Nước cờ chiến lược từ chuyến thăm Nam Phi của Tổng thống Ukraine

Nước cờ chiến lược từ chuyến thăm Nam Phi của Tổng thống Ukraine
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Đài BBC (Anh) cho biết, ngoài chặng dừng chân ngắn ngủi tại Cape Verde năm 2023 khi bay tới Argentina, đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Zelensky tới châu Phi, kể từ khi ông trở thành tổng thống Ukraine vào năm 2019.
Ông Steven Gruzd tại Viện châu Phi thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi phân tích: “Về mặt chính sách đối ngoại, Ukraine từng thiếu quan tâm đến châu Phi, nhưng trong 3 năm trở lại đây, Kiev đã thay đổi. Ukraine tăng gấp đôi số lượng đại sự quán tại các quốc gia châu Phi từ 10 lên 20. Tuy nhiên, khu vực này rất đông đúc, với Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của mình tại châu Phi”.
BBC đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Nam Phi vào thời điểm này đặc biệt có ý nghĩa, bởi mối quan hệ của Ukraine với Mỹ - nhà cung cấp vũ khí chính của nước này - đã xấu đi từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tạm dừng viện trợ quân sự, lên án Tổng thống Zelenksy.
Giáo sư Siphamandla Zondi tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) phân tích: “Với Ukraine, từng ghi nhận từ cộng đồng quốc tế đều có giá trị, không chỉ ở phạm vi châu Âu. Bởi lẽ, chiến tranh hiện đại không chỉ được phân định trên chiến tuyến, mà còn ở “tòa án” dư luận toàn cầu”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Johannesburg. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Đối với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine cũng có ý nghĩa không kém bởi đất nước của ông cũng đang chịu áp lực lớn từ chính quyền Tổng thống Trump. Ông Gudz đánh giá: "Mỹ đã đảo ngược chính sách ngoại giao. Mọi người đều đang tìm kiếm những người bạn mới".
Ông Ramaphosa coi chuyến thăm của Tổng thống Zelensky sẽ giúp nâng cao uy tín của ông với tư cách là sứ giả hòa bình. Nhà lãnh đạo Nam Phi nói rằng các cuộc trao đổi của họ sẽ tập trung vào nỗ lực tìm kiếm "con đường dẫn đến hòa bình".
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bổ sung rằng ông và người đồng cấp Nga Putin đã có cuộc điện đàm trước thềm chuyến thăm của ông Zelensky. Tổng thống Ramaphosa sau đó đăng trên mạng xã hội X: "Chúng tôi đều khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt giữa hai quốc gia. Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục hợp tác để hướng tới giải pháp hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine”.
Tổng thống Nam Phi Ramaphosa lần đầu tiên đảm nhận vai trò người gìn giữ hòa bình vào năm 2023 khi ông dẫn đầu phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi đến cả Kiev và Moscow để cố gắng làm trung gian chấm dứt xung đột. Sáng kiến này được đưa ra khi Nam Phi phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó Joe Biden, vốn đặt câu hỏi về sự trung lập Nam Phi trong cuộc xung đột, sau khi nước này tổ chức tập trận Hải quân chung với Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn sau khi Đại sứ Mỹ tại Pretoria khi đó cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga.
Tổng thống Ramaphosa khi đó đã chỉ định mở cuộc điều tra về cáo buộc từ Đại sứ Mỹ. Cuộc điều tra kết luận không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của Đại sứ Mỹ, nhưng mối quan hệ giữa Nam Phi và chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden vẫn căng thẳng.
Trong khi đó, mối quan hệ của Tổng thống Trump với Nam Phi cũng xuống mức thấp sau vụ Nam Phi kiện Israel, một đồng minh của Mỹ, lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc nước này có những hành động "diệt chủng" tại Dải Gaza. Bên cạnh đó, ông Trump cáo buộc về "hành vi bất công và vô đạo đức" đối với cộng đồng người Afrikaner thiểu số da trắng ở Nam Phi. Chính phủ Tổng thống Ramaphosa đã phủ nhận cáo buộc này.
Giáo sư Zondi nhận định Nam Phi sẽ phải đảm bảo rằng các cuộc đàm phán của Tổng thống Ramaphosa với ông Zelensky không gây tổn hại đến nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Trump.
Giáo sư Zondi bổ sung: "Nam Phi sẽ muốn thể hiện rằng họ đang tham gia vào nỗ lực xây dựng hòa bình và họ không cạnh tranh vai trò với Mỹ". Theo ông Zondi, Tổng thống Ramaphosa có thể sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ thương mại với Ukraine, bởi nền kinh tế Nam Phi đang trong giai đoạn khó khăn, với tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Giáo sư Zondi nói: "Giao thương ở mức độ nào, dù nhỏ đến mấy, cũng đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Nam Phi". Hơn nữa, mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia cũng có thể mang lại lợi ích cho Ukraine trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Lục địa Đen. Theo giáo sư Zondi, Nam Phi có thể đóng vai trò là cửa ngõ vào châu Phi của Ukraine.
Hà Linh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nuoc-co-chien-luoc-tu-chuyen-tham-nam-phi-cua-tong-thong-ukraine-20250424150051486.htm