Trung tá Trần Thị Hồng Lai (thứ 2 từ trái sang) có gần 20 năm đấu tranh với tội phạm ma túy ở địa bàn tỉnh Điện Biên
Vượt qua mọi khó khăn và định kiến giới
Trung tá Trần Thị Hồng Lai có dáng người mảnh mai, nụ cười hiền và chất giọng ấm áp, thân thiện dễ gần. Ở chị toát lên đôi mắt sáng và sự kiên định, tự tin khi kể về nhiệm vụ của nữ điều tra viên hay trinh sát viên với gần 20 năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (trong đó, từ năm 2005 đến năm 2009, chị công tác ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an huyện Điện Biên (cũ) và từ năm 2009 đến nay, chị công tác ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên).
Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Đội đều dành thời gian chăm sóc các em nhỏ trên địa bàn công tác
Chị cho biết: "Lúc còn công tác ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an huyện Điện Biên (cũ), cả Đội chỉ có mình chị là nữ. Khi chuyển công tác lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên thì cả đơn vị đã có đông nữ hơn. Chị tâm sự: "Là cán bộ trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tại tỉnh Điện Biên - "điểm nóng" của cả nước - tôi hiểu rõ mỗi chuyên án là một cuộc đấu trí căng thẳng, nơi rủi ro luôn cận kề, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng.
Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, những nữ cán bộ trong lượng lực Công an nói chung, trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng phải vượt qua những khó khăn và hạn chế về giới tính, nắm chắc nghiệp vụ. Đồng thời phải gan dạ, dũng cảm đối mặt với hiểm nguy nhưng cũng cần phải khéo léo, bền bỉ, biết cách ứng xử mềm dẻo trong nhiều tình huống nhạy cảm. Ngoài ra, chúng tôi còn phải chủ động cập nhật kiến thức pháp luật, ứng dụng công nghệ số trong công tác đấu tranh chuyên án, điều tra làm rõ các vụ án trong thời gian ngắn nhất có thể".
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tại địa bàn Điện Biên không chỉ đấu tranh với các đối tượng phạm tội cực kỳ manh động, nguy hiểm, có vũ khí nóng, mà chính đặc điểm địa bàn miền núi với đường biên giới kéo dài cũng là một trong những khó khăn mà mỗi cán bộ, chiến sỹ phải đối mặt mỗi lần triển khai nhiệm vụ. Chị chia sẻ: "Mỗi dịp chúng tôi đi địa bàn có khi là vài ba ngày, có khi cả tuần hoặc kéo dài hàng tháng. Bởi nơi các đối tượng ma túy hoạt động hầu như ở nơi rừng rậm, suối sâu, nên để đến được địa điểm "nóng" cũng là một trải nghiệm khó tả".
"Những lần chúng tôi bị ngã xe, lấm lem bùn đất, trầy xước tay chân, hay chuyện gặp rắn, bị muỗi, vắt cắn khi đi mật phục là chuyện như cơm bữa. Có lúc, Đội phải ngủ nhờ nhà bà con dân bản, thiếu giường, thiếu đệm, chiến sĩ nam - nữ trong Đội phải chia nhau nằm giở đầu đuôi cố ngủ lấy sức. Hay chuyện đi đánh án lúc mưa rừng xối xả, ướt nhẹp, lúc trời mùa đông rét buốt cắt da giữa rừng sâu, chúng tôi đều phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ" - trung tá Hồng Lai cười vui kể.
Từ tháng 12/2023 đến nay, trung tá Trần Thị Hồng Lai trực tiếp thụ lý 28 vụ án, 51 bị can có hành vi phạm tội về ma túy
Đó là những lần chị trực tiếp đi điều tra, phát hiện những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy, những đối tượng liên quan trong đường dây ma túy đang lẩn trốn ngoài xã hội, rồi tham mưu, báo cáo lãnh đạo triển khai công tác đấu tranh bắt giữ. Chị cho biết: "Mỗi khi tôi vắng nhà vài ngày, gia đình đều lo lắng, dặn tôi nhớ cẩn thận, an toàn. Nhưng với chúng tôi, khi đã vào nhiệm vụ thì không ai mảy may nao núng hay lo lắng điều gì. Chúng tôi có đồng đội ở bên, thậm chí, cả đội đều rất vững tâm mỗi khi nhận nhiệm vụ hay bắt đầu chuyên án mới mà cấp trên giao".
