Núi Bà Ðen thắng cảnh linh thiêng giữa đất trời

Núi Bà Ðen thắng cảnh linh thiêng giữa đất trời
một ngày trướcBài gốc
Hồ Dầu Tiếng nhìn từ núi Bà Đen. Ảnh: Nhung Phạm.
Chúng tôi khởi hành từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về hành hương núi Bà Đen. Mới đến địa phận thị xã Chà Là thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cách núi Bà Đen khoảng hơn mười cây số, tôi đã nhìn thấy dáng hình của ngọn núi nổi tiếng, nom giống như một chiếc mũ khổng lồ sừng sững nổi lên giữa vùng đồng bằng xanh tươi. Tượng Phật Bà Quan Âm bằng đồng màu đen uy nghi trên đỉnh núi.
Gần chân núi Bà Đen, những vườn mãng cầu nối nhau đang mùa ra quả. Mãng cầu Tây Ninh nổi tiếng khắp xa gần bởi vẻ ngoài bắt mắt, trái nào trái nấy cũng to mọng, thịt quả dai mềm lại ngọt đậm. Nhưng tôi nghe nói rằng, mãng cầu được trồng ở chân núi Bà Đen có vị thơm ngon vượt trội hơn hẳn. Ngoài yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng, người ta coi mãng cầu là một món quà được thần linh ở núi Bà Đen ban tặng cho con người.
Du khách đổ về thưa thớt hơn những ngày đầu năm nên chúng tôi không phải mất nhiều thời gian xếp hang lên cáp treo. Từ trên cáp treo có thể nhìn thấy phía xa xa là hồ Dầu Tiếng – hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Khoảng 8 phút sau, cabin đã lên đến đỉnh núi ở độ cao 986m. Tượng Phật Bà tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, tay phải kết ấn, vừa uy nghi vừa hiền từ, dường như luôn dõi mắt trông theo tôi trên mọi hành trình. Đây là tượng Phật Bà cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi, với tổng chiều cao 72m, được tạo tác từ 170 tấn đồng đỏ. Công trình tâm linh tượng trưng cho trí tuệ, đức hạnh và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Phật Bà. Xung quanh tượng Phật Bà là tượng Tứ Đại Thiên Vương bằng đồng mang đầy vẻ uy dũng. Tượng Phật Bà tọa trên một đài tháp được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Từ mỗi đĩa tròn, thác nước chảy tràn xuống 5 đĩa nước lớn được sắp đặt thấp dần.
Tượng Phật Bà trên núi Bà Đen.
Ngay dưới chân Tượng Phật Bà là một kiến trúc đồng tâm cao 4 tầng, rộng hơn 4 nghìn mét vuông, nơi diễn ra các trải nghiệm tâm linh Phật giáo. Trước khu trưng bày nghệ thuật là một hồ nước nằm ngay dưới dòng thác chảy tràn từ đĩa tròn lớn ở phía trên. Xung quanh hồ nước có đặt 7 đóa sen vàng khổng lồ, ở giữa nổi bật một khối đá lớn thẳng tắp màu đen. Đến gần tôi mới biết hóa ra đó là trụ kinh Bát Nhã. Từ mặt nước bỗng bốc lên làn khói trắng bồng bềnh làm không gian thêm phần kì ảo giữa ánh nắng chiều xiên xiên trên đỉnh núi. Cả 5 trụ kinh đều nằm sâu trong lòng núi thiêng Bà Đen, riêng trụ kinh lớn nhất vượt ra khỏi lòng núi, qua mặt hồ vươn tới trời cao như biểu trưng cho ý nghĩa lớn lao của con đường giác ngộ.
Vào khu trưng bày nghệ thuật, chúng tôi dừng lại khá lâu ở khu triển lãm đèn đăng nghệ thuật, ngắm nhìn hơn một nghìn ngọn đèn hình chữ nhật có kích thước khác nhau, được làm thủ công từ tranh Đông Hồ, tranh in và những bức tranh vẽ tay bởi họa sĩ Hoàng Phong và các nhân viên Khu du lịch núi Bà Đen.
Tầng một là nơi đặt khu nghệ thuật Phật giáo. Mỗi người phải mang một đôi vớ vải màu đất để bọc giầy và ngồi chờ đến lượt. Đi vào nơi trang nghiêm, yên tĩnh nên không ai bảo ai đều giữ im lặng, rồi tìm một vị trí thích hợp để ngồi xuống. Trong khu vực có 81 bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay nằm ở chính giữa và các hóa thân đứng ở hai bên. Tượng Kim Đồng nằm ở bên phải và tượng Ngọc Nữ nằm ở bên trái. Mái vòm là một màn chiếu hình tròn khổng lồ. Bộ phim về sự hình thành vũ trụ theo quan điểm Phật giáo, được tái hiện bằng công nghệ hình ảnh 3D mapping hiện đại, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Bộ phim kéo dài khoảng 5 phút, tôi lục tục đứng dậy theo mọi người nhưng lòng có chút hụt hẫng vì vẫn còn chưa dứt ra khỏi dư âm của nó, cùng những câu hỏi về nhân sinh, vũ trụ chập chờn trong đầu.
Hệ thống cáp treo lên núi.
Ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ trao tặng cho Việt Nam vào năm 2014, được an tọa và tôn trí trang trọng trong bảo tháp lưu ly cao hai tầng, giữa không gian nghiêm trang của khu triển lãm Phật giáo tại đỉnh núi Bà Đen năm 2023. Được chiêm ngưỡng tháp xá lợi là một duyên lành màu nhiệm.
Một điểm thú vị ở khu vực triển lãm nghệ thuật, nhờ những thác nước đổ dần từ các đĩa tròn dưới chân tượng Phật Bà và hệ thống hồ nước được xây xung quanh mà ở các khu vực hành lang luôn có cảm giác mát rượi. Đứng bên cạnh hồ nước, nghe thác nước đổ ào ạt, ngắm ánh hoàng hôn rực rỡ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt về khoảng không bao la, nhìn những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc nhà ga Tâm An về phía hồ Dầu Tiếng rộng mênh mông, đó là một trải nghiệm thật khó quên trong đời.
Trong quỹ thời gian ít ỏi, chúng tôi đã ghé thăm để chiêm ngưỡng không gian lưu trữ các Trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) – pháp khí được các tín đồ Phật giáo Tây Tạng dùng cho việc hành trì tụng niệm; hệ thống Hologram trình chiếu các ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam như: chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, chùa Bối Khê, chùa Thầy ở Hà Nội, chùa Thiên Mụ ở Huế; chùa Kh’Leang ở Sóc Trăng…; vườn Vô ngã; xem nhạc nước trước tôn tượng Phật Di Lặc; chiêm bái chùa Hang…
Chúng tôi xuống núi khi trời đã tối sẫm. Trong đầu vẫn còn phảng phất câu thơ trong bài “Vịnh cảnh Bà Đen” của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh khắc trên tấm bia đá trong khuôn viên vườn hoa dưới chân tượng Phật Bà: “Bà Đen thắng cảnh từ ngày xưa/ Tháng trọn năm qua trải nắng mưa/ Trước mắt rập rờn làn sóng lúa/ Sau non bát ngát rặng cau dừa/ Nguy nga điện thánh hồi chuông vọng/ Sừng sững Đài sen dịp mõ đưa/ Đẹp đạo vui đời duyên hội ngộ/ Xa gần Nam Bắc thỏa lòng chưa”.
Nhung Phạm
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nui-ba-en-thang-canh-linh-thieng-giua-dat-troi-10304908.html