Cảm hứng đến từ một lần tình cờ, khi Thư bắt gặp người đàn ông trẻ bán vé số giữa phố. Anh mù lòa, đôi mắt mờ đục, miệt mài mời chào người qua lại nhưng chỉ nhận về sự lặng thinh. Dù vậy, anh vẫn mỉm cười và nói: “Cảm ơn!”. Hình ảnh ấy cứ neo lại trong tâm trí Thư: “Mình cứ suy nghĩ mãi về con người, về những khó khăn trong cuộc sống… và cả chính mình”.
Chia đôi một chiếc bánh
Chia đôi mở đầu bằng hình ảnh một ông lão lang thang trong cơn đói, lặng lẽ băng qua những hàng quán mà không dám ngẩng đầu xin xỏ. Khi ông thấy một người đàn ông sang trọng vô tình đánh rơi chiếc bánh chưng, ông liền cố gắng trả lại nhưng chỉ nhận về sự xua đuổi lạnh lùng. Nhìn chiếc bánh nằm trong tay, cơn đói cồn cào khiến ông định giữ lại món ăn cho riêng mình.
Phạm Thị Minh Thư.
Nhưng khi một chú chó nhỏ đến gần, từ ánh mắt háo hức đợi chờ đến cái cúi đầu rời đi của chú cún đáng thương khiến ông dường như nhìn thấy chính mình. Ông quyết định xé chiếc bánh làm đôi: Một nửa dành cho bản thân, một nửa dành cho chú chó.
Một cảnh trong bộ phim hoạt hình Chia đôi.
Artbook trưng bày đồ án tốt nghiệp Chia đôi của Minh Thư.
“Lòng nhân ái là hạt mầm sơ khai. Khi còn nhỏ, chúng ta thường nhạy cảm và dễ yêu thương. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bị chèn ép bởi cuộc sống và đôi khi, phải ‘gồng mình’ để sống tiếp. Chia đôi nhắc nhở mình và mọi người chăm sóc lại hạt mầm ấy”, Thư tâm sự.
“Mỗi chi tiết đều có dụng ý”
Kịch bản Chia đôi được Thư ấp ủ từ năm ba nhưng lúc ấy cơ hội chưa chín muồi cho tác giả trẻ. Mãi đến năm cuối, khi làm đồ án tốt nghiệp, cô mới chính thức thực hiện tác phẩm này. “Mình không chần chừ gì cả. Mình biết đã đến lúc rồi”, Thư kể.
Trong suốt 5 tháng, cô gần như “vật lộn” với từng khung hình. Theo kỹ thuật truyền thống, mỗi giây của phim cần vẽ 8 - 12 khung hình. Với 4 phút phim, số lượng tranh vẽ là hàng nghìn khung. Thư chọn cách vẽ tay để truyền đạt những cảm xúc chân thực và phong cách mỹ thuật (art style) mình mong muốn.
Rơi vào trạng thái không muốn vẽ (art block), không thể nghĩ ra ý tưởng và hoài nghi bản thân là những khó khăn mà cô phải đối diện trong quá trình hoàn thiện bộ phim. Tuy nhiên, vào ba tháng cuối cùng, Minh Thư vực dậy: “Mình làm phim cho khán giả, cho những ai cô đơn, từng bị phớt lờ và từng ao ước một cái nắm tay như ông lão trong phim”. Đó là động lực để cô làm mới bản thân và tiếp tục đầu tư cho đứa con tinh thần của mình.
Tiếp đó, Minh Thư chia sẻ về ngôn ngữ hình ảnh – linh hồn của Chia đôi: “Mỗi chi tiết đều có dụng ý. Những đường nét, màu sắc vô tri, vô giác trở nên đầy cảm xúc khi được thổi hồn bởi ý đồ của tác giả”. Hình ảnh chiếc bánh chưng cũng là phép ẩn dụ cho ông lão. Bên ngoài nghèo khó nhưng trong tâm hồn ông là sự sáng trong, tử tế.
Một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến khán giả.
Với niềm tin rằng nghệ thuật là cách để gửi lại món quà yêu thương cho cuộc sống, Minh Thư khẳng định: “Mình đã cảm nhận được rất nhiều điều đẹp đẽ từ thế giới này, vì thế, mình muốn tạo ra những món quà để tặng lại cuộc sống”. Sau Chia đôi, Thư mong muốn thực hiện những thước phim về gia đình, đặc biệt là về bố. Bởi với cô, “nhà là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người”.
Minh Thư tại Lễ trao giải Liên hoan phim Sinh viên TP. HCM lần 6.
Với cô, hoạt động nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là cách để sống có ý nghĩa. “Nếu không được làm những tác phẩm này nữa, thì cuộc sống của mình sẽ rất tẻ nhạt”, Minh Thư chia sẻ.
Hải Yến - Dư Thư