Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển hàng loạt trường đại học top đầu của Mỹ và Australia

Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển hàng loạt trường đại học top đầu của Mỹ và Australia
18 giờ trướcBài gốc
Đặng Khánh Linh, học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia, cuối tháng 3 vừa qua nhận tin trúng tuyển hàng loạt trường đại học top đầu của Mỹ và Australia, trong đó có Đại học Stanford (top 3 thế giới, với tỷ lệ trúng tuyển dưới 4%), Đại học Michigan (hạng 21 NU, Mỹ), Đại học Boston (hạng 41 NU, Mỹ), Đại học Melbourne (hạng 1 Australia)...
Giành học bổng toàn phần trị giá gần 7,5 tỷ đồng
Riêng tại Đại học Boston, Linh nhận học bổng toàn phần trị giá gần 7,5 tỷ đồng dành cho 20 tân sinh viên xuất sắc nhất trong số hơn 11.000 ứng viên trúng tuyển vào trường.
Ở những ngôi trường này, Khánh Linh đều đặt mục tiêu theo đuổi ngành Luật và Chính sách công - lĩnh vực được em ấp ủ và tìm hiểu từ lâu.
Đặng Khánh Linh vừa trúng tuyển vào loạt đại học Mỹ và Australia. Ảnh: NVCC
Khánh Linh cho biết, cả bố và mẹ đều là phó giáo sư, tiến sĩ ngành luật. Trong những buổi trò chuyện gia đình, nghe bố mẹ bàn luận về các vấn đề chính trị trong nước và thế giới, em bắt đầu tò mò với các thông tin thời sự xung quanh và nhen nhóm tình yêu với luật.
Được bố mẹ gợi mở, nữ sinh tự tìm kiếm tài liệu về những chủ đề mình quan tâm như về bình đẳng giới hay quyền trẻ em. Càng tìm hiểu, Linh càng quan tâm tới các vấn đề liên quan đến nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và cộng đồng người đồng tính (LGBT) và quyết tâm theo đuổi lĩnh vực luật, chính sách nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền của những đối tượng này.
Ý định du học của Linh bắt đầu từ những năm cấp 2, sau khoảng 1,5 năm theo bố mẹ đi làm việc tại thành phố Boston (Mỹ), có cơ hội tiếp cận với môi trường đa văn hóa, cởi mở. Dẫu vậy, tới lớp 10, Linh mới ôn thi SAT, IELTS. “May mắn, vì sớm xác định được ngành học, tất cả các hoạt động, dự án, nghiên cứu của em đều xoay quanh điều em muốn theo đuổi”, Linh nhìn nhận.
Thông qua sự hỗ trợ của bố - vốn là giảng viên trường luật, năm lớp 10, Linh thử sức với việc nghiên cứu. Đề tài đầu tiên Linh thực hiện trong vai trò đồng tác giả liên quan đến chủ đề Bảo vệ quyền lên tiếng của trẻ em.
Trong vòng hơn 1 năm, nữ sinh khảo sát, thu thập, phân tích dữ liệu và bình luận kết quả về quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam trong quá trình ra quyết định tại gia đình, trường học và cộng đồng. Bài nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Luật và Pháp lý Việt Nam (Vietnam Law & Legal Forum).
Linh tham gia vòng thi chung kết thế giới World Scholar’s Cup ở Đại học Yale (Mỹ). Ảnh: NVCC
Thông qua những trải nghiệm ấy, Linh học được quy trình thực hiện một bài nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh. Sau đó, nữ sinh tiếp tục thực hiện một nghiên cứu độc lập liên quan đến thúc đẩy quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục cho trẻ em Việt Nam, và công bố năm 2024 trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam.
Với mong muốn giúp nhiều người trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức về luật, kinh tế thế giới, quyền trẻ em, quyền phụ nữ... Linh cùng các bạn đã xây dựng một tạp chí trực tuyến, đăng tải những bài phân tích chính sách ngắn gọn, dễ hiểu. Với vai trò là Tổng biên tập, Khánh Linh giám sát và xuất bản hơn 30 bài viết trong một năm.
Ước mơ dùng luật và chính sách công hỗ trợ cho nhóm người yếu thế
Ngoài ra, nữ sinh còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội về các chủ đề mình quan tâm như sáng lập ra Herstory, một dự án chuyên tổ chức các sự kiện chia sẻ về giáo dục giới tính và bình đẳng giới tới trẻ em gái dân tộc thiểu số, xuất bản cẩm nang về sức khỏe giới tính. Linh cũng tham gia tổ chức các vở kịch tái hiện câu chuyện của nạn nhân từng bị quấy rối tình dục, sau đó quyên góp toàn bộ tiền vé cho quỹ hỗ trợ nữ nạn nhân bạo lực giới.
Sự đam mê và mối quan tâm đến chủ đề này cũng được Linh thể hiện đồng nhất trong bài luận. Ở bài luận chính gửi tới các trường đại học Mỹ, Linh bắt đầu bằng câu chuyện hồi nhỏ, khi em hay làm tranh thêu chữ thập với mẹ. Linh thấy để làm được một bức tranh hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian và em nhận ra “mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ một mũi khâu”.
“Giống như những điều em làm hiện tại, dù nhỏ, chỉ như từng sợi chỉ, mũi khâu, nhưng từng bước giúp em 'thêu' nên ước mơ lớn. Em tin rằng với đam mê và sự cống hiến cho từng dự án, dần dần em có thể theo đuổi ước mơ dùng luật và chính sách công hỗ trợ cho nhóm người yếu thế”, Linh nói.
Linh (thứ 3 từ trái qua) tại Đại học Yale. Ảnh: NVCC
Nhìn tổng thể hồ sơ, ngoài yếu tố học thuật với 1540 điểm SAT, 8.0 IELTS, Huy chương Vàng viết luận tại vòng thi chung kết thế giới World Scholar’s Cup ở Đại học Yale (Mỹ), Linh đánh giá điều mình làm được là chứng minh cho hội đồng tuyển sinh thấy mối quan tâm của bản thân tới những người yếu thế trong xã hội. Điều này đã thể hiện thống nhất, xuyên suốt và chi tiết qua từng yếu tố trong bộ hồ sơ.
ThS Đàm Phương Thảo, giáo viên môn Ngữ văn trường Olympia, cho biết ấn tượng của cô về Linh là ngay từ khi vào trường, em luôn trăn trở về vấn đề quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ.
“Linh luôn tập trung phân tích những định kiến giới, cách chúng định hình số phận, vị thế của người phụ nữ trong xã hội và hành trình phản kháng của họ. Cách tiếp cận của Linh cho thấy em không chỉ là một học sinh xuất sắc mà còn quan tâm sâu sắc tới các vấn đề xã hội, sẵn sàng hành động để tạo ra thay đổi”, cô Thảo nói.
Tháng 8 này Linh sẽ lên đường sang Mỹ. Ngoài tập trung về luật và chính sách công, nữ sinh dự định sẽ tìm hiểu thêm về ngành kinh doanh, kinh tế.
Thúy Nga
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nu-sinh-ha-noi-trung-tuyen-hang-loat-truong-dai-hoc-top-dau-cua-my-va-australia-2387161.html