biệt rõ tín ngưỡng chân chính với mê tín dị đoan, không nên quá mù quáng tin vào hình thức bói toán, giải hạn, trục vong. Khi có nhu cầu tâm linh, chỉ nên lựa chọn và tìm đến những cơ sở thờ tự hợp pháp, tránh những cơ sở tự phát, nhất là việc xem bói, giải hạn, trừ vong trên mạng xã hội. Bởi các đối tượng thường lợi dụng những vấn đề tâm linh chưa thể lý giải được rồi đưa ra những lời “phán” chung chung dễ gây hoang mang như: “Bạn đang có hạn lớn”, “Duyên âm theo quấy phá”; “Sắp có công việc trắc trở”, “Gia đình đang cói vong theo”, “Năm nay là năm hạn cần làm lễ giải hạn kẻo gặp đại hạn”…từ đó đưa ra những lời đường mật để dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền ra để làm lễ giải hạn.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác và tỉnh táo trước các thủ đoạn lợi dụng vấn đề tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đừng tự biến mình trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tâm linh, khiến bản thân và gia đình vừa mất tiền, mất thời gian, vừa rước thêm lo lắng và bất an.
Hải Ninh