Tham gia nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp
Thường xuyên đấu tranh với các chuyên án ma túy cùng tập thể đơn vị, chỉ tính từ tháng 12/2023 đến nay, trung tá Trần Thị Hồng Lai trực tiếp thụ lý 28 vụ án, 51 bị can có hành vi phạm tội về ma túy. Đó đều là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số sống ở địa bàn vùng cao, vùng xa nên công tác triệu tập, củng cố lấy lời khai, thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Những vụ án nổi bật có sự góp công của trung tá Trần Thị Hồng Lai là: Tháng 02/2024, tại thôn Thanh Chung, xã Thanh Chăn, tỉnh Điện Biên, Phòng PC04 chủ trì, phối hợp với với các lực lượng phá thành công chuyên án 224T, bắt quả tang 1 đối tượng về hành vi "vận chuyển trái phép chất ma túy"; thu giữ 4 bánh heroine (có khối lượng 1.235,31 gam) và nhiều vật chứng liên quan.
Ngay sau đó, chị được phân công trực tiếp cùng các điều tra viên, triển khai đồng loạt hoạt động điều tra và đấu tranh mở rộng điều tra. Kết quả đã bắt giữ thêm 5 đối tượng có các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 15,81 gam heroine và 01 viên hồng phiến (0,07 gam).
Vụ khác vào tháng 8/2024, tại khu vực bản Ten Lúa, xã Núa Ngam, tỉnh Điện Biên, Phòng PC04 chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt quả tang 1 đối tượng về hành vi "vận chuyển trái phép chất ma túy"; thu giữ 10 bánh ma túy, 60.000 viên hồng phiến, 03 điện thoại di động, 03 xe mô tô, cùng nhiều vật chứng liên quan.
Ngay sau đó, chị được phân công cùng các điều tra viên triển khai đồng loạt hoạt động điều tra và đấu tranh khai thác mở rộng điều tra. Kết quả cùng ngày, đã bắt giữ thêm 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Chị cùng đồng đội còn dành nhiều sự quan tâm đến các em nhỏ ở địa bàn công tác
Hay vụ phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Lào vào tỉnh Điện Biên, đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Vào tháng 9/2024, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên được Bộ Công an phối hợp, xác lập đấu tranh chuyên án chung bí số 924Đ. Sau hơn 1 tháng tích cực xác minh, ngày 23/10/2024, tại khu vực rừng Púng Min, thuộc bản Hạ, xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên, Phòng PC04 chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào), các cục, phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phá thành côngchuyên án 924Đ, bắt quả tang 01 đối tượng về hành vi "mua bán trái phép chất ma túy". Vật chứng thu giữ gồm: 8 bánh ma túy tổng hợp (48.148 viên), 07 bánh heroine, cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Tiếp tục giai đoạn 2 của Chuyên án, chị cùng các điều tra viên sáng tạo phương pháp, chiến thuật điều tra để làm sáng tỏ nội dung, mở rộng chuyên án. Kết quả, đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 8 đối tượng thường trú tại địa bàn các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Đặc biệt, có một đối tượng là chủ mưu cầm đầu và 1 đối tượng là đầu mối tiêu thụ, bán ma túy sang Trung Quốc. Đồng thời, điều tra làm rõ được các đối tượng trên đã nhiều lần mua bán với số lượng ma túy lớn.
Nụ cười hạnh phúc của nghề kèm theo nước mắt
Mỗi lần cùng đồng đội đấu tranh thành công các chuyên án lớn, nhỏ, đều đem lại những niềm vui lớn lao cho toàn Đội và Công an tỉnh Điện Biên. Trong năm 2024, chị vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng "Huân chương Chiến công hạng Ba", và được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen.
