Bão số 3 đi qua, lối vào các khu trang trại của người dân tại thôn Kiến Long vẫn còn ngập nước. Nhiều hộ đang tất bật dọn dẹp chuồng trại, thu gom lượng lớn gia cầm chết để đem đi tiêu hủy.
Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một trang trại gà, cho biết, trước đây gia đình anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cuối năm 2024, gia đình anh quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng, gồm cả tiền tích góp và vay mượn, để xây dựng trang trại nuôi gà quy mô lớn.
“Lứa đầu tiên, chúng tôi nuôi thử vài nghìn con. Sau hơn 2 tháng được xuất chuồng, trừ chi phí, lời khoảng 15 triệu đồng. Đàn gà lứa hai gồm 5.000 con, mới nuôi được gần một tháng (mỗi con nặng khoảng 7 lạng) thì nước lũ dâng bất ngờ, khiến toàn bộ đàn gà chết sạch”, anh Tiến kể.
Chị Na xót xa nhìn trang trại 5.000 con gà của gia đình bị nhấn chìm trong nước. Ảnh: Lê Dương
Theo anh, sống ở đây hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy nước dâng nhanh và cao như vậy. Gia đình anh đã chủ quan nên không kịp ứng phó.
“Khoảng 14h ngày 22/7, nước dâng rất nhanh. Chúng tôi chỉ kịp đưa các bao cám lên gác xép. Quay lại thì nước đã tràn vào khu chuồng trại. Nước lên đến đâu, gà chết đến đó. Chỉ trong phút chốc, hàng nghìn con gà đã chết trắng”, anh Tiến xót xa.
Trong lúc dọn dẹp những con gà chết còn sót lại, chị Vũ Thị Na (vợ anh Tiến) buồn bã kể: “Vợ chồng tôi đã dồn toàn bộ tiền tích góp và vay mượn để đầu tư trang trại này. Chúng tôi hy vọng bán xong lứa gà sẽ trả được một phần nợ ngân hàng. Giờ gà chết hết rồi, nợ lại chồng nợ, không biết phải xoay xở ra sao”.
Nước lên đến đâu gà chết đến đó. Ảnh: Lê Dương
Chị Na đang dọn dẹp số gia cầm chết còn sót lại. Ảnh: Lê Dương
Những bao cám được kê vội lên cao. Ảnh: Lê Dương
Gần đó, trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng cũng nuôi hơn 12.000 con gà thịt, đã được hơn 30 ngày tuổi. Anh Thắng cho hay, khi thấy nước bắt đầu dâng cao và có nguy cơ gây ngập, anh đã huy động người thân, hàng xóm và chính quyền địa phương hỗ trợ di chuyển đàn gà lên vị trí cao hơn.
“Mặc dù đã chuẩn bị trước phương án di dời, nhưng nước lên quá nhanh khiến khoảng 2.500 con gà của gia đình tôi chết, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng”, anh Thắng nói.
Dù đã có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi gà, anh Thắng thừa nhận đây là lần đầu chứng kiến trận lũ dâng nhanh và dữ dội như vậy.
Ông Lê Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Vạn Lộc, thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3 kết hợp với mưa lớn kéo dài liên tục 2 ngày trước đó, một số khu vực trũng thấp trên địa bàn bị ngập nặng, trong đó thôn Kiến Long là nơi chịu thiệt hại nhiều nhất.
Mặc dù đã di chuyển sớm đàn gà, nhưng gia đình anh Thắng vẫn bị chết khoảng 2.500 con. Ảnh: Lê Dương
Toàn xã hiện có khoảng 20 trang trại chăn nuôi gà, vịt với tổng đàn khoảng 170.000 con. Khi nước bắt đầu dâng cao, chính quyền đã khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, do nước lên quá nhanh, nhiều trang trại không kịp xoay xở, gây thiệt hại lớn.
“Chúng tôi đang thống kê thiệt hại cụ thể để báo cáo lên cấp trên, đề xuất hỗ trợ giống, vật tư... giúp người dân sớm khôi phục chăn nuôi. Trước mắt, xã đã cử cán bộ thú y, dân quân và các lực lượng chức năng đến hiện trường thu gom, tiêu hủy số gia cầm chết và tiến hành khử trùng toàn bộ khu chuồng trại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Hưng nói.
Lê Dương