Nước non vững bền - Bài cuối: Lịch sử soi đường tới tương lai

Nước non vững bền - Bài cuối: Lịch sử soi đường tới tương lai
6 giờ trướcBài gốc
Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Bolivia Ignacio Mendoza Pizarro phát biểu tại một sự kiện tại thủ đô Lapaz, Bolivia tháng 12/2024. Ảnh: TTXVN phát
Không còn cảnh mưa bom bão đạn, nhưng cuộc cạnh tranh để khẳng định vị thế và vươn lên vẫn vô cùng khốc liệt khi thế giới đang chuyển mình sang mô hình phát triển mới với đặc trưng là cuộc cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa, tình hình quốc tế phức tạp đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác. Trong bối cảnh đó, những bài học, giá trị xuyên suốt đã được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước tiếp tục là động lực to lớn cho giai đoạn phát triển mới.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, các chuyên gia, học giả quốc tế đều đánh giá yếu tố tiên quyết đưa Việt Nam đến thành công nằm ở tầm nhìn và tư duy, những lựa chọn chiến lược đúng đắn hướng tới hội nhập toàn cầu, nắm bắt xu thế thời đại và phát huy sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc. Đó là “những người lãnh đạo xứng tầm và tạo ra những đột phá chiến lược”, tìm được đúng hướng đi để phát huy sức mạnh dân tộc Việt Nam “như thác đổ”, tạo ra những chuyển biến có tính kỳ vĩ. Theo Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Bolivia Ignacio Mendoza Pizarro, bước ngoặt mang tính quyết định dẫn đến những thành công của công cuộc Đổi mới là việc Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn cải cách kinh tế phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, tầm nhìn và tư duy lãnh đạo đưa Việt Nam bắt nhịp với xu thế thời đại, với những chuyển mình mạnh mẽ như tận dụng sức mạnh cơ chế, chuyển từ gia công sang công nghệ số đang giúp Việt Nam bứt phá. Giáo sư Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đã tổng kết, bài học của cách mạng Việt Nam 50 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị: Đó là cần phải nghĩ lớn, đi nhanh, dứt khoát và đúng lúc.
Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, khát vọng dân tộc vẫn luôn là chất keo gắn kết và làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng là một trong những giá trị trường tồn xuyên suốt, là động lực thôi thúc nhân dân Việt Nam làm nên Chiến thắng 30/4/1975 và sẽ tiếp tục được kế thừa và tạo nên những chiến thắng trong thời đại mới. 50 năm trước, khát vọng đó là non sông liền một dải, thống nhất đất nước, còn ngày nay khát vọng đó là làm chủ vận mệnh kinh tế - công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, chia sẻ từ khát vọng lịch sử, người dân Việt Nam có thể khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần quốc gia đổi mới sáng tạo, dám nghĩ lớn, hành động nhanh, hướng tới tương lai. Khát vọng đó chính là động lực để xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện, từ chính phủ số, doanh nghiệp số đến công dân số, nơi mọi người dân đều có cơ hội đóng góp và thụ hưởng thành quả của phát triển.
Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Anh - công tác tại Khoa Khoa học sự sống thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Ảnh: Mạc Luyện/PV TTXVN tại Hong Kong
Tinh thần yêu nước, tự lực, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong gian khó - những giá trị đã làm nên những chiến thắng lịch sử của Việt Nam – vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên số. Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), đánh giá Việt Nam hôm nay không chỉ cần công nghệ, mà cần một thế hệ biết chủ động tiếp cận tri thức, sẵn sàng hội nhập quốc tế, và quan trọng hơn là biết phát huy thế mạnh văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng lòng yêu nước trong thời đại mới. Tinh thần ấy cũng được lan tỏa và phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Rất nhiều người Việt Nam đã vươn lên trở thành những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công tác của họ, đồng thời duy trì và giữ vững sự gắn bó, liên kết với đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt ở khắp nơi trên thế giới, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp và những tinh hoa để quay trở về cống hiến cho đất nước. Như bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp- Việt đã khẳng định: “Ý chí của cả dân tộc đã làm nên chiến thắng trước kia và thành công hiện tại”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa Xuân lịch sử 1975, nhưng ngọn lửa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vẫn không hề phai nhạt. Ông Julio Cesar Pineda, nhà ngoại giao kỳ cựu kiêm nhà báo nổi tiếng của Venezuela nhận định, từ chiến trường xưa đến công xưởng, ruộng đồng và nỗ lực hội nhập thế giới, tinh thần ấy vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng, bồi đắp ý chí và khát vọng vươn lên cho mọi thế hệ người dân Việt Nam, để Việt Nam tiếp tục là biểu tượng của hòa bình và phát triển trong thời đại mới.
Tiến sĩ Ruvislei González Saez, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba, nhận định Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của văn hóa, truyền thống và lịch sử Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước kéo dài hàng nghìn năm. Ánh sáng từ truyền thống lịch sử vinh quang, hào hùng và đầy tự hào của dân tộc ấy, trong đó có Chiến thắng 30/4/1945, chính là ngọn đuốc soi đường đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, để mãi mãi "nước non Việt Nam ta vững bền".
Phương Hà - Lê Ánh - Nguyễn Hà (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/nuoc-non-vung-ben-bai-cuoi-lich-su-soi-duong-toi-tuong-lai-20250429200200321.htm