Được cấp trên và đồng đội nể phục bởi bản lĩnh của nữ cảnh sát đầy quả cảm, có phần sắt đá với gần 20 năm đối mặt với tội phạm ma túy, vậy mà khi nhắc đến gia đình, giọng chị nghẹn lại: "Cả 2 con tôi đều phải tự lập rất sớm. Hồi sinh con trai đầu lòng, con rất bám mẹ, mỗi lần mẹ đi công tác qua ngày hoặc vài ngày mới về, con đều quấy khóc ngần ấy đêm vì nhớ hơi mẹ. Khi con học lớp 1, tôi cho con học trường gần đơn vị để mẹ tiện đưa đón con, nhưng nhiều hôm có nhiệm vụ đột xuất, con chờ lâu không thấy mẹ đã tự đi bộ 4 km từ trường về nhà. Sau đó, con tự đạp xe đi học, dù đường sá đi lại khá nguy hiểm… Mỗi khi nghĩ đến những năm tháng các con tự lớn lên, tự bảo nhau chăm ngoan, học giỏi để mẹ yên tâm đi làm, tôi lại ứa nước mắt".
Các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên tặng quà và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về phòng chống ma túy
Trong suốt cuộc nói chuyện với phóng viên, chỉ khi nhắc đến gia đình, đôi mắt sáng, kiên định của nữ cảnh sát can trường bất chợt vương ánh nước: "Hạnh phúc của nghề là được cấp trên ghi nhận, được đồng đội động viên, thấy mình góp được công sức nhỏ vào cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, nhưng có lúc tôi vẫn tự hỏi, mình đã là người mẹ tốt chưa? Có phải tôi ích kỷ với chồng con, vì đam mê nghề nên không có nhiều thời gian ở bên gia đình, để nhiều năm qua chỉ có 3 mẹ con tôi sống với nhau?".
Giọng chị chợt trầm xuống: "Tôi cũng có lúc chợt nghĩ, nếu một ngày nào đó tôi không thể trở về thì 2 con tôi sẽ sống tiếp ra sao?. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, phía sau tôi là 2 con nhỏ, nhưng phía sau dòng chảy của "cái chết trắng" kia là hàng nghìn đứa trẻ, hàng trăm gia đình khác sẽ bị hủy hoại nếu tôi lùi một bước. Thậm chí, sẽ có thêm nhiều gia đình tan vỡ, thêm những đứa trẻ lạc lối, hay bản làng chìm trong tăm tối của ma túy. Vì vậy, tôi lại động viên mình, tiếp tục nghề mà tôi đã và đang góp một phần nhỏ bé bảo vệ sự sống cho người dân. Điều đó giúp tôi mạnh mẽ, kiên cường, vững vàng hơn với nghề đã chọn".
Khoảnh khắc trầm lắng của nghề đan xen với cuộc sống của nữ trung tá Công an dường như chỉ thoáng qua, nụ cười hạnh phúc bỗng ào về khi chị chia sẻ về 2 con nhỏ - điểm tựa tinh thần mỗi ngày của chị. "Con trai lớn của tôi năm nay học THPT, con gái nhỏ học THCS. Các con rất thương mẹ. Mẹ đi làm về đã có cơm canh do 2 con nấu, còn hâm nóng thức ăn khi mẹ đi làm về muộn. Dù mẹ bận công việc, nhưng 2 anh em bảo nhau học giỏi, năm học vừa qua cháu lớn đã đoạt giải Nhì quốc gia môn Tin học" - nụ cười hạnh phúc, tự hào của người mẹ cảnh sát bỗng ấm áp lan tỏa trên gương mặt chị, xóa nhòa mọi khoảng trống nhỏ trong cuộc sống mà nữ trung tá Công an gần 20 năm làm nhiệm vụ phòng chống ma túy đã từng ngày vượt qua.
Hải Linh