Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử một trong những đồng minh thân cận của ông, Giám đốc quỹ đầu tư quốc gia Kirill Dmitriev - đến Washington trong tuần này để tiến hành các cuộc đàm phán với giới chức Mỹ. Ông Dmitriev là quan chức cấp cao nhất của Nga đến thăm Washington kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cùng lúc đó, ông Putin cũng đã ký sắc lệnh về việc tiến hành đợt gọi nhập ngũ mùa xuân 2025, dự kiến triệu tập tới 160.000 người, con số cao nhất trong 14 năm qua, một động thái mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho là Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mùa xuân.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Getty
Nếu nhìn một cách đơn giản, Nga dường như đang đi theo hai hướng đối lập nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chính trị phương Tây, cách tiếp cận song song này là một chiến lược khôn khéo của ông Putin. Họ cho rằng phía Nga đang cố đàm phán với Mỹ một cách chậm rãi để vừa có thể giành tối đa lợi thế trên chiến trường ở Ukraine, vừa hy vọng có thể bình thường hóa quan hệ với Washington.
“Ông Putin nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía ông ấy, và bằng cách kéo dài thời gian, ông ấy sẽ đặt mình vào một vị thế tốt hơn để đàm phán”, ông Sergey Radchenko, một nhà sử học gốc Liên Xô chuyên nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh và hiện là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nhận định.
Trì hoãn ngừng bắn để tối đa lợi thế?
Trước đây, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng ông đã nhận ra rằng thực tế vô cùng phức tạp.
Các quan chức trong chính quyền của ông đã cố gắng dàn xếp một lệnh ngừng bắn, nhưng cho đến nay, ngay cả một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hay một lệnh ngừng bắn một phần cũng chưa thành hiện thực khi cả Nga và Ukraine vẫn cáo buộc lẫn nhau tiến hành các cuộc tập kích vào mục tiêu của đối phương.
Tổng thống Nga Putin chấp thuận đề xuất ngừng bắn mà Mỹ đưa ra nhưng ông cũng đặt ra nhiều điều kiện mà theo giới chuyên gia là có khả năng làm trì hoãn tiến trình đàm phán, hoặc khiến triển vọng ngừng giao tranh trở nên bất khả thi.
Nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng Nga biết rằng các điều kiện này là không thể chấp nhận đối với Ukraine.
Theo Thomas Graham, thành viên danh dự Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New York, Tổng thống Putin hiện không đối mặt áp lực phải tìm một giải pháp sớm cho cuộc xung đột, vì thế, việc đưa ra các điều kiện và ngụ ý về khả năng trao đổi thêm với Tổng thống Trump dường như là cách để ông kéo dài thời gian.
“Tổng thống Nga đưa ra loạt yêu cầu, bởi ông ấy tin rằng Nga đang thắng thế trên chiến trường. Ông ấy nhìn thấy những vấn đề mà Ukraine đang gặp phải. Vì vậy, ông ấy đã chuẩn bị kéo dài những vấn đề này bằng điều kiện của riêng mình”, ông Graham bình luận.
Nhà phân tích về Nga đến từ London, Anh, Mark Galeotti, cũng cho rằng một phần trong chiến lược của Tổng thống Putin là kéo dài thời gian để quân đội Nga giành được điều kiện thuận lợi hơn trên tiền tuyến, nhằm đạt lợi thế tốt nhất trên bàn đàm phán đóng băng xung đột.
Theo một số nguồn tin, ông Trump dường như đang dần mất kiên nhẫn với Tổng thống Nga Putin, sau khi Tổng thống Nga đưa ra một loạt yêu cầu trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Điều này khiến các bên khó đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và và làm giảm hy vọng của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc xung đột.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC News cuối tuần trước, ông Trump nói rằng ông “rất tức giận” khi ông Putin khẳng định lại quan điểm rằng Tổng thống Zelensky nên từ chức. Các cố vấn của Trump đang khuyên ông không nên gọi điện cho ông Putin cho đến khi Nga cam kết ngừng bắn.
