Cuộc trở về với miền Nam đi trước về sau kéo dài đằng đẵng hai mươi mốt năm, vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy; bao nhiêu chiến công huyền tích là bấy nhiêu đau thương mất mát. Kể làm sao hết được, chiến tranh đâu phải trò đùa. Niềm tự hào lớn nhất cũng là nỗi xúc động thẳm sâu nhất của dân tộc là chúng ta đã đi tới đích. Đích của cuộc chiến tranh yêu nước, không gì khác cả là độc lập tự do cho dân tộc, là hòa bình thống nhất đất nước.
Toàn cảnh cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Bài ca thống nhất đã ngân rung nửa thế kỷ rồi. Năm mươi năm ấy, mỗi lần đi qua cầu Hiền Lương bắc trên dòng sông Bến Hải tôi đều nhẩm đọc câu thơ nổi tiếng của Tế Hanh. “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu...”. Bài thơ ấy, câu thơ ấy ra đời trong thời kỳ đất nước còn chia cắt; cái thuở “ngày Bắc đêm Nam” nhắc lại còn xao xác lòng người.
Hằng năm, vào dịp 30/4, Quảng Trị đều tổ chức Ngày hội Thống nhất non sông. Nhiều người từng trải qua hay không hề biết mùi chiến tranh cũng đều về đây trong tâm thức tri ân và khát vọng hòa bình. Tôi luôn tin rằng, dân tộc Việt Nam nặng lòng với quá khứ nhưng không bao giờ kích hoạt hận thù dù đã từng là nạn nhân của chiến tranh tàn khốc. Ngược lại, dân tộc này biết nâng khát vọng hòa bình lên thành lẽ sống, thành phẩm giá, thành hạnh phúc bình dị và cao cả.
Vừa rồi, tôi với các bạn cùng khóa ở cấp ba đến dâng hoa thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Khi chúng tôi vừa xếp hàng xong, chuẩn bị vào lễ thì một đàn chim bồ câu vài chục con bay đến và đáp xuống trước mặt. Khi mọi người nối nhau lên thắp hương thì các “sứ giả hòa bình” đó vẫn ngây thơ bước bên chân chúng tôi. Hình ảnh đẹp ấy dường như được cộng hưởng vào cảm xúc đang dâng trào trong mỗi người. Có mấy bạn gái sau khi thắp hương xong ngồi xuống giữa đàn chim hòa bình, chẳng biết nghĩ tới điều gì mà mắt ngân ngấn ướt. Có lẽ, cũng nên nói thêm rằng, những người như chúng tôi thuộc thế hệ lớn lên trong chiến tranh.
Giá trị của hòa bình đất nước, của thống nhất non sông phải được tính bằng máu và mồ hôi của nhiều thế hệ. Mà thực sự không ai tính hết nên hòa bình thống nhất đất nước là vô giá. Vì thế ai lãng quên quá khứ bi tráng của dân tộc là mang tội lớn với Tổ quốc, với đồng bào.
Mười năm cắp sách đến trường là mười năm chịu cảnh bom rơi, đạn nổ. Lớp học nửa chìm nửa nổi, hầm chữ A, đường đến trường đi qua bãi bom B52 là hình ảnh khó quên trong ký ức. Có thầy giáo bị thương, có học trò bị chết vì bom Mỹ. Không ít bạn bè của chúng tôi đã ngã xuống trên chiến trường, có người đến bây giờ chưa tìm thấy hài cốt. Phải thẳng thắn nói rằng giá trị của hòa bình đất nước, của thống nhất non sông phải được tính bằng máu và mồ hôi của nhiều thế hệ. Mà thực sự không ai tính hết nên hòa bình thống nhất đất nước là vô giá. Vì thế ai lãng quên quá khứ bi tráng của dân tộc là mang tội lớn với Tổ quốc, với đồng bào.
