Thông tin được UBND TP HCM công bố tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng, ngày 4/7. Tốc độ tăng trưởng 7,82% của TP.HCM cũ nửa đầu năm cao hơn kết quả cùng kỳ năm ngoái (ở mức 6,46%) và cao nhất kể từ Covid-19.
Khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 8,58%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 24,9 tỷ USD.
Động lực quan trọng khác thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng khá nửa đầu năm là giải ngân đầu tư công hơn 31.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,1% tổng kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ, đồng thời vượt 10% so với kế hoạch đã đề ra. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng cải thiện mạnh, đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng hơn 123%.
TP Hà Nội cam kết phấn đấu cùng Chính phủ đạt mức tăng trưởng 8% như kế hoạch đề ra.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục mở rộng, tăng 6,7%. Riêng ngành sản xuất bắt đầu tăng tốc từ tháng 3, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ đầu năm. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghệ (IIP) tăng 8,6%, cao hơn mức cùng kỳ (5,6%).
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhẹ trong khi thành lập mới giảm 25,1% về lượng và 51,4% vốn đăng ký. Điểm sáng là những đơn vị còn bám trụ kinh doanh đẩy mạnh bổ sung vốn, tăng đến 81,9% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, tổng vốn đăng ký và bổ sung 6 tháng đầu của doanh nghiệp hơn 410.400 tỷ đồng, tăng 5,2%.
Còn nếu tính GRDP của TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Trong đó, tăng trưởng tỉnh Bình Dương cũ đạt 8,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là 2,61% (nếu tính dầu thô thì tăng trưởng âm 2,24%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM mới tăng 16,2%, thu hút FDI đạt hơn 5,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.
Phân tích chỉ tiêu tăng trưởng của TP.HCM mới, lãnh đạo Chi cục Thống kê cho hay nếu theo chỉ tiêu Chính phủ giao các địa phương trước sáp nhập, TP.HCM (cũ) tăng 8,5%, Bình Dương tăng 10% và Bà Rịa - Vũng Tàu (không tính dầu thô) tăng 10%. Bình quân ba địa phương gộp lại là 8,92%. Trong khi đó, 6 tháng đầu, con số này của TP HCM sau sáp nhập chỉ đạt 7,49%.
Do đó, để đạt con số Thủ tướng giao, 6 tháng cuối năm phải tăng 10,25%. Còn nếu tính theo nghị quyết HĐND cũ của ba tỉnh, mục tiêu cả năm là 10,04%, thì nửa cuối năm phải tăng 12,41%. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đánh giá tình hình nửa đầu năm nhìn chung đạt khá, nhưng 6 tháng cuối dự báo thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng. Ông đề nghị các cơ quan đánh giá ảnh hưởng của chính sách này đến tăng trưởng địa phương, liệu có đảm bảo mục tiêu 8-8,5%.
Đồng thời, thành phố tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và FDI, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Còn theo báo cáo của Chi cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, GRDP của thành phố ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kịch bản xây dựng đầu năm (kịch bản 7,59%) và cao nhất trong ba năm gần đây GRDP 6 tháng đầu năm 2024 và 2023 tăng tương ứng 6% và 5,97%.
Trong nửa đầu năm nay, khu vực dịch vụ đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Hà Nội với tăng trưởng đạt 8,42%, đóng góp 5,76 điểm % vào mức tăng GRDP chung; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%, đóng góp 1,29 điểm %; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,21%, đóng góp 0,07 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,84%, đóng góp 0,51 điểm %.
Về cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,42%; khu vực dịch vụ chiếm 68,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%. Nửa đầu năm 2024, GRDP tương ứng là 2,18%; 20,3%; 66,91% và 10,61%.
Theo đánh giá của Chi cục Thống kê Hà Nội, những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình biến động chính trị trên thế giới, đặc biệt trong quý II việc điều chỉnh chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ra khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính riêng quý II/2025, chỉ số IIP của Hà Nội ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP Hà Nội tăng 5,9%.Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6%; khai khoáng giảm 5,8%.
Trong 6 tháng, toàn thành phố thu hút khoảng 3,68 tỷ USD vốn FDI, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 192 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 237,5 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn với khoảng 3,14 tỷ USD; 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 296,5 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 15.600 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 158.600 tỷ đồng, giảm 0,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 10,9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,5%.
Ở chiều ngược lại, toàn thành phố có 19.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 17,5%; 2.900 doanh nghiệp giải thể, tăng 33,7%.
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 ngày 3/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố cam kết phấn đấu cùng Chính phủ đạt mức tăng trưởng 8% như kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhìn nhận, vấn đề đất dịch vụ ở Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu xoay quanh việc chậm trễ giao đất, thiếu sót trong chính sách và tình trạng đất dịch vụ bị bỏ hoang. Vì thế, thành phố kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và có hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thủ tục giao đất và giải quyết tình trạng đất bỏ hoang, hoặc xin phép Thủ tướng ủy quyền cho thành phố giải quyết vấn đề này.
Thanh Hoa