Bình Phước có nhiều lợi thế phát triển ngành ong mật, tuy nhiên người nuôi luôn bấp bênh vì phụ thuộc thị trường
Dự báo thị trường mật ong tiếp tục gặp khó khi điểm nghẽn xuất khẩu chưa được tháo gỡ. Vụ nuôi ong năm 2024, ông Phạm Văn Tiệp ở khu phố 3, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài chủ động giảm đàn để tránh những rủi ro về giá thành, đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, với giá bán 18.000 đồng/kg mật duy trì 2 năm trở lại đây, ông Tiệp và các hộ nuôi khác có thể tiếp tục rơi vào thua lỗ.
Ông Tiệp cho hay: Việc duy trì đàn ong tốn rất nhiều chi phí về thức ăn như đường, bột... Với giá bán 18.000 đồng/kg, chưa bằng 1kg đường như hiện nay, người nuôi ong gặp rất nhiều khó khăn; phải bán với giá hơn 30.000 đồng/kg thì người nuôi ong mới có lãi.
Nhu cầu tiêu thụ trong nước không nhiều trong khi mật ong xuất khẩu phải chịu mức thuế chống bán phá giá quá cao, từ 60-125% từ các thị trường nhập khẩu. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất, chế biến ngành ong mật được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ông Vũ Tiến Hoàng, chủ cơ sở Mật ong Sông Bé ở phường Tiến Thành cho biết: Nhu cầu sử dụng mật ong trong nước không nhiều, người nuôi ong, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói chủ yếu trông chờ vào thị trường xuất khẩu. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về thị trường xuất khẩu, kịp thời hỗ trợ người nuôi ong, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Mặc dù ngành nuôi ong ở Bình Phước rất phát triển nhưng hầu như mang tính tự phát, cần có sự liên kết giữa người nuôi ong và doanh nghiệp thu mua, trong đó cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, kết nối cung - cầu, định hướng thị trường, tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển bền vững” - ông Hoàng Văn Quảng ở khu phố 3, phường Tiến Thành đề xuất.
Người nuôi ong, doanh nghiệp, cơ sở chế biến đóng gói mật ong trên địa bàn tỉnh bước vào vụ khai thác mới với nhiều nỗi lo do rớt giá
Với diện tích rất lớn về cây công nghiệp, điều kiện khí hậu thuận lợi, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 hộ nuôi ong mật và số lượng lớn hộ nuôi đến từ các tỉnh, thành khác. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, xây dựng thị trường thay thế, việc định hướng thị trường, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ nguồn lực từ ngành chức năng là rất cần thiết để nuôi ong lấy mật phát triển bền vững, góp phần tăng thêm thế mạnh cạnh tranh cho nông sản Bình Phước trong quá trình hội nhập.
Trần Cảnh - Trung Quang