7 giờ 55 phút sáng, dưới thời tiết 16 độ của Hà Nội, khi nhiều người vẫn phân vân nên thức dậy hay tiếp tục nằm trong chăn ấm tận hưởng ngày cuối tuần, thì trên Hồ Gươm, một dáng người quen thuộc đã có mặt. Cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Phương lặng lẽ chuẩn bị bắt đầu công việc nhặt rác.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, 67 tuổi, sống ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội là tiến sĩ chuyên ngành Khí tượng thủy văn từng công tác tại Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. Dù đã về hưu, nhưng bà vẫn làm chuyên gia cố vấn về khí tượng thủy văn. Hiện, bà Phương là trưởng nhóm tình nguyện “Làm sạch đẹp Hồ Gươm cùng Ninomiya”.
7 giờ 55 phút sáng Chủ nhật, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương cùng một số thành viên chuẩn bị dụng cụ nhặt rác. (Ảnh: Hồng Mai)
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng
8h sáng chủ nhật hàng tuần, những chiếc túi giấy, kẹp sắt, găng tay vải sợi được xếp ngay ngắn tại đối diện Hàm Cá Mập (phường Đinh Tiên Hoàng, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tất cả dụng cụ này là “đồ nghề” được Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương và những người đồng phụ trách nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm cùng Ninomiya” chuẩn bị để các tình nguyện viên bắt tay vào công việc nhặt rác quanh Hồ Gươm. Hoạt động này diễn ra đều đặn từ năm 2012 đến nay đã hơn 12 năm.
Chia sẻ về cơ duyên bắt đầu thực hiện hoạt động này, bà Phương cho hay: “Tháng 9/2012, tôi tình cờ đọc một bài báo kể về bác Tohru Ninomiya người Nhật Bản sống và làm việc tại Hà Nội. Bác Ninomiya muốn cảm ơn Việt Nam vì đất nước chúng ta đã cho bác ấy cơ hội được làm việc và có thu nhập ổn định.
Nhìn thấy cảnh rác thải tràn lan quanh Hồ Gươm, bác đã không ngần ngại tự mình đi nhặt rác. Một thời gian sau, bác còn kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nhân người Nhật, các bạn trẻ Việt Nam làm việc trong các công ty liên doanh với Nhật, và bất kỳ ai có mong muốn bảo vệ môi trường tham gia cùng.
Điều đáng suy ngẫm là dù không phải công dân Việt Nam, bác Ninomiya vẫn nghĩ đến việc "trả ơn" nơi đã tạo cơ hội làm việc cho mình bằng cách đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Vậy, tại sao chúng ta - những người đang sống trên mảnh đất quê hương, được quê hương nuôi nấng lại không thể làm cho đất nước mình sạch đẹp hơn? Vì vậy, tôi quyết định đồng hành cùng bác Ninomiya bảo vệ môi trường từ tháng 10/2012”, bà Phương kể lại.
Tình nguyện viên tham gia nhặt rác ở các lứa tuổi, quốc tịch khác nhau. (Ảnh: Hồng Mai)
Đầu năm nay, ông Ninomiya đã trở về Nhật Bản do tuổi cao sức yếu, bà Phương vẫn tiếp tục duy trì hoạt động nhặt rác quanh bờ hồ của nhóm tình nguyện “Làm sạch đẹp Hồ Gươm cùng Ninomiya”.
Nữ tiến sĩ tâm sự: “Năm 2012, khi nhóm mới bắt đầu đi nhặt rác ở Hồ Gươm, một số người Nhật Bản đã hỏi tôi: ‘Nếu bác Ninomiya trở về Nhật thì ai sẽ tiếp tục nhặt rác ở đây?’. Câu hỏi ấy khiến tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và chạnh lòng. Là người Việt Nam, tôi nhận ra trách nhiệm bảo vệ môi trường phải xuất phát từ chính chúng ta, chứ không thể phó mặc cho ai khác. Tôi đã trả lời rằng ‘chúng tôi sẽ đi nhặt rác, sẽ làm sạch đất nước của mình’. Và tôi phải thực hiện được lời nói đó bằng mọi giá.
Hiện tại, bác Ninomiya đã về Nhật, tôi là trưởng nhóm, khi tôi không còn đủ sức khỏe để làm nữa sẽ có người tiếp nối “ngọn lửa” trách nhiệm này. Bởi bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là sự chung tay của cả cộng đồng”.
Thành viên nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm cùng Ninomiya” đi bộ quanh bờ hồ, cẩn thận nhặt rác thải còn sót lại ở các bụi cây, ven đường, dưới những chiếc ghế đá. Các thành viên của nhóm có người Việt Nam, có người Nhật Bản, có thành viên mới 6,7 tuổi, có thành viên hơn 60 tuổi… Họ khác nhau về quốc tịch, tuổi tác, nghề nghiệp,... nhưng điểm chung gắn kết các thành viên là tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường.
