'Nước rút' gỡ thẻ vàng

'Nước rút' gỡ thẻ vàng
7 giờ trướcBài gốc
Chính quyền quyết liệt
Thời gian qua, Cà Mau đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác hải sản hợp pháp, bền vững. Trong đó, tập trung siết chặt quản lý vùng biển, nhất là khu vực ven bờ, không để tái diễn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng Biên phòng, Thanh tra Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp chặt với các địa phương ven biển tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Qua kiểm tra, đã xử phạt 57 vụ với 65 trường hợp vi phạm, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Đây là bước đi mạnh mẽ, thể hiện sự nghiêm khắc, không khoan nhượng với hành vi làm ảnh hưởng uy tín quốc gia và cản trở nỗ lực gỡ thẻ vàng của cả nước.
Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên biển, tỉnh siết chặt quản lý tàu cá ra vào cảng. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, địa phương xác định, muốn gỡ thẻ vàng thì phải làm thực chất, không hình thức. Theo đó, tỉnh đang siết lại toàn bộ khâu quản lý tàu cá, kết nối dữ liệu giám sát hành trình, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chính ngư dân, để đưa nghề cá Cà Mau đi vào nền nếp, bền vững và có trách nhiệm, góp phần quan trọng vào công tác quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác trên biển.
Cùng với ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cũng đang quyết liệt công tác chống khai thác IUU. Tại xã Sông Đốc, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không", kiên quyết không để các tàu này hoạt động khi chưa hoàn thành lắp các thiết bị theo quy định.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển.
Ông Đỗ Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Sông Đốc, thông tin: “Hiện nay, địa phương có hơn 2.000 tàu cá; có 989/987 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tỷ lệ số hóa tàu mất kết nối đạt 99,32% trên tổng số 147 tàu, trong đó 80,95% đạt yêu cầu. Xã hiện còn 4 tàu “3 không”, đã số hóa đủ 4 tàu, nhưng chỉ 2 tàu đạt yêu cầu. Với quyết tâm gỡ thẻ vàng cho thủy sản, chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu chủ tàu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cũng như xóa tàu "3 không" hoạt động”.
Ngư dân đồng lòng
Song song với xử lý nghiêm, tỉnh tăng cường tuyên truyền, đảm bảo 100% ngư dân được phổ biến đầy đủ các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, nhất là các nội dung mới của Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là văn bản quan trọng hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong việc xử lý các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Qua đó, giúp ngư dân tăng hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành luật.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã dần thay đổi nhận thức và hành động của ngư dân. Bà con hiểu rằng, việc gỡ thẻ vàng sẽ có lợi cho đầu ra sản phẩm hải sản đánh bắt của chính mình, cũng là góp sức cho phát triển kinh tế biển của tỉnh nhà, của đất nước.
Truyền thông gắn với giáo dục, xử lý vi phạm là giải pháp quan trọng để gỡ thẻ vàng của EC.
Tại cửa biển Sông Đốc, trước mỗi chuyến biển, ngoài chuẩn bị nhiên liệu, nhu yếu phẩm, các chủ tàu cá, thuyền trưởng cũng ý thức chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác. Ngư dân Huỳnh Văn Nhật chia sẻ: “Gia đình tôi có nghề truyền thống khai thác thủy sản hơn 30 năm qua. Hiện gia đình có 3 tàu cá, tôi luôn nhắc nhở bạn thuyền chỉ khai thác trong vùng biển Việt Nam, không ra vùng biển nước ngoài. Trên tàu luôn bố trí đầy đủ trang thiết bị, bật giám sát hành trình, đánh bắt theo vùng biển quy định. Bởi tôi biết, nếu vi phạm thì gặp rất nhiều hệ lụy, không chỉ bị bắt mà còn bị giam bằng, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và tác động trực tiếp đến việc gỡ thẻ vàng của Việt Nam”.
"Là ngư dân, tôi thấy mình phải có trách nhiệm trong việc chấp hành, hoàn thiện các thủ tục, thiết bị cho phương tiện. Tàu của tôi chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Nếu khai thác, đánh bắt bất hợp pháp thì không thể xuất khẩu, nên chúng tôi tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định. Tôi mong các ngư dân đều tuân thủ tốt, không khai thác trái phép, để thủy sản nước ta sớm gỡ được thẻ vàng, khi đó đời sống của bà con sẽ được nâng lên”, ngư dân Đinh Văn Huy cho biết.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng quy định tại cửa biển Sông Đốc.
Tính đến nay, Ủy ban Châu Âu (EC) đã 4 lần sang Việt Nam kiểm tra. Kết quả sau mỗi lần kiểm tra cho thấy công tác chống khai thác IUU đạt kết quả tích cực hơn. Điều này thể hiện qua việc hoàn thiện khung pháp lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá. Nghề cá đi từ “tự do xuất cảng”, “mặc sức đánh bắt”, đến vào khuôn khổ có đầy đủ thủ tục rời bến, có chứng từ nhập cảng, có nhật ký khai thác...
Dự kiến cuối năm nay, Đoàn Thanh tra của EC sẽ tiếp tục có đợt thanh tra đối với thủy sản Việt Nam. Để chuẩn bị tốt các điều kiện đón đoàn thanh tra của EC, ngày 23/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử có văn bản yêu cầu UBND các xã có quản lý tàu cá tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn quản lý. Trong đó, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch tập trung xử lý dứt điểm các nhóm tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Tiếp tục mở đợt cao điểm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, đảm bảo hoàn thành trước khi đoàn thanh tra sang Việt Nam.
Hồng Nghi
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/nuoc-rut-go-the-vang-a40009.html