Công nhân đình công tại nhà máy Volkswagen ở Zwickau, Đức, ngày 2/12. (Ảnh: Bloomberg)
Điều đó đang đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào con đường suy thoái, với nguy cơ không thể đảo ngược.
Bloomberg Economics ước tính tình trạng thâm hụt ngân sách hầu như khó có thể phục hồi, do những đòn giáng mang tính cấu trúc như mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, trong khi những tên tuổi như Volkswagen và Mercedes-Benz Group chật vật để bắt kịp các hãng ô tô Trung Quốc. Sự suy giảm khả năng cạnh tranh quốc gia khiến mỗi hộ gia đình sẽ thiệt hại khoảng 2.500 euro (2.600 USD) một năm.
Việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 16/12, cuộc bầu cử bất thường mang đến cơ hội để thay đổi hướng đi, nhưng xu hướng suy thoái có vẻ khó đảo ngược.
"Đây là sự suy thoái rất chậm và kéo dài. Không phải của một công ty, không phải của một thành phố, mà là của toàn bộ đất nước, và châu Âu cũng bị kéo theo", Amy Webb, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của hãng tư vấn chiến lược Future Today Institute, nhận xét.
Theo các chuyên gia, những quyết định không hợp lý trong nhiều năm đã phá vỡ mô hình kinh tế của Đức, vào thời điểm phần còn lại của châu Âu đang cần sức mạnh công nghiệp của nền kinh tế đầu tàu trong khối để giúp họ bắt kịp Trung Quốc, ứng phó với cuộc xung đột Nga – Ukraine và tự mình xoay xở khi Mỹ sắp có tổng thống mới.
Thay vào đó, Đức được đánh giá là đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thống nhất.
Sau khi bất đồng với đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp, Thủ tướng Scholz đang muốn kết thúc chính phủ của mình bằng cách chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Nếu kết quả như dự kiến, một cuộc bầu cử bất thường sẽ diễn ra vào ngày 23/2, sớm hơn 7 tháng so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của ông.
Khủng hoảng chính sách
Ông Friedrich Merz là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, nhưng chủ trương cải cách an toàn của ông khó có thể đi đủ xa để tái thiết nền kinh tế đang khó khăn.
Ông Merz muốn quay lại với những chính sách đã giúp thúc đẩy quá trình tái thiết của Đức sau chiến tranh, bao gồm mức thuế thấp, hạn chế quy định và trợ cấp xã hội cơ bản. Nhìn chung, điều đó nghĩa là giảm bớt vai trò của nhà nước và nới lỏng hạn chế chi tiêu công.
"Chúng ta không cần một chính phủ mắc nợ, mà cần một đường lối chính trị mới giải quyết tận gốc rễ của vấn đề", ông Merz phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Deutschlandfunk vào cuối tháng 11.
Ngược lại, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz chủ trương thực hiện những thay đổi có ý nghĩa hơn đối với quy định về vay nợ. Họ cũng muốn bảo vệ việc làm trong những ngành công nghiệp đang già cỗi như thép và ô tô, đồng thời trợ cấp giá năng lượng để hỗ trợ các công ty.
Tuy nhiên, những thất vọng của cử tri khiến nhiều người trong số họ hướng đến các đảng cực đoan.
Đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò dư luận, còn Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) thiên tả có thể vào Bundestag (quốc hội) chỉ 1 năm sau khi thành lập. Gộp lại, họ nhận được sự ủng hộ của khoảng 1/4 cử tri.
Trong khi các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh nỗ lực số hóa, sự chia rẽ chính trị có thể khiến nước Đức phải tập trung bảo vệ nguyên trạng thay vì hướng tới tương lai.
Trong 16 năm bà Angela Merkel làm thủ tướng, biện pháp phanh nợ đã được thông qua, dẫn đến tình trạng đầu tư không đủ cho quốc phòng, giao thông và giáo dục.
Bà Merkel cũng bị chỉ trích vì khiến nước Đức phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga. Điểm yếu này lộ ra từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Tú Linh
Theo Bloomberg