Khôi phục quan hệ với “chính quyền thân thiện” ở Mỹ
Ông Oleg Ignatov, một nhà phân tích cao cấp về Nga tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Brussels, Bỉ, cho rằng sự bất mãn ở phía Mỹ ngày càng tăng giải thích lý do tại sao Điện Kremlin lại cử ông Dmitriev đến Washington.
“Ông Dmitriev có quyền trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin; trong hệ thống của Nga, đây là điều quan trọng nhất mà một nhà đàm phán có thể có. Mặt khác, ông Dmitriev cũng “có các mối quan hệ riêng ở Mỹ”, Ignatov nói.
Ông Dmitriev, 49 tuổi, sinh ra ở Kiev khi Ukraine vẫn là một phần của Liên Xô. Ông học tại Stanford và lấy bằng MBA tại Harvard trước khi làm việc cho Goldman Sachs và McKinsey & Co.
Ông Dmitriev hiện là Giám đốc đầu tư quốc gia Nga, đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư và tăng trưởng quỹ dự trữ quốc gia. Ông có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin và được nhà lãnh đạo Nga chỉ định tham gia đàm phán với giới chức Mỹ ở Saudi Arabia hồi tháng 2.
Sau khi gặp gỡ các quan chức Mỹ ở Washinton, ông trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông, trong đó đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hợp tác Bắc Cực và một thỏa thuận khoáng sản. Ukraine chỉ được đề cập một cách qua loa trong các cuộc phỏng vấn đó và thậm chí không đề cập đến trong bản tóm tắt chuyến đi của ông trên mạng xã hội.
“Chúng tôi nhận thấy một động lực tích cực trong quan hệ song phương. Vẫn cần phải có nhiều cuộc họp để chúng tôi giải quyết tất cả mọi khác biệt. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi thấy thái độ tích cực và xây dựng”, ông nói với các phóng viên tại Washington.
Điều đáng chú ý trong chuyến thăm Washington của ông Dmitriev có thể nằm ở chỗ ông không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
“Mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin khiến ông ấy không chỉ là một người truyền tải thông điệp. Ông ấy có thể thực sự tham gia vào các cuộc đàm phán và thỏa hiệp”, giáo sư Pavel Baev tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, nói.
Khi được hỏi về chuyến đi của ông Dmitriev, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga “lạc quan thận trọng”.
Tách biệt 2 vấn đề
Theo các chuyên gia, có thể thấy rõ rằng nhiệm vụ chính của ông Dmitriev là khôi phục quan hệ với Mỹ chứ không tập trung vào giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông Robert Hamilton, đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho rằng, sứ mệnh của ông Dmitriev là “gửi đi tín hiệu rằng Điện Kremlin quan tâm đến việc mở rộng các cuộc thảo luận với Mỹ và tách biệt chúng với vấn đề Ukraine. Điều mà họ thực sự tìm kiếm là gạt vấn đề Ukraine sang một bên và theo đuổi mục tiêu cải thiện quan hệ với Mỹ”.
Một số người coi việc ông Putin ký sắc lệnh gọi nhập ngũ 160.000 công dân là bằng chứng cho thấy Nga sẽ không sớm từ bỏ mục tiêu ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nói với tờ báo Pháp La Figaro vào tuần trước rằng ông tin Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào mùa xuân.
Dù vậy, một số chuyên gia chỉ ra rằng con số mà Tổng thống Nga yêu cầu huy động chỉ cao hơn một chút so với các năm trước và theo luật, những tân binh này không được tham gia vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
“Theo tôi thấy, nỗ lực ngừng bắn không phải là ưu tiên hàng đầu của Nga. Ông Dmitriev có thể đã được cử đến Washington để giúp Nga thoát khỏi tình thế khó khăn hiện tại”, giáo sư Baev tại Viện Hòa bình Oslo nói.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo NBC News, Washington Post