Chạy đua giành suất vào đại học
Năm 2025, cả nước có 10 trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực. Cùng với mở rộng quy mô tổ chức, các trường đổi mới nội dung, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, nội dung các kỳ thi hướng đến đánh giá kiến thức tổng hợp, khái quát của thí sinh ở nhiều lĩnh vực mà các em không thể học tủ, học lệch.
Giờ học Ngữ văn của học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1.
Theo phương án tuyển sinh năm 2025 của các trường đại học đã công bố, toàn quốc có khoảng 90 trường xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, 50 trường dùng điểm đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, 100 trường xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vậy, không ít học sinh lo lắng nếu chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ khó đỗ vào trường đại học tốp đầu.
Để “chắc suất” vào trường tốp đầu, rất nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia các kỳ thi này. Đặt mục tiêu nguyện vọng 1 vào Đại học Kinh tế quốc dân, em Phạm Tuấn Anh, lớp 12, Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 2 cho biết: "Em tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bởi kỳ thi này được nhiều trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển, dễ có cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, kỳ thi đòi hỏi kiến thức tổng hợp ở nhiều môn học. Vì thế, emtập trung cao ôn luyện mở rộng kiến thức ở nhiều môn, đặc biệt là câu hỏi ứng dụng thực tế để có kết quả tốt".
Thời điểm này, các trường tập trung cao vừa giảng dạy theo chương trình chính khóa, vừa bồi dưỡng kiến thức để các em đủ năng lực tham gia các kỳ thi. Năm học 2024-2025, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1 có 531 học sinh lớp 12, trong đó có 425 lượt thí sinh đăng ký tham gia các kỳ thi riêng.
Thầy giáo Phạm Minh Tuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm gần đây, học sinh tham gia các kỳ thi riêng có xu hướng tăng, nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn và giáo viên giảng dạy theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, mở rộng liên hệ thực tế, tích hợp kiến thức liên môn theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để học sinh đáp ứng tốt yêu cầu các kỳ thi riêng và có thêm cơ hội lựa chọn các trường đại học phù hợp với năng lực, sở thích”.
Rèn tư duy khái quát kiến thức
Những năm học gần đây, Bắc Giang là tỉnh có đông học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và nằm trong nhóm các tỉnh đạt kết quả cao. Mỗi năm học, toàn tỉnh có từ 35-40% học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Đáp ứng nhu cầu đó, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về kỳ thi, bổ trợ, tăng cường kiến thức lồng ghép trong các môn học cho học sinh.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 19,8 nghìn học sinh lớp 12, trong đó khoảng 35-40% tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học. Thời điểm này, các trường trung học phổ thông tập trung cao vừa giảng dạy theo chương trình chính khóa, vừa bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức để các em đủ năng lực tham gia các kỳ thi.
Để làm bài tốt, học sinh cần nắm chắc kiến thức ở các môn học, mở rộng liên hệ và có năng lực tư duy thực sự. Ngay từ khi bước vào bậc trung học phổ thông, các em phải nhanh chóng xác định mục tiêu và thay đổi phương pháp học tập, bám chắc cấu trúc đề tham khảo mà trường đại học tổ chức kỳ thi riêng công bố.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các em đạt kết quả cao phần lớn không luyện thi mà có cách học tập khoa học, toàn diện. Tuy nhiên, tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học chủ yếu là học sinh ở các trường trung học phổ thông vùng xuôi, còn những trường miền núi, vùng khó khăn rất ít học sinh tham gia.
Gần đây, để học sinh các trường miền núi, vùng khó khăn tham gia được các kỳ thi đánh giá năng lực, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường ngoài giảng dạy cho học sinh nắm chắc nội dung cơ bản, các em phải biết vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, suy luận logic. Với môn ngoại ngữ, các trường không chỉ chú trọng về từ vựng, ngữ pháp để học sinh có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn chú trọng rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để các em có thể dự thi lấy chứng chỉ quốc tế, thêm cơ hội xét tuyển.
Ngành Giáo dục khuyến cáo thí sinh cần tìm hiểu kỹ, xác định rõ mục tiêu để lựa chọn kỳ thi phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân, không nên tham dự quá nhiều kỳ thi gây áp lực cho bản thân; tốn kém thời gian, tiền bạc, sức lực. Nhiều ý kiến đề nghị kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chỉ để cho một vài trường đại học có đặc thù tổ chức, không nên mở rộng ở nhiều trường. Các trường đại học cần công bố cụ thể chỉ tiêu của từng phương án tuyển sinh để thí sinh nắm bắt, đăng ký phương án xét tuyển đại học phù hợp với học lực của bản thân.
Bài, ảnh: Minh Thu