Nước Mỹ thay đổi ra sao sau một tuần thời Trump 2.0

Nước Mỹ thay đổi ra sao sau một tuần thời Trump 2.0
18 giờ trướcBài gốc
Thông điệp và tuyên bố của Tổng thống Trump sau một tuần đầy biến động với loạt sắc lệnh hành pháp có thể tóm gọn lại như sau: Hãy tin tôi, New York Times nhận định.
Trong khoảng thời gian 4 năm sau lần tái tranh cử thất bại, ông Trump đã thề sẽ định hình lại hoàn toàn cuộc sống, văn hóa và chính trị của người Mỹ nếu ông có một cơ hội khác. Và tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng đã chứng minh ông sẽ tìm cách làm điều đó khi ông chạy đua để thực hiện những lời hứa tranh cử.
New York Times nhận định mặc dù không phải tất cả sắc lệnh của ông đều sẽ có thể được đưa vào thực thi, nước Mỹ hiện đã là một nơi khác so với một tuần trước.
Sau đây là một số thay đổi chính sách lớn nhất mà ông Trump đã thực hiện.
Vấn đề nhập cư
Không có vấn đề nào được ông Trump và chính quyền mới chú ý nhiều hơn trong những ngày đầu tiên hơn vấn đề nhập cư. Đây từ lâu đã là trọng tâm trong bản sắc chính trị của ông Trump. Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2024, ông đã cam kết sẽ thực hiện những thay đổi chính sách sâu rộng về vấn đề này.
Tân tổng thống đã ban hành hơn 10 sắc lệnh liên quan đến nhập cư, bao gồm hàng loạt các cuộc đại tu chính sách dựa trên quan điểm rằng Mỹ “đang bị xâm lấn bởi những người nhập cư nguy hiểm vượt biên giới với Mexico”.
Ông Trump đã nhanh chóng xóa bỏ các chính sách ngăn cản các viên chức Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan đột kích các nhà thờ, trường học và bệnh viện để bắt giữ người nhập cư.
Ông Trump tuyên bố điều hàng nghìn quân tới biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: Reuters.
Ông chặn hàng nghìn người tị nạn đã được phép nhập cảnh vào Mỹ. Ông cũng bắt đầu quá trình trục xuất một triệu người mà Tổng thống Joe Biden đã cho phép nhập cảnh hợp pháp và dừng một số chương trình cho phép cư trú tạm thời.
Bên cạnh đó, ông đã thực hiện lời hứa từ lâu của mình là cố gắng thu hẹp quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ”. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang đã nhanh chóng chặn lại sắc lệnh này, gọi đó là vi hiến.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã tìm cách đưa các quan chức tiểu bang và địa phương vào lực lượng thực thi luật di trú liên bang. Ông cũng chỉ đạo các quan chức liên bang điều tra và có khả năng truy tố các quan chức ở các thành phố và tiểu bang can thiệp vào nỗ lực trục xuất của chính phủ.
Chính quyền Trump đã chỉ đạo các cơ quan giữ lại tài trợ với các thành phố mà giới chức từ chối hợp tác với các nhân viên di trú liên bang.
Khí hậu và năng lượng
Ông Trump đã ban hành 6 sắc lệnh hành pháp liên quan đến năng lượng nhằm mở rộng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hạn chế năng lượng tái tạo và từ bỏ các nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông đã dừng một số nỗ lực chuẩn bị cho những rủi ro của nóng lên toàn cầu. Ông cũng khởi xướng các kế hoạch khoan dầu ở Alaska. Bên cạnh đó, ông đã ra lệnh đóng băng các giấy phép liên bang cho các trang trại gió trên khắp cả nước.
Ông Trump đã khởi xướng một kế hoạch khoan dầu trên một khu vực rộng lớn ở Alaska. Ảnh: New York Times.
Nhiều lời hứa của ông Trump về việc "giải phóng" năng lượng của Mỹ sẽ mất thời gian để tạo ra tác động. Ông đã lệnh cho các cơ quan hợp lý hóa việc cấp phép cho đường ống dẫn khí và khai thác mỏ, đồng thời bãi bỏ các quy tắc thúc đẩy ôtô điện. Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy định liên bang phải trải qua một quy trình pháp lý bắt buộc có thể mất nhiều năm.
Các hành động khác có thể sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Ông Trump đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng" và tuyên bố ông có thẩm quyền thúc đẩy nhanh chóng xây dựng các nhà máy điện. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết quyền hạn khẩn cấp của chính phủ thường khá hạn chế.
Người ta vẫn phải chờ xem ông Trump có thể định hình lại bức tranh năng lượng của nước Mỹ một cách mạnh mẽ như thế nào. Nhiều công ty dầu khí không muốn tăng đáng kể sản lượng, vốn đã ở mức kỷ lục, vì làm vậy có thể khiến giá giảm và bóp nghẹt lợi nhuận.
Tuy nhiên, một số công ty ngành công nghiệp điện gió lại thận trọng. Họ đã trì hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư mới.
