Nữ sinh L.T.L (19 tuổi, Hà Nam) sinh viên tại một trường đại học tại Hà Nội tiền sử khỏe mạnh, vào viện vì buồn chán, có hành vi tự làm hại bản thân.
Khai thác bệnh sử được biết, L là con đầu trong một gia đình tại Hà Nam. Ở nhà L có 1 em trai, tuy nhiên 2 chị em không hợp nhau, bố mẹ thường ưu tiên quà và tình cảm cho em trai, L ít nói chuyện với em, đôi lúc hay chành chọe, cãi nhau những chuyện nhỏ nhặt.
Bệnh nhân học cấp 1,2 tại trường học tại quê nhà. Ở lớp bệnh nhân được thầy cô và bạn bè đánh giá là người ngoan ngoãn, hiền lành, có ít bạn bè, học lực khá. Bệnh nhân ở lớp hay chơi cùng 1 bạn thân, thường xuyên trao đổi khó khăn trong học tập và trong cuộc sống. Lên học cấp 3, L không học cùng bạn thân nữa và cũng không có bạn thân nào khác.
Đỗ đại học ở Hà Nội, L thuê trọ với 1 bạn gái khác cùng trường ở quê. Tâm trạng cô tốt hơn vì có người thường xuyên tâm sự, hay đi chơi, mua sắm cùng nhau. Nhưng 2 tháng trước, bố L bị ốm nặng khiến cô lo lắng, căng thẳng.
Hai tuần sau đó, cô luôn thấy buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha làm việc gì nữa, kể cả việc xem phim, đi chơi, mua sắm với bạn bè mà cô vốn thích. Cô cũng không tập trung nghe giảng, ăn không ngon miệng, và sụt 3 kg sau 2 tuần.
Cô khó ngủ và ngủ ít, nhiều đêm thức trắng. Nhiều lúc, cô thấy bi quan, tuyệt vọng, nhiều lần nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời khi nằm 1 mình, không ngủ được và thấy tương lai ảm đạm. Cô đã mua dây với ý định làm điều dại dột và được bạn cùng phòng phát hiện nên báo cho gia đình và cô được đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần.
Nữ sinh có ý định tự làm hại bản thân sau thời gian lo lắng, buồn chán. Ảnh minh họa
BSCKII Bùi Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và rối loạn ăn uống Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tiến hành kiểm tra các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị trầm cảm nặng sau thời gian không được phát hiện.
Theo BS Lợi, trầm cảm là rối loạn cảm xúc hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, nguy cơ tiến triển trầm cảm ở lứa tuổi trưởng thành gấp 4 lần. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong cao. Trầm cảm ở trẻ vị thành niên có nhiều đặc điểm khác với ở người lớn khi thay vì buồn chán, chúng có thể cáu gắt, dễ bị kích thích. Vì thế, khi khám bệnh, trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường bị bỏ sót do các triệu chứng không điển hình.
Nguyên nhân từ nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra yếu tố gen và di truyền trong rối loạn trầm cảm, đặc biệt ở vị thành niên. Hầu hết các nghiên cứu về cặp song sinh cho thấy tính di truyền đến độ tuổi vị thành niên khoảng 30–50%. Tỷ lệ trẻ vị thành niên khởi phát trầm cảm có cha mẹ mắc rối loạn trầm cảm chiếm tỉ lệ cao gấp 2 lần trẻ đồng trang lứa.
Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên gồm: Những người đã bị lạm dụng tình dục nghiêm trọng trong thời thơ ấu; Các sự kiện trong cuộc sống như bỏ học, cha mẹ mất, khó khăn tài chính trong gia đình, mất bạn bè hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với trải nghiệm đau thương cũng trở nên chán nản. Tính cách và thời điểm xảy ra các sự kiện đều liên quan đến mối quan hệ giữa trầm cảm và các sự kiện cuộc sống căng thẳng, mặc dù các yếu tố sinh học như chức năng serotonergic cũng bị ảnh hưởng.
BSCKII Bùi Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Dấu hiệu nhận biết trẻ vị thành niên mắc trầm cảm
- Cảm giác buồn bã, khóc không rõ lý do;
- Cảm thấy vô vọng hoặc trống rỗng;
- Cáu kỉnh hoặc khó chịu, dễ tức giận cáu gắt vì những chuyện nhỏ;
- Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các thú vui sở thích trước đây.
- Nhiều người cảm thấy vô giá trị hoặc tội lỗi, cực kỳ nhạy cảm với sự từ chối hoặc thất bại và thường xuyên nghĩ đến cái chết.
“Khi phát hiện những dấu hiệu bệnh của trẻ kéo dài 2 tuần, nên đưa đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị”, BS Lợi khuyến cáo.
Mộc Trà