Chỉ 30 phút sau khi nhặt rác, những chiếc túi giấy đã đầy ắp rác thải nhựa: túi nilon, hộp nhựa, ống hút nhựa, giấy, pin,.... Tất cả các loại rác thải được bà Phương hướng dẫn mọi người phân loại cẩn thận: từ những rác thải có thể tái chế như chai nhựa, lon nước, đến rác thải khó phân hủy hay độc hại như pin và các vật sắc nhọn,....
Chỉ sau chưa đầy 30 phút, rác thải nhựa được nhặt đầy một túi giấy. (Ảnh: Hồng Mai)
Sau đó, bà Phương mang rác thải tái chế đến các cơ sở tái chế rác, nhưng do các địa điểm chỉ thu gom theo ngày nên nhiều khi nữ tiến sĩ phải đưa rác về nhà trước. Một phần rác thải nhựa được bà chuyển cho các nhóm bạn trẻ tái chế thành những sản phẩm hữu ích như hoa trang trí, túi xách hay chậu cây.
“Điều tôi mong mỏi không chỉ là mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh, nhặt rác, vứt rác đúng chỗ, mà còn mong muốn mọi người quan tâm đến phân loại rác. Những loại rác tái chế như hộp sữa, chai, lọ nhựa hoàn toàn có thể được tái sử dụng, nhưng thực tế lại không được thu gom hiệu quả. Những chai nhựa, chúng tôi gom lại chuyển đến các điểm thu mua tái chế. Ngoài ra, có nhiều vỏ nhựa giá trị thấp ít nơi thu gom, tôi phải tìm những nơi hiếm hoi tái chế loại nhựa này để chuyển đến”, nữ tiến sĩ chia sẻ thêm.
Một hành động nhỏ nhưng nếu kiên trì sẽ tạo ra thay đổi lớn
Có nhiều người thắc mắc nếu chỉ đi tập trung ở một địa điểm cố định là đối diện Hàm Cá Mập và nhặt rác trong 30 phút sẽ chỉ làm sạch được một nửa bờ hồ, nửa còn lại đội tình nguyện sẽ không đủ thời gian nhặt rác. Tuy nhiên, theo bà Phương, việc tập trung tại một địa điểm cố định giúp duy trì sự ổn định cho nhóm và thu hút thêm người tham gia. Khi mọi người biết rõ nơi tập trung sẽ dễ dàng tìm đến và gắn bó hơn với hoạt động này.
Bên cạnh đó, 30 phút là thời gian vừa đủ và hợp lý để duy trì hoạt động lâu dài. Nếu hoạt động kéo dài hơn, các thành viên sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhất là vào những ngày hè oi ả. Thời gian đó là vừa đủ để hoàn thành công việc và không ảnh hưởng đến vấn đề cá nhân của các thành viên trong nhóm. Nhặt rác 30 phút quanh Hồ Gươm không phải là việc khó thực hiện, thế nhưng, duy trì hoạt động này đều đặn hàng tuần, kéo dài suốt 12 năm và hơn thế nữa thì không phải ai cũng có thể làm được.
"Để duy trì hoạt động nhặt rác lâu dài và đều đặn, tôi cũng như các thành viên trong nhóm tình nguyện phải có quyết tâm và ý chí. Tôi ý thức được trách nhiệm của mình với môi trường và bảo vệ nơi mình sống. Yêu nước, yêu môi trường không phải là lời nói suông, mà là hành động cụ thể. Chúng ta có thể thể hiện tình yêu nước qua những hành động nhỏ như bảo vệ cây cối, yêu thương gia đình, bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đẹp đẽ của đất nước thì chúng ta sẽ sống ở đâu?
Mặt khác, chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều này cần hành động cụ thể, không phải khẩu hiệu. Có nhiều phụ huynh đưa con đến tham gia nhặt rác, sau mỗi buổi như vậy, các em sẽ học được giá trị của lao động và hiểu rằng cần phải trân trọng, bảo vệ môi trường để có một tương lai tốt đẹp hơn”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Sau khi nhặt rác, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương cùng các tình nguyện viên phân loại rác thải. (Ảnh: Hồng Mai)
Trong hành trình làm tình nguyện viên nhặt rác quanh Hồ Gươm, có rất nhiều kỉ niệm khiến bà Phương không khỏi xúc động. Bà Phương kể: “Tôi nhớ có một ngày mưa rất to, đường còn chẳng có mấy xe đi lại, tôi đến nhặt rác và nghĩ chắc hôm nay mọi người sẽ vắng mặt nhiều. Nhưng rồi, khi tôi đến nơi, tôi thấy hầu hết mọi người của nhóm tình nguyện có mặt đầy đủ để bắt đầu công việc. Chúng tôi mặc áo mưa, tay cầm bao rác, miệt mài làm công việc quen thuộc trong cơn mưa xối xả. Chúng tôi không nói với nhau nhiều, chỉ nhìn nhau cười rồi lại tiếp tục công việc.
