Một quán nước sát bờ sông Sài Gòn trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) đón những đợt sóng khi triều cường lên nhanh lúc 17h. Nhiều người đang ngồi gần bờ sông bị nước ập vào người, đồ uống, đồ ăn bị đổ.
Gần 18h, nước tiếp tục lên khiến nhiều con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cũng ngập. Đây là khu vực gần sông Sài Gòn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường.
Ông Nguyễn Phước Tài đứng trong căn nhà bị ngập đến đầu gối vì triều cường. "Nước bắt đầu lên từ 16h, sẽ ngập đến khoảng 21h mới rút, sáng mai, tối mai lại như vậy. Nhà tôi nâng nền nhiều lần nhưng vẫn ngập nên đành chịu thôi. Chỉ còn cách canh ngày triều cường để kê đồ đạc lên", ông Tài chia sẻ.
Phòng khách của nhà ông Tài cũng mênh mông nước, xe máy, tivi đều phải kê cao lên 30 cm. Gia đình ông phải sinh hoạt trong phòng ngủ và phòng bếp.
Nhiều căn nhà trong hẻm 886 Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng trong tình trạng ngập khá nặng. Người dân dùng đủ các vật liệu để "đắp đập" trước cửa nhà.
Triều cường ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khu vực Thanh Đa. Đây là ngày thứ 2 triều cường dâng cao khiến một số vùng thấp, ven sông Sài Gòn ngập sâu.
Bà Thu Vân cho biết cứ vào ngày triều cường thi nước sẽ lên 2 lần. "Sáng sớm khoảng 4h nước sẽ lên một đợt, trước khi ngủ nhà tôi đã kê sẵn đồ đạc lên cao nhưng vẫn phải tỉnh giấc lúc đó để canh nước lên", bà Vân nói.
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16-17/11 (tức 16-17 tháng 10 âm lịch), nhiều trạm đo vượt báo động 3, cảnh báo nguy cơ ngập sâu nhiều nơi ở Nam Bộ.
Sáng 16/11, mực nước cao nhất ngày thực đo tại một số trạm đều vượt báo động 3. Trong đó, trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) mức 1,66 m, trên báo động (BĐ) 3 khoảng 0,06 m; Phú An (sông Sài Gòn) 1,64 m, trên BĐ3 là 0,04 m; trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) 1,73 m, trên BĐ3 là 0,13 m; riêng trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) 1,92 m dưới BĐ2 là 0,08 m.
Duy Hiệu