Thương mại và thuế quan
Trên mạng xã hội, ông Trump trước đó tuyên bố ông sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm từ Canada và Mexico và thêm 10% thuế đối với các sản phẩm từ Trung Quốc ngay “ngày 1”. Ông cũng cáo buộc những quốc gia này không làm đủ để ngăn chặn dòng chảy ma túy và người di cư vào Mỹ.
Song thay vào đó, ông đã ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan khác nhau báo cáo về danh sách đầy đủ các vấn đề thương mại trước ngày 1/4.
Một số nhóm doanh nghiệp bày tỏ sự nhẹ nhõm, nhưng tâm lý đó không kéo dài được lâu. Vào đêm 20/1, ông Trump chia sẻ ông có kế hoạch áp thuế 25% đối với các sản phẩm từ Canada và Mexico bắt đầu từ ngày 1/2. Vào đêm tiếp theo, ông cho biết ông cũng sẽ áp thuế 35% đối với các sản phẩm của Trung Quốc vào cùng ngày.
Người ta vẫn chưa biết liệu những mức thuế đó có thực sự có hiệu lực hay không. Song ngay cả khi chúng không có hiệu lực, ông Trump vẫn sẽ có nhiều cơ hội trong những tháng tới để thực hiện lời hứa tranh cử của mình - áp thuế toàn diện đối với hàng hóa nước ngoài.
Quyền về giới và chuyển giới
Với một sắc lệnh hành pháp được coi là bảo vệ phụ nữ khỏi "chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ giới", ông Trump đã yêu cầu chính phủ chỉ công nhận hai giới tính sinh học là nam và nữ. Động thái này đã đảo ngược chính sách thời ông Biden.
Sắc lệnh này đã thúc đẩy những thay đổi về mặt hành chính. Bộ Ngoại giao Mỹ đã xóa danh mục giới tính "không xác định hoặc bản dạng giới tính khác" khỏi các đơn xin hộ chiếu. Rộng hơn, họ chỉ đạo các cơ quan xóa mọi đề cập đến giới tính khác khỏi các tài liệu và bản ghi nhớ chính thức.
Những người ủng hộ quyền của người chuyển giới biểu tình trước Tòa án Tối cao Mỹ vào năm ngoái. Ảnh: New York Times.
Một số cơ quan đã được thúc giục "bảo vệ nam giới và phụ nữ như những giới tính riêng biệt về mặt sinh học", một phần bằng cách duy trì các không gian chỉ dành cho một giới tính như nhà tù và nơi trú ẩn cho phụ nữ. Tại đó, phụ nữ chuyển giới sẽ bị từ chối tiếp cận theo chính sách.
Lệnh này đã bác bỏ cách diễn giải của chính quyền ông Biden về phán quyết của Tòa án Tối cao bảo vệ người lao động chuyển giới. Đây vốn là cơ sở để họ mở rộng quyền bảo vệ cho sinh viên chuyển giới thông qua Đạo luật IX vào năm ngoái.
Vấn đề đa dạng, công bằng và hòa nhập
Sau khi tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức về việc sẽ mở ra một xã hội “không phân biệt màu da” và “dựa trên năng lực”, ông Trump đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang ngay lập tức xóa bỏ các khái niệm về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) khỏi các chính sách, chương trình và hoạt động của chính phủ liên bang.
Ông đã hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp do ông Biden ban hành nhằm thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ và người da đen, người gốc Hispanic, người gốc Á và người Mỹ bản địa, cũng như người khuyết tật.
Sau đó, ông Trump đã ban hành sắc lệnh "Chấm dứt các chương trình DEI và ưu tiên cấp tiến, lãng phí của chính phủ", trong đó dừng mọi công việc tại các cơ quan liên bang nhằm đảo ngược tình trạng phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và các bất bình đẳng có hệ thống.
Sắc lệnh này yêu cầu đóng cửa các văn phòng dành riêng cho công tác DEI trên khắp các cơ quan chính phủ và sa thải ngay lập tức bất kỳ nhân viên nào làm công việc liên quan đến sáng kiến này. Những nhân viên này đã bị cho nghỉ hành chính và sẽ bị sa thải vào tháng tới.
Không những vậy, các nhân viên liên bang được yêu cầu báo cáo bất kỳ đồng nghiệp nào cố gắng lách lệnh này đến một địa chỉ email. Những người biết về bất kỳ hoạt động nào như vậy nhưng không báo cáo trong vòng 10 ngày sẽ phải đối mặt với "hậu quả bất lợi", New York Times dẫn nguồn tin cho biết.
Ông Trump cũng đã thu hồi một lệnh do Tổng thống Lyndon B. Johnson ký năm 1965 về việc cấm phân biệt đối xử trong hợp đồng của chính phủ.
