Với sự nỗ lực và tâm huyết với nghề, thẩm phán Trần Thị Thu Hạnh, sinh năm 1984, được ví như “bông hồng thép” của Tòa án nhân dân huyện Tam Dương. Gần 20 năm gắn bó, đóng góp cho ngành, chị đã khẳng định phụ nữ không những là bông hoa rực rỡ, mềm mại, mà còn bản lĩnh và trí tuệ.
Thẩm phán Trần Thị Thu Hạnh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vụ việc với đồng nghiệp.
Tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Đà Lạt, năm 2007, chị Trần Thị Thu Hạnh được tuyển dụng vào ngành Tòa án và làm thư ký Tòa án nhân dân tỉnh. Đến năm 2019, chị chuyển công tác về Tòa án nhân dân huyện Tam Dương.
Thực hiện nhiệm vụ của thư ký tòa án, khi tiếp nhận đơn, chị Hạnh luôn đọc kỹ nội dung, yêu cầu khởi kiện và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đương sự; nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ việc để kịp thời tham mưu thẩm phán xét xử, giải quyết vụ việc hiệu quả.
Trong thời gian làm thư ký, chị tham gia cùng thẩm phán hòa giải thành công nhiều vụ việc, xét xử nhiều vụ án phức tạp, được nhân dân và dư luận ủng hộ. Sau nhiều nỗ lực, không ngừng tự học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và thành tích nổi bật trong công tác, năm 2020, chị Hạnh được bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp.
Từ khi được bổ nhiệm đến nay, chị Hạnh đã tiếp nhận số vụ việc, giải quyết các vụ án nhiều nhất đơn vị. Trong 2 năm (2023-2024), chị đã giải quyết, xét xử 290/311 vụ được giao, đạt tỷ lệ hơn 93%. Mặc dù phải đương đầu với nhiều vụ án khó, phức tạp, song, với bản lĩnh, trí tuệ, chị Hạnh luôn làm tốt vai trò của người “cầm cân, nảy mực”, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.
Các vụ án mà chị giải quyết đều đảm bảo chất lượng, đúng người, đúng tội, thấu tình, đạt lý, không có án oan sai, án hủy, không có đơn thư khiếu nại của công dân về tư cách đạo đức, năng lực, phẩm chất hay thái độ của thẩm phán khi tiếp công dân.
Không chỉ là một thẩm phán bản lĩnh, gương mẫu, chị Hạnh còn là tác giả của nhiều đề tài, sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Tiêu biểu là sáng kiến “Nâng cao công tác hòa giải các vụ án hôn nhân - gia đình tại tòa án”.
Thẩm phán Trần Thị Thu Hạnh cho biết: “Hiện nay, án hôn nhân và gia đình chiếm số lượng lớn trong các vụ việc dân sự mà Tòa án phải giải quyết. Để giải quyết án hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao, không chỉ nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử mà khâu quan trọng nhất là công tác hòa giải.
Đương sự trong các vụ án hôn nhân và gia đình có sự khác biệt hơn so với các loại án khác, đó là giữa họ có mối quan hệ về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng... Do vậy, trước khi tiến hành hòa giải, thẩm phán cần xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn giữa vợ chồng; thái độ, tâm lý của đương sự, trên cơ sở đó thuyết phục đương sự hòa giải.
Mục đích của hòa giải trong các vụ án ly hôn là để các đương sự tự nguyện đoàn tụ rút đơn hoặc tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trên tinh thần đoàn kết, thông cảm, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Vì vậy, mọi sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đều phải được thẩm phán tôn trọng, bảo vệ thì mục đích của hòa giải mới đạt được. Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán chủ trì buổi hòa giải phải tôn trọng ý kiến thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không áp đặt quan điểm, phản bác ý kiến tự nguyện thỏa thuận của các đương sự mà chỉ gợi mở hướng giải quyết tối ưu nhất cho đương sự để họ tự quyết định. Những nội dung thỏa thuận không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội.
Trong quá trình hòa giải, thẩm phán có thể phối hợp với những người có uy tín trong gia đình, dòng họ của các đương sự, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự có thời gian suy nghĩ và đi đến quyết định cuối cùng. Quy trình hòa giải cần phải đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là phụ nữ và trẻ em”.
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tam Dương Nguyễn Thị Thu cho biết: "Thẩm phán Trần Thị Thu Hạnh luôn giải quyết các vụ việc được phân công theo đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết án cao, hòa giải thành nhiều vụ việc, đảm bảo dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết vụ việc.
Ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, bản thân thẩm phán Hạnh luôn hoàn thành tốt công việc khác được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Luôn tích cực tham gia các phong trào do cơ quan và công đoàn phát động".
Hơn 40 năm tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề, bằng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với công việc, thẩm phán Trần Thị Thu Hạnh đã có những phán quyết nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần giữ trọn niềm tin công lý trong nhân dân.
Với những nỗ lực của mình, chị Hạnh nhiều lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khen thưởng. Năm 2024, chị vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng Bằng khen. Đây là những phần thưởng quý giá giúp chị thêm gắn bó, cống hiến với nghề, trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ noi theo.
Bài, ảnh: Thu Nhàn