Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc tài liệu về thuế đối với thép và nhôm tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Mỹ). Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 9/2 rằng ông sẽ áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bổ sung vào các mức thuế kim loại hiện có, đánh dấu một bước leo thang lớn khác trong chính sách thương mại của Mỹ, theo Reuters.
Một ngày sau, tức 10/2 (giờ Mỹ), ông Trump chính thức công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nước ngoài.
Viện Sắt thép Mỹ (AISI) cho biết khoảng 1/4 lượng thép sử dụng tại Mỹ năm 2024 đến từ nguồn nhập khẩu, tương đương khoảng 28,8 triệu tấn, tăng 2,5% so với 2023. Thép đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không vũ trụ, ôtô cho đến năng lượng, đặc biệt là các dự án khoan dầu và điện gió.
Phần lớn thép Mỹ đến từ các nước láng giềng như Mexico và Canada hoặc từ các đồng minh thân cận tại châu Á và châu Âu, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, nhưng thị phần thép Trung Quốc tại Mỹ lại rất nhỏ. Lý do là mức thuế 25% được áp dụng từ năm 2018 đã khiến phần lớn thép Trung Quốc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Trong năm qua, Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 508.000 tấn thép sang Mỹ, chiếm 1,8% tổng lượng thép nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc không dừng lại ở đó.
Khi Mỹ áp thuế lên thép nhập khẩu, các nhà máy nội địa từng có thời điểm nâng công suất lên hơn 80% vào năm 2019. Nhưng sau đó, giá thép toàn cầu giảm mạnh do Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế thống trị trong ngành, gây áp lực lên nền sản xuất thép tại Mỹ.
Khác với thép, ngành công nghiệp luyện nhôm của Mỹ khá nhỏ, chỉ chiếm 1,73% tổng công suất toàn cầu, buộc nước này phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Khoảng một nửa tổng lượng nhôm sử dụng tại Mỹ là nhập khẩu, trong đó phần lớn đến từ nước láng giềng Canada.
Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 3,2 triệu tấn nhôm từ Canada, gấp đôi tổng lượng nhập khẩu từ 9 quốc gia tiếp theo cộng lại, với tổng giá trị lên đến 9,5 tỷ USD.
Các nguồn nhập khẩu lớn tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) với 347.034 tấn, giá trị 1,1 tỷ USD và Trung Quốc với 222.872 tấn - đứng thứ 5 về kim ngạch với hơn 500 triệu USD.
Haru Chanana, chiến lược gia đầu tư tại Saxo (Singapore), nhận định rằng sau khi Trung Quốc không còn là nhà cung cấp thép đáng kể cho Mỹ từ năm 2018, đợt áp thuế mới sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Brazil.
Canada đặc biệt lo ngại về chính sách thuế này, bởi thép và nhôm của nước này đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ, từ quốc phòng, đóng tàu đến ôtô. Bộ trưởng Đổi mới Canada, ông Francois-Philippe Champagne, khẳng định: “Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Canada, người lao động và ngành công nghiệp của mình”.
Câu hỏi lớn đặt ra là Mỹ sẽ giải quyết việc miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm như thế nào. Trước đây, chính quyền ông Trump từng áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó đã miễn thuế cho một số đối tác quan trọng như Canada, Mexico và Brazil.
Đến thời kỳ Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục đàm phán các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế với Anh, EU và Nhật Bản. Hiện tại, vẫn chưa rõ số phận của các miễn trừ này sẽ ra sao trong tương lai.
Trước động thái mới của Mỹ, nhiều quốc gia đang tích cực vận động hành lang để được miễn trừ khỏi mức thuế mới.
Australia là một trong những nước đầu tiên phản đối chính sách này, nhấn mạnh rằng thép và nhôm xuất khẩu của họ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Chính phủ Australia lập luận rằng việc miễn thuế sẽ giúp duy trì hàng nghìn việc làm tại Mỹ và củng cố quan hệ chiến lược quốc phòng giữa hai nước. Bộ trưởng Thương mại Australia khẳng định: "Xuất khẩu của chúng tôi không chỉ mang lại lợi ích chung mà còn hỗ trợ hàng nghìn công việc chất lượng cao tại Mỹ."
Hiện Australia đang tích cực thúc đẩy Washington xem xét lại các mức thuế đã được lên kế hoạch, với hy vọng tránh được những tác động tiêu cực từ chính sách này.
Bên cạnh Australia, các quốc gia như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của chính sách thuế mới này và đang tìm cách đàm phán với Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình.
Phương Linh