Công nghệ và trí tuệ nhân tạo
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã hủy bỏ lệnh hành pháp năm 2023 thiết lập các rào cản xung quanh trí tuệ nhân tạo. Tân tổng thống Mỹ hôm 23/1 đã ban hành lệnh hành pháp chỉ đạo nhân viên đưa ra kế hoạch theo đuổi chính sách sẽ "duy trì và tăng cường sự thống trị toàn cầu của Mỹ ở mảng AI”.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đã ban hành lệnh hành pháp để thành lập một đội ngũ sẽ đưa ra các đề xuất chính sách liên quan đến tiền điện tử.
Ông Trump công bố sáng kiến trí tuệ nhân tạo cùng với Sam Altman (bên phải) - người đứng đầu OpenAI và Masayoshi Son - lãnh đạo SoftBank. Ảnh: New York Times.
Ông Trump cũng can thiệp vào cuộc chiến về tương lai của TikTok. Các quan chức ở Washington lo ngại rằng ứng dụng này có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật vào năm ngoái buộc ByteDance, chủ sở hữu TikTok, phải bán ứng dụng này hoặc phải đối mặt với lệnh cấm hợp tác với các appstore (cửa hàng ứng dụng) và nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 19/1. Tuy nhiên, ông Trump hôm 20/1 đã yêu cầu Bộ Tư pháp không thực thi luật trong 75 ngày và chỉ thị cho các công ty, như Apple, Google và nhà cung cấp điện toán đám mây Oracle, rằng trong thời gian đó, "không có trách nhiệm" liên quan đến công việc phân phối và duy trì ứng dụng này.
Y tế và viện trợ nước ngoài
Vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông theo đuổi điều này trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên.
Việc rút khỏi WHO đồng nghĩa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, được coi là cơ quan hàng đầu thế giới về bệnh truyền nhiễm, sẽ không được tiếp cận dữ liệu toàn cầu mà WHO cung cấp.
Điều này cũng sẽ tước đi một nguồn tài trợ quan trọng mà WHO sử dụng để bảo vệ các chương trình y tế cộng đồng ở các quốc gia khác. Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng điều này cuối cùng có thể gây tổn hại đến các nỗ lực chống lại bệnh tật của giới chức y tế Mỹ trong các đợt bùng phát dịch bệnh quốc tế.
Các chuyên gia y tế tại một phòng khám nông thôn đang điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở Kamituga, Congo. Ảnh: New York Times.
Ông Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu dừng mọi viện trợ phát triển cho nước ngoài trong ít nhất 90 ngày. Là một phần của sắc lệnh, chính quyền Trump đã ngừng giải ngân tiền từ một chương trình cung cấp hầu hết phương pháp điều trị HIV ở Châu Phi và các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
Chính quyền cũng đã khôi phục lại "quy định về thành phố Mexico", cấm tài trợ liên bang cho các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài thực hiện hoặc thúc đẩy phá thai.
Ông Trump trong ngày đầu nhậm chức cũng đã hủy bỏ một lệnh y tế về việc kêu gọi các cơ quan liên bang mở rộng quyền tiếp cận phạm vi bảo hiểm trên các thị trường bảo hiểm y tế của đạo luật chăm sóc với giá cả phải chăng và Medicaid, chương trình bảo hiểm dành cho người Mỹ thu nhập thấp.
Bộ Y tế của chính quyền mới cũng yêu cầu các quan chức kiềm chế truyền thông công khai, bao gồm cả việc công bố các báo cáo về đợt bùng phát cúm gia cầm. Các cuộc họp của các hội đồng cố vấn về những vấn đề y tế cũng đã bị hủy bỏ.
Giới chức chính quyền Trump bảo vệ động thái này, nói rằng điều này cho phép họ bắt kịp hoạt động trong của Bộ Y tế trước khi ký vào bản thông tin công khai với công chúng. Song động thái này đã khiến nhiều chuyên gia quan ngại.
Lực lượng công chức liên bang
Chính quyền Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để có thể sa thải nhân viên liên bang dễ dàng hơn bằng việc áp dụng các quy tắc quản lý những người được bổ nhiệm chính trị, vốn có quyền tố tụng hợp pháp yếu hơn nhiều.
Ông Trump cũng đã ban hành một bản ghi nhớ khẳng định thẩm quyền sa thải hàng nghìn quan chức cấp cao trên khắp chính phủ. Chính quyền đã bắt đầu sa thải một số người trong số đó.
Các bản ghi nhớ khác chỉ rõ các cơ quan yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng toàn thời gian "sớm nhất có thể". Bản ghi nhớ này lưu ý rằng nhân viên có thể bị sa thải trong thời gian thử việc "mà không kích hoạt quyền kháng cáo" và gợi ý rằng chính quyền sẽ giảm số công chức bằng cách sa thải nhiều người mới được tuyển dụng gần đây.
Ông Trump cũng khởi xướng lệnh đóng băng tuyển dụng trong 90 ngày, khiến các cơ quan hủy bỏ lời mời làm việc cho các ứng viên có ngày nhận việc sắp tới.
Vân Đinh
Nguồn Znews : https://znews.vn/nuoc-my-thay-doi-ra-sao-sau-mot-tuan-thoi-trump-20-post1527544.html