Tận dụng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã nuôi thành công cá Tầm, loài cá nhập ngoại ưa lạnh, có giá trị kinh tế cao, qua đó mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản, cần được nghiên cứu để nhân rộng tại các địa phương có điều kiện phù hợp trong tỉnh.
Cá Tầm là tên gọi chung của một chi cá có tên khoa học là Aci penser, chúng bao gồm 21 loài đã được ghi nhận trong các báo cáo khoa học. Đây là những loài cá nước ngọt có kích thước lớn và có giá trị kinh tế cao, ưa sống trong môi trường lạnh mát, nguồn nước sạch tự nhiên, lượng oxi hòa tan cao.
Ở Việt Nam, cá Tầm được nhập khẩu về nhân giống và nuôi thử nghiệm tại Sa Pa (Lào Cai) từ những năm 2000, sau đó được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước.
Cá Tầm thương phẩm sau hơn 1 năm nuôi tại cơ sở nuôi ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.
Hiện nay, ở Việt Nam có 4 loài cá Tầm đang được nuôi ở trên 20 tỉnh thuộc các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là cá Tầm Siberi, cá Tầm Beluga, cá Tầm Nga và cá Tầm Sterlet.
Với tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa trung du, miền núi và đồng bằng, có nhiều sông, suối, đầm, ao, hồ có trữ lượng nước lớn, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Trong đó, huyện Tam Đảo và huyện Sông Lô nơi có nhiều suối và hồ lớn, nguồn nước dồi dào, trong sạch; khí hậu quanh năm mát mẻ, phù hợp cho sự sinh trưởng, sinh sản của một số loài cá nước lạnh, nhất là cá Tầm.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc là địa phương phát triển mạnh công nghiệp, có nhiều khu du lịch nổi tiếng, hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng là thị trường rất tốt cho các mặt hàng thủy sản có giá trị cao như cá Tầm…
Tận dụng các điều kiện thuận lợi này, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo và Sông Lô đã đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình nuôi cá Tầm bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở đang đầu tư nuôi cá Tầm, gồm 2 cơ sở nuôi ở xã Đạo Trù, 1 cơ sở ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo và 1 cơ sở nuôi ở xã Đồng Quế, huyện Sông Lô.
Đối tượng nuôi chủ yếu là cá Tầm Siberi và cá Tầm Nga; cá giống được nhập từ Sa Pa (Lào Cai) và Lâm Đồng về nuôi, sản lượng cá thương phẩm hằng năm khoảng 30 tấn.
Qua quá trình nuôi, các cơ sở cho biết, cá Tầm phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn của tỉnh; cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, bình quân 75-80%, từ khi thả giống sau 1- 2 năm có thể thu hoạch, cá đạt trọng lượng 2-3 kg/con, cá bán được giá, tỷ suất lợi nhuận tốt (giá bán 200.000 -250.000 đ/kg, lợi nhuận chiếm 30-50% giá bán).
Theo kỹ sư Vũ Duy Cương, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng nuôi cá Tầm trên địa bàn tỉnh rất lớn, tuy nhiên, để mô hình nuôi cá Tầm phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể cho việc phát triển nuôi cá Tầm; rà soát, đưa những khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi cá Tầm vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Ngoài nuôi cá Tầm ở quanh các khe suối có thể đưa vào nuôi trong các hồ chứa lớn như Vĩnh Thành, Xạ Hương…
Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nuôi cá Tầm nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương và khu vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ chi phí thức ăn, con giống cho người nuôi cá Tầm… Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh cá Tầm.
Khuyến khích các cơ sở nuôi cá Tầm theo hướng liên kết, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác... để chia sẻ, giúp đỡ nhau; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
Tăng cường xúc tiến thị trường, giới thiệu sản phẩm cá Tầm của Vĩnh Phúc thông qua các hình thức như triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo… đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác trong việc nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, ương nuôi cá Tầm; nghiên cứu lựa chọn các loài cá Tầm phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn của tỉnh.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng quy trình nuôi trong nhà kính, nuôi tuần hoàn, trang bị hệ thống máy lọc nước, máy sục khí, hệ thống kiểm soát nhiệt độ... để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hạ giá thành sản xuất; tạo sản phẩm có chất lượng giá trị gia tăng cao như trứng cá tầm muối (Caviar), cá tầm hun khói…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh