Nước Việt Nam là một - Cội nguồn sức mạnh và giá trị trường tồn của dân tộc

Nước Việt Nam là một - Cội nguồn sức mạnh và giá trị trường tồn của dân tộc
4 giờ trướcBài gốc
Câu nói thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và tiếp tục là điểm tựa tinh thần trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Trong tâm thức mỗi tầng lớp nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên hôm nay, tinh thần ấy vẫn rực sáng, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.
Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025 - Tuyên Quang niềm tin tương lai.
Những ký ức thiêng liêng và niềm tin sắt đá
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi". Câu nói mộc mạc chứa chan nhiệt huyết tràn đầy của Bác Hồ như còn vang vọng đâu đây trong mỗi chúng ta. Phải, dân tộc ta là một thể thống nhất, đất nước ta nối liền một dải không thể cắt rời, đó là chân lý, vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Chân lý ấy đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay, trải qua thăng trầm của bốn ngàn năm dựng xây mà bảo vệ Tổ quốc. Lời của Bác cũng như để khẳng định một tình cảm thiêng liêng, một ý chí sắt đá, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn non sông Việt Nam vậy.
Đối với ông Trần Dương Xuân, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương mỗi lần nghe câu nói ấy của Bác, trong lòng ông lại trào dâng niềm xúc động. Ông tâm sự: "Tôi từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Câu nói của Bác là kim chỉ nam cho chúng tôi trong những ngày bom đạn ác liệt. Chính vì ý thức rằng Nam - Bắc tuy xa mà gần, tuy cách trở nhưng là máu thịt của một cơ thể, nên chúng tôi mới có đủ dũng khí bám trụ, chiến đấu đến cùng".
Với nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ đã trải qua chiến tranh, câu nói của Bác Hồ không chỉ nhắc nhở về nghĩa vụ bảo vệ đất nước, mà còn gợi nhắc đến tình yêu thương, gắn bó thiêng liêng giữa đồng bào cả nước. Trong hàng triệu trái tim Việt Nam bất khuất, có biết bao bà mẹ đã gửi trọn máu xương của mình cho đất nước thống nhất. Mẹ Liệt sỹ Hà Thị An xã Đức Ninh (Hàm Yên) đã tiễn cả người con trai lên đường vào Nam chiến đấu trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ nói ngắn gọn: “Con tôi đã trọn nghĩa với nước non...”. Trong từng giọt nước mắt của những người mẹ ấy đã ngời lên một chân lý sáng ngời: Miền Bắc, miền Nam, đồng bào mọi miền chỉ là một cơ thể thống nhất không thể tách rời, đúng như lời Bác Hồ kính yêu từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, câu nói của Bác Hồ không chỉ là một lời hiệu triệu lịch sử, mà còn là phương châm hành động trong công việc hàng ngày. Đồng chí La Hồng Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Đối với người cán bộ hôm nay, thấm nhuần chân lý “Nước Việt Nam là một” là ý thức bảo vệ sự thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ, quyết tâm chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc duy trì sự thống nhất từ trong tổ chức Đảng, hệ thống chính trị đến khối đại đoàn kết toàn dân càng có ý nghĩa sống còn. Cán bộ như chúng tôi luôn xác định rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững lòng dân chính là tiếp nối mạch nguồn “dân tộc Việt Nam là một” trong thời kỳ mới. Mỗi khi Tổ quốc, quê hương đối mặt với khó khăn, thách thức như dịch bệnh hay thiên tai, hình ảnh người dân cả nước chung tay hỗ trợ nhau, lan tỏa tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng cho thấy rõ hơn sức mạnh của sự thống nhất dân tộc mà Bác Hồ đã khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Kim Phú, giáo viên Trường THPT Phù Lưu chia sẻ: Đoàn trường đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa chủ đề “Khát vọng hùng cường”. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và Nhân dân về khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Dạy học sinh hiểu được giá trị câu nói của Bác Hồ chính là bồi đắp cho các em niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi câu nói "Nước Việt Nam là một" bằng máu và nước mắt trong chiến tranh, thì học sinh, sinh viên hôm nay tiếp nối tinh thần ấy bằng tri thức, sáng tạo và hoài bão dựng xây đất nước.
|Em Nguyễn Thị Phương Linh, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Tân Trào, tâm sự: Lời Bác dạy không chỉ để tự hào mà còn là lời nhắc nhở em phải học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức, sẵn sàng cống hiến trí tuệ cho sự phát triển đất nước. Việt Nam chỉ thực sự mạnh khi tất cả người Việt dù ở đâu cũng hướng về một mục tiêu chung. Học sinh, sinh viên hôm nay chúng em cũng ý thức rằng trách nhiệm giữ gìn tinh thần đoàn kết không chỉ thể hiện qua hành động lớn lao mà còn qua những việc nhỏ: biết yêu thương, sẻ chia, tôn trọng sự khác biệt, đoàn kết trong học tập, sinh hoạt, làm việc chung.