Những ngày mưa bão, không phải ai cũng có thể ra ngoài, nhưng chúng tôi vẫn đến, vì chúng tôi hiểu rằng công việc này không chỉ là nhặt rác, mà còn là tình yêu với môi trường, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tại, ý thức được sự nguy hiểm khi các thành viên di chuyển khi trời mưa, chúng tôi sẽ tạm dừng hoạt động vào ngày thời tiết rất xấu.
Có những ngày nắng cao điểm mùa hè, 8 giờ sáng tôi ra đến Hồ Gươm, nhiệt độ đã lên đến 37-38 độ C, nhặt rác xong mồ hôi ướt đẫm áo. Song, nhìn các bụi cây, đường đi sạch sẽ, tôi cũng như cả nhóm lại thấy vui, quên hết mệt mỏi và thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng”.
Các thành viên nhóm “Làm sạch đẹp Hồ Gươm cùng Ninomiya” chụp ảnh kỉ niệm sau mỗi buổi nhặt rác. (Ảnh: Hồng Mai)
Đau đáu nỗi lo cho môi trường
Sau mỗi buổi nhặt rác, bà Phương chụp lại những bức ảnh như một cách ghi lại sự đổi thay của thời gian. Bà vui vẻ khoe những tấm ảnh được chụp trong điện thoại, có những gương mặt già đi, trẻ con lớn lên, bốn mùa xoay vần năm này qua năm khác. Có người gắn bó với nhóm từ khi chưa lập gia đình đến nay đã lấy chồng, có con; lại có những em nhỏ theo cha nhặt rác từ khi mới 5,6 tuổi giờ đã học trung học cơ sở, dù bận rộn học hành, các em vẫn kiên trì với việc làm ý nghĩa này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương cũng cho biết gia đình và bạn bè rất ủng hộ công việc nhặt rác của bà. Cả con gái và bạn bè của bà cũng tham gia hoạt động này khi có thời gian. Cũng có lúc nữ tiến sĩ cảm thấy mệt mỏi hay bận việc cá nhân, nhưng bà luôn coi đây là việc quan trọng và ưu tiên dành thời gian tham gia. Bà Phương tin rằng dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng nếu kiên trì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.
Hiện nay, nhiều vấn đề về môi trường khiến nữ tiến sĩ ngành khí tượng thủy văn không khỏi lo lắng. “Những túi nilon, chai nhựa được sử dụng tràn lan trong cuộc sống hàng ngày, không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ trôi ra sông, ra biển. Có hàng tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương và 90% trong số đó là những hạt vi nhựa, thậm chí có cả nano nhựa. Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tới sinh vật biển và sức khỏe con người", nữ tiến sĩ trăn trở.
Dù mỗi tuần đều được dọn dẹp nhưng rác thải vẫn xuất hiện ở nhiều nơi quanh khu vực Hồ Gươm. (Ảnh: Hồng Mai)
Bên cạnh đó, theo bà Phương, công tác quản lý, giữ gìn vệ sinh môi trường tại Hồ Gươm chưa thực sự hiệu quả: “Cây cỏ trồng ven hồ thường xuyên bị giẫm nát, một số trẻ em và người lớn đều chưa có ý thức giữ gìn cảnh quan chung. Trong khi đó, các chương trình sự kiện lớn thường xuyên tổ chức tại Hồ Gươm, sau mỗi sự kiện, lượng rác thải tăng đáng kể. Đáng chú ý nhiều người dân vẫn chưa biết cách phân loại rác thải”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương nhấn mạnh rằng, bảo vệ môi trường không chỉ là câu chuyện của hôm nay mà còn là trách nhiệm cho thế hệ mai sau. Những giải pháp như trồng cây gây rừng để ngăn xói mòn, lũ quét là minh chứng rõ ràng cho việc thiên nhiên chỉ trả lại những gì con người đã vun đắp. Từng hành động nhỏ, như nhặt một mảnh rác, hạn chế sử dụng nhựa hay chung tay trồng thêm một cây xanh, nếu được nhân lên từ mỗi cá nhân, sẽ tạo thành sức mạnh to lớn, mang lại một môi trường sống xanh hơn, sạch hơn và an toàn hơn.
Trong buổi sáng mùa đông lạnh buốt, giữa dòng người tấp nập vội vã nơi thủ đô sầm uất, bà Phương lặng lẽ dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, chở đầy những bao rác thải nhựa, chậm rãi đi về nhà. Không ồn ào, không phô trương, sự bền bỉ và tình yêu với môi trường đã trở thành ngọn lửa âm thầm sưởi ấm mùa đông lạnh giá.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được bài viết từ các em học sinh, sinh viên, thầy cô, quý độc giả về gương nhân vật sống đẹp - sống xanh, đồng thời chia sẻ góc nhìn về tiêu dùng, sử dụng sản phẩm xanh và sáng kiến góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Bài viết vui lòng gửi về mail toasoan@giaoduc.net.vn.
Hồng Mai