Một đất nước, một dân tộc như thế phải được sống hạnh phúc. Sau chiến tranh thì khao khát được ấm no, được giàu mạnh, được hạnh phúc càng trở nên mãnh liệt. Nhưng hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và của dân tộc không tự trên trời rơi xuống mà phải được làm nên từ mỗi chúng ta. Sau ngày 30/4/1975 cứ nghĩ rằng Tổ quốc sẽ được bình yên, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người. Nhưng không phải vậy, không được vậy. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đất nước thiếu từ hạt gạo, hạt muối trở lên. Chiến tranh lại bùng nổ ở biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc. Biển Đông cũng chẳng được yên, xung đột đã xảy ra.
Tình thế đất nước có lúc tưởng chừng như ngàn cân treo sợi tóc. Phải nhắc đến chữ “Nếu”. Nếu Đảng ta không vững vàng, dũng cảm và sáng suốt lựa chọn sự đổi mới đúng đắn thì làm sao đất nước vượt qua được khó khăn của thời hậu chiến để có được những thành tựu cơ bản, quan trọng như bây giờ. Nếu như ta không biết “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để có đường lối ngoại giao uyển chuyển mềm mại thì sao trở thành đối tác với nhiều cấp độ, bạn bè thế giới tin cậy như hiện nay. Nếu như ta không chọn hòa bình làm “mục tiêu vĩnh cửu” thì biết đâu đất nước này đã bị cuốn vào vòng xoáy xung đột, chiến tranh và thù hận.
Cánh chim hòa bình. Ảnh minh họa.
Và, mùa xuân 2025 đã trở thành một dấu mốc lịch sử khi dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để đất nước giàu mạnh hùng cường. Một chặng đường mới đang mở ra với nhiều niềm tin và hy vọng. Phải chăng đó cũng là nhân duyên, khi ta chọn thời điểm năm thứ 50 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi để mở ra một cuộc tiến công “thần tốc” và “táo bạo” khác trong hòa bình, trong sự nghiệp dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ nguyên mới đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, tạo nên sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới để xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá tiếp theo. Kỷ nguyên nối tiếp kỷ nguyên tạo nên dòng chảy lịch sử liên tục, từ thấp lên cao để đi tới sự hoàn thiện của quốc gia, dân tộc ta. Bắt đầu một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, vững mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chúng ta đã và đang chứng kiến những đổi thay rất lớn và rất mới về tư duy, về tổ chức và hành động. Như là cuộc biến đổi long trời lở đất vậy. Và cũng “thần tốc” theo như cách so sánh của Tổng Bí thư Tô Lâm là “vừa chạy vừa xếp hàng”. Dù lạc quan tới đâu chúng ta cũng đủ lo âu về những khó khăn thử thách sắp tới. Một cuộc chuyển động lịch sử vĩ đại trong sóng gió và bão táp, giữa muôn vàn hỗn tạp của nhân tình thế thái trong và ngoài nước.
Chỉ mới nói tới cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí mà Đảng ta đã thẳng thắn gọi nó là “giặc nội xâm” cũng đã hình dung được tính phức tạp của công cuộc dựng xây đất nước rồi. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội đã luôn tồn tại trong mọi chặng đường cách mạng thì chắc chắn nó cũng chưa mất đi trong thời cuộc hiện nay khi chúng ta đang tinh gọn bộ máy và xóa bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh. Sự toan tính vì lợi ích nhóm, cục bộ địa phương, chạy vị trí sẽ là những cản trở không nhỏ và hết sức nguy hiểm cho cuộc tiến bước vào kỷ nguyên mới.
Đất nước thắng giặc ngoại xâm nhờ sức mạnh của toàn dân thì cũng phải lấy sức dân làm nền tảng trong dựng xây đất nước và giữ gìn bờ cõi thiêng liêng. Bài học từ cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nguyên giá trị dẫu bây giờ “kẻ thù xứng đáng” của dân tộc ta thời ấy đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Tôi nghĩ, bài học về Nhân dân vẫn luôn là bài học cốt tử nhất trong sự nghiệp cách mạng. Nếu, xin nhắc lại từ này, nếu quên điều đó thì sẽ không có chiến thắng, thành công nào cả! .
Nguyễn Hữu Quý