Nhiều bạn trẻ nhận thức sâu sắc rằng, “nước Việt Nam là một” không chỉ là sự liền dải về địa lý mà còn là sự đồng lòng, chung sức trong thời kỳ toàn cầu hóa. Em Đoàn Hương Trà, học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Trào, chia sẻ: Em cảm nhận rất rõ rằng câu nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Bác Hồ không chỉ là sự nối liền về địa lý từ Bắc vào Nam, mà còn là sự hòa quyện trong tâm hồn, ý chí của mỗi người Việt Nam. Dù ở bất kỳ đâu, chúng ta cũng đều chung một cội nguồn, chung một khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, đoàn kết dân tộc càng quan trọng hơn bao giờ hết. Khi thế giới có nhiều biến động, mỗi người trẻ chúng em phải biết trân trọng hơn giá trị của hòa bình, của thống nhất, phải học tập, rèn luyện để đóng góp cho quê hương. Việt Nam chỉ thực sự mạnh mẽ khi mỗi người Việt dù ở trong nước hay nước ngoài đều tự hào mình là con Lạc cháu Hồng, đều hướng về Tổ quốc với tất cả tình yêu và trách nhiệm.
Sinh viên Đại học Tân Trào tìm hiểu lịch sử cách mạng qua điện thoại thông minh.
Khẳng định giá trị trường tồn của chân lý
Những chiến thắng trong lịch sử nước ta đều bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước đã nhấn mạnh: "Chiến thắng 30/4 là minh chứng sống động cho chân lý 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Đó không chỉ là thắng lợi của một dân tộc nhỏ trước các thế lực lớn, mà còn là thắng lợi của lòng yêu nước, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc."
Tinh thần ấy đang tiếp tục được thắp sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Việt Nam không chỉ cần sự đoàn kết để chống ngoại xâm mà còn cần để vượt qua thách thức phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ông Phan Văn Toại, một cựu chiến binh ở huyện Yên Sơn, nhận xét: Nếu ngày xưa đoàn kết là để đánh giặc, thì hôm nay đoàn kết là để phát triển đất nước, làm cho Việt Nam hùng mạnh, không thua kém bất kỳ dân tộc nào.
Bài học từ lịch sử cho thấy, bất kỳ khi nào dân tộc ta biết đoàn kết, thống nhất một lòng, thì đó là khi đất nước mạnh mẽ nhất. Ngược lại, sự chia rẽ, ly tán luôn dẫn đến những bi kịch đau thương. Vì vậy, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tiếng gọi vang vọng từ quá khứ mà còn là kim chỉ nam cho hiện tại và tương lai.
Thế hệ trẻ, thế hệ cán bộ hôm nay cần nhận thức rằng, việc tiếp nối tinh thần "Nước Việt Nam là một" chính là bảo vệ độc lập chủ quyền, kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới.”
Dẫu hôm nay, vẫn còn những kẻ cố tình xuyên tạc lịch sử, vẫn còn những tư tưởng phản động, nuôi dưỡng sự phân biệt vùng miền, mơ tưởng về sự chia rẽ dân tộc, thì chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” vẫn luôn vững vàng như núi, không gì lay chuyển nổi. Lịch sử đã chứng minh: từ thời đại Hùng Vương dựng nước, trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, rồi đến hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đều chung một dòng máu, chung một ý chí quật cường bảo vệ non sông gấm vóc. Không thế lực nào, không âm mưu nào có thể chia cắt được ý chí ấy. Sự thống nhất đất nước không chỉ là kết quả của một cuộc chiến tranh giải phóng, mà là biểu hiện sinh động của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của lòng yêu nước bất diệt. Những ai cố tình phủ nhận điều đó, dù bằng cách nào, cũng đang đi ngược lại với lịch sử, với lương tâm dân tộc và với khát vọng trường tồn của nhân dân Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn: "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Đoàn kết, thống nhất dân tộc không chỉ là yêu cầu khách quan của lịch sử, mà còn là bảo đảm cho một tương lai Việt Nam hòa bình, giàu mạnh và hùng cường.
Bài, ảnh: Thanh Phúc
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/nuoc-viet-nam-la-mot-coi-nguon-suc-manh-va-gia-tri-truong-ton-cua-dan-toc-211052.html