Nước ngập nóc nhà, dân lên núi tránh lũ, địa phương họp khẩn trong đêm

Nước ngập nóc nhà, dân lên núi tránh lũ, địa phương họp khẩn trong đêm
16 giờ trướcBài gốc
Sáng 23-7, ông Lê Hồng Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trực tiếp đến địa bàn các xã miền Tây để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.
Mặc dù không còn mưa nhưng nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Nước lũ cuốn trôi nhiều tài sản của người dân xã Mường Xén trong đêm 22-7
Trước đó, tối 22-7, do mưa lớn kéo dài, nước sông Nậm Mộ tiếp tục dâng cao, dòng chảy mạnh, cộng với việc các thủy điện xả lũ nên trung tâm xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) bị ngập nghiêm trọng. Nhiều nơi nước ngập sâu từ 1,5 đến 2 m.
Khoảng 22 giờ, nước lũ cuồn cuộn, đục ngầu liên tục đổ về. Trên suốt chiều dài hàng trăm mét Quốc lộ 7 đoạn chạy qua địa phận trung tâm xã Mường Xén, nhiều vật dụng, đồ đạc của người dân đang trôi theo dòng nước chảy xiết.
Chị Phan Nhan, một người dân tại thị trấn Mường Xén (cũ), xót xa: "Mọi người ơi thương quá, nước lũ lên nhanh quá, trôi hết tất cả rồi".
Nước lũ cuốn trôi nhiều tài sản của người dân xã Mường Xén trong đêm
Theo chính quyền địa phương xã Mường Xén, ngay trong đêm khuya 22-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã đã khẩn trương triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng dân quân, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ người dân di dời người, chuyển tài sản đến nơi cao, an toàn.
Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An, cho biết do nước dồn về rất nhanh, lòng sông không kịp thoát nên nhiều điểm đã ngập sâu từ 1 m đến 1,5 m. Ngay trong đêm, các lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời người dân, tài sản đến những nơi an toàn.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An giúp người dân sơ tán trong đêm
Tại xã Tương Dương, do nước lũ liên tục dâng cao, UBND xã họp khẩn giữa đêm để tìm phương án, chỉ đạo các bản, làng ứng phó hiệu quả nhất trong bối cảnh nhiều người dân lo lắng chạy lên núi, tìm nơi cao để tránh lũ.
Sau khi họp, Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương cùng các lực lượng đã trực tiếp đi đến các bản, chia làm nhiều tổ công tác để hỗ trợ di dời dân.
Trong đêm, xã Tương Dương đã di dời những hộ dân trong vùng ngập lụt tại khối Hòa Bắc và khối Hòa Đông. Đến khoảng 1 giờ ngày 23-7, cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ, nối Quốc lộ 7 sang di tích Đền Vạn - Cửa Rào (xã Tương Dương) đã bị nước lũ làm đổ sập.
Sáng 23-7, nước sông dâng cao khiến nhiều nhà dân ở xã Tương Dương ngập sâu. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Tại xã Yên Hòa, do mưa lớn, nước lũ dâng cao, đến tối 22-7, hơn 210 hộ dân ở các bản Xốp Cốc, Tạt, Cành Khỉn và Xốp Khấu bị cô lập hoàn toàn. Ông Đậu Đức Truyền, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cho biết chính quyền địa phương đã triển khai các tổ công tác đến từng bản, đặc biệt là các khu vực thấp trũng, ven khe suối, vừa tổ chức sơ tán dân, vừa trực gác tại các điểm cầu tràn, không để người dân qua lại vùng nguy hiểm.
Tại xã Quế Phong, cầu treo bản Quạnh nối bản Hiền với bản Quạnh đã bị nước cuốn trôi trong chiều 22-7. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 4 cầu tràn bị ngập, tuyến quốc lộ 48D có 3 điểm bị ngập, xã đã cắt cử lực lượng chức năng canh gác cấm phương tiện và người dân qua lại.
Tại xã Quỳ Châu, tối 22-7 và sáng 23-7, do mưa lớn kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn đổ dồn về nên mực nước sông Hiếu dâng nhanh khiến đoạn Quốc lộ 48 qua địa phận dốc Bù Bài giáp ranh giữa hai xã Quỳ Châu và Châu Tiến bị ngập sâu. Chính quyền địa phương phải cắm biển, bố trí lực lượng cấm các phương tiện qua lại và tiến hành cứu hộ các phương tiện tại khu vực bị ngập.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tối 22-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, cùng chính quyền các địa phương vùng hạ du của Thủy điện Bản Vẽ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Nhiều nhà dân tại Nghệ An vào sáng 23-7 vẫn bị ngập sâu tới nóc
Đặc biệt, phải khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, cùng các cơ quan liên quan khi có tình huống, sự cố xảy ra.
Được biết, đến sáng ngày 23-7, trời đã ngớt mưa, tuy nhiên nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn ngập chìm trong nước, nhiều nơi vẫn bị chia cắt, cô lập.
Bài và ảnh: Đức Ngọc
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/video-nuoc-ngap-noc-nha-dan-len-nui-tranh-lu-dia-phuong-hop-khan-trong-dem-196250723105704934.htm