“... Bây giờ không biết các bậc cha mẹ mà gặp con cái bướng bỉnh, nhắc hay quên, không nghe lời thì có dùng câu này không, nhưng bà nhà tôi ngày xưa “Nói với mày cứ như nước đổ lá khoai ấy”. Vâng, vào là nó trôi nhanh lắm. Và tôi còn nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Hai lòng “Lòng anh như mảng bè trôi/ Chỉ về một bến chỉ xuôi một dòng”, nhưng mà lại “Lòng em như chiếc lá khoai/ Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu”.
Có ý kiến cho rằng, cách giải thích của vị cố vấn không chính xác. Vậy, đề nghị chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” có bài viết phân tích cụ thể về câu thành ngữ này để bạn đọc được tỏ tường.
Xin trân trọng cảm ơn”.
Trả lời: Theo chúng tôi, phần giảng về nghĩa bóng trên đây tạm chấp nhận được. Nói “tạm chấp nhận được”, bởi đúng ra “Nước đổ lá khoai” là ví với trường hợp khuyên bảo, dạy dỗ mà không thấm, không có tác dụng gì, không tiếp thu, chứ không bao gồm chuyện đãng trí, “nhắc hay quên”. Tuy nhiên, điều đáng bàn nhất ở đây là sự thâm thúy, tinh tế của dân gian khi chọn lá khoai làm hình ảnh so sánh đã bị ông cố vấn hiểu sai.
Trong thực tế thì nước đổ lên bất kỳ loại lá nào, lá chuối hay lá bàng hay lá cọ,... thì nó cũng “trôi nhanh”, chứ không cứ gì lá khoai.
Vậy, vì sao dân gian lại chọn “lá khoai”?
Bề mặt lá khoai nước (hay lá sen hoặc một số loại lá khác) có phủ một lớp lông tơ như lớp sáp cực mịn khiến cho nước KHÔNG THẤM ƯỚT được. Bởi vậy, kể cả khi ta tìm cách hứng cho nước nằm lại trên lá khoai thì nó vẫn KHÔNG THẤM, KHÔNG LÀM ƯỚT bề mặt của lá, mà cứ lăn tròn, di động giống như những viên bi, hay giọt thủy ngân. Trong khi ở các loại lá khác, thì dù nước có “trôi nhanh” bằng mấy nó vẫn thấm ướt bề mặt của chiếc lá sau khi trôi đi. Bởi thế, nếu Nguyễn Bính ví “Lòng em như cánh lá khoai/ Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu” (“cánh lá khoai” chứ không phải “chiếc lá khoai” như ông cố vấn chương trình đọc), thì Xuân Diệu cũng viết: “Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá khoai/ Mưa biếc tha hồ rơi hạt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài”.
“Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu” và “Lá xanh không ướt đến da ngoài”, chính là sự KHÔNG THẤM, KHÔNG ĐỌNG LẠI tí gì, một sự cự tuyệt hoàn toàn với nước, chứ không phải có vào nhưng “trôi nhanh”.
Bản đồng nghĩa với “Nước đổ lá khoai” là “Nước đổ đầu vịt”. Khi “nước đổ đầu vịt” thì nó cũng “trôi nhanh” chẳng khác gì đổ “đầu gà”. Nhưng vịt khác gà ở chỗ, lớp lông ở đầu vịt (cũng như toàn bộ thân mình của nó) có chứa một loại chất nhờn đặc biệt khiến cho nước KHÔNG THẤM vào được, kể cả khi vục đầu sâu xuống nước để mò ăn thì khi ngóc lên, đầu vịt vẫn khô như thường.
Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt có từ “thấm” hay “thấm thía” để chỉ cảm giác hoặc ý thức được một cách đầy đủ, sâu sắc, sau một quá trình chịu tác dụng hoặc chịu tác động dần dần và cuối cùng là thay đổi, trước lời khuyên nhủ của ai đó. Ngược lại, nói “không thấm”, khuyên bảo mà “không thấm” vào đầu được, nghĩa là không có sự tiếp thu, là sự cự tuyệt, “bỏ ngoài tai” trước mọi lời khuyên bảo.
Như vậy, sở dĩ dân gian ví trường hợp khuyên bảo, dạy dỗ mà không thấm, không có tác dụng gì, không tiếp thu với hiện tượng “nước đổ lá khoai” là bởi khi nước vào nó KHÔNG THẤM, KHÔNG ĐỌNG LẠI TÍ GÌ, một sự cự tuyệt hoàn toàn trước mọi sự tác động, chứ không phải “vào là nó trôi nhanh lắm” như lời giải thích của ông cố vấn.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)