Nữ sinh trải nghiệm và quét ứng dụng Instagram để xem các tác phẩm nghệ thuật tích hợp thực tế ảo tăng cường tại Triển lãm "UEH & Saigon Culture". Ảnh: UEH
Dưới tác động của sự phát triển công nghệ mạnh mẽ, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, nhiều nữ sinh vẫn gặp không ít rào cản và định kiến giới khi theo đuổi đam mê, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để khẳng định bản thân.
Hành trình chinh phục giải thưởng Euréka của cô sinh viên trẻ
Nguyễn Thị Mỹ Phường, sinh viên chuyên ngành Thương mại điện tử tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), chọn ngành học này vì nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ trong kinh doanh, đặc biệt trong kỷ nguyên số.
Cô chia sẻ: "Em nghĩ rằng việc trang bị kiến thức STEM sẽ giúp em có nhiều cơ hội phát triển và mở ra con đường sự nghiệp tốt hơn trong tương lai."
Mỹ Phường được tuyên dương trên Fanpage của UEH. Ảnh: Fanpage UEH
Tuy nhiên, hành trình của Phường không hề dễ dàng. Xuất phát từ một trường THPT với điều kiện hạn chế về công nghệ, cô gặp nhiều khó khăn do thiếu nền tảng tin học vững chắc.
“Dù đam mê công nghệ điện tử và các mô hình khoa học, em lại có rất ít cơ hội tiếp xúc với lĩnh vực này ở nơi mình lớn lên. Vì vậy, em phải tự mày mò, tìm hiểu từ những kiến thức cơ bản nhất về công nghệ và tin học. Đó là một quá trình đầy thử thách,” Phường chia sẻ.
Dẫu vậy, với ý chí kiên trì và nỗ lực không ngừng, cô đã chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án thực tiễn để củng cố và mở rộng vốn hiểu biết của mình.
Một trong những dự án đáng tự hào của Phường là ứng dụng Machine Learning để phân tích cảm xúc người dùng dựa trên các bình luận và biểu tượng cảm xúc trên các trang web, thương mại điện tử như Shopee, Google Map, Lazada.
Dự án này đã giúp cô đạt giải thưởng cao tại trường và tiến vào vòng bán kết Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka.
Nữ sinh bày tỏ niềm tự hào khi giành giải thưởng đầu tiên. Cô thậm chí "mất ngủ hai ngày hai đêm" vì quá hạnh phúc.
Đam mê và định hướng rõ ràng
Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý, khoa Kinh Tế tại Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), sớm nhận ra tiềm năng to lớn của ngành học này trong thực tế.
Cô chia sẻ: "Hiện nay, có rất nhiều người giỏi phát triển hệ thống, nhưng số lượng chuyên gia phân tích và điều hành lại không nhiều, đặc biệt là nữ giới. Vì vậy, nếu theo đuổi ngành này, em tin rằng cơ hội thăng tiến trong tương lai sẽ rất rộng mở và đầy triển vọng."
Dù sinh ra và lớn lên tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Trang quyết tâm "khăn gói" lên Hà Nội để hiện thực hóa lý tưởng và hoàn thiện ước mơ của mình.
Kiều Trang trong tiết học Quản lý dự án. Ảnh: NVCC
Dù từng gặp nhiều hạn chế về kiến thức công nghệ do môi trường học tập trước đây còn thiếu thốn, Trang luôn nỗ lực tự học và tìm kiếm tài liệu để bổ trợ kiến thức.
Cô chia sẻ thêm: “Hãy học hỏi từ những người đi trước, tìm đến các cộng đồng, câu lạc bộ hoặc diễn đàn dành cho nữ giới trong lĩnh vực STEM. Những người đi trước không chỉ truyền cảm hứng mà còn chia sẻ kinh nghiệm quý báu, giúp các bạn có thêm động lực để theo đuổi đam mê của mình.”
Cả Mỹ Phường và Kiều Trang đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự tin và kiên trì khi theo đuổi ngành STEM.
Phường tin rằng các nữ sinh nên tự tin hơn, bởi theo cô, "dù là nam hay nữ, tất cả đều có cơ hội và khả năng như nhau". Trang cũng đồng tình: “STEM không phải là câu chuyện về giới tính – mà là về tư duy, sự kiên trì và đam mê học hỏi.”
Trong tương lai, Phường mong muốn áp dụng kiến thức đã tích lũy để tạo ra hệ thống công nghệ, giúp tinh giản các thao tác thủ công trong doanh nghiệp Việt Nam. Cô hy vọng sẽ đóng góp vào việc phát triển các hệ thống quản lý hiệu quả hơn.
Kiều Trang chia sẻ: “Mình đến từ hòn đảo Phú Quốc, một nơi cách xa trường đại học cũng như thủ đô Hà Nội. Trong tương lai, mình mong muốn mở một trung tâm tin học tại quê hương, nhằm lan tỏa kiến thức và niềm đam mê công nghệ thông tin đến nhiều người hơn. Phú Quốc vẫn còn thiếu sự phát triển trong lĩnh vực này, và mình hy vọng có thể góp phần thay đổi điều đó.”
Cô cũng mong muốn khuyến khích nhiều bạn nữ ở quê nhà mạnh dạn theo đuổi khoa học và công nghệ, góp phần xóa bỏ định kiến giới trong các ngành STEM.
Học sinh THPT trải nghiệm STEM tại Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: VGU
Nhằm giúp học sinh THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ hơn về lợi ích của giáo dục STEM, đồng thời khuyến khích niềm đam mê học tập trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Đồng Tháp và Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta”.
Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 6/4/2025 tại Trường ĐH Đồng Tháp, quy tụ khoảng 4.000 học sinh và giáo viên đến từ 40 trường THPT thuộc 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Với gần 40 gian hàng trưng bày từ các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp, ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh khám phá và trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của STEM trong đời sống.
Đây không chỉ là sân chơi khoa học sáng tạo mà còn là cơ hội để các em tiếp cận những kiến thức mới, khơi gợi niềm say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Hương Phú