'Nút thắt' giao thông khi hình thành tỉnh Lâm Đồng mới

'Nút thắt' giao thông khi hình thành tỉnh Lâm Đồng mới
6 giờ trướcBài gốc
QL28B nối Lâm Đồng với Bình Thuận đang được mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn là cung đường quanh co, nhiều đoạn nhỏ hẹp
Hiện tại, việc xác định Đà Lạt là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới, đặt ra một bài toán không hề đơn giản: làm thế nào để kết nối hiệu quả các khu vực trong tỉnh mới với trung tâm này? Khoảng cách từ Đà Lạt đến các địa phương như: Gia Nghĩa (Đắk Nông) hay Phan Thiết (Bình Thuận) trên bản đồ có vẻ không quá xa, chỉ khoảng 160 - 170 km, nhưng thực tế di chuyển lại là một thách thức thực sự, không chỉ về thời gian mà còn về những khó khăn do hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.
GIAN NAN TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG XUỐNG CẤP
Minh chứng cho những khó khăn về giao thông, chúng ta có thể nhìn vào câu chuyện của cánh tài xế trên các tuyến đường kết nối Đắk Nông và Lâm Đồng. Mặc dù có tới 4 tuyến đường chính, bao gồm Quốc lộ (QL) 28 qua Di Linh, đường vào Thủy điện Đồng Nai 4 (quy hoạch là QL55), Tỉnh lộ 4B qua Lâm Hà, và đường giao thông vận hành Thủy điện Đồng Nai 5 nhưng tất cả đều nhỏ hẹp, quanh co, ẩn chứa vô vàn rủi ro.
Anh Trần Văn Sơn, một tài xế xe hợp đồng, ngụ Phường 3, TP Đà Lạt, chia sẻ: "Đường sá hiện tại từ Đà Lạt đi Bình Thuận và đặc biệt là Đắk Nông rất xấu, đi lại rất vất vả". Anh cho biết thêm, nếu có đường cao tốc hoặc đường sắt, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn đáng kể, người dân cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn và thoải mái hơn. Lời bộc bạch của anh Sơn không chỉ là nỗi niềm của một tài xế mà còn là nỗi niềm và mong ước của nhiều người dân và doanh nghiệp đang ngày đêm vật lộn trên những cung đường này.
Tình hình kết nối giữa Lâm Đồng và Bình Thuận cũng không mấy khả quan. QL28 và QL28B là hai huyết mạch chính, nhưng cũng là những tuyến đường nhỏ hẹp, quanh co và xuống cấp trầm trọng. QL28B đang được nâng cấp, mở rộng, nhưng bản chất QL28B là một tuyến đường đèo dốc hiểm trở thì vẫn còn đó. Tuyến đường dù mở rộng nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ngoài ra, cư dân ở Đức Linh, Tánh Linh muốn lên Đà Lạt thì cũng có thể đi QL55 để vào QL20 tại Bảo Lộc, nhưng đây cũng là tuyến đường nhỏ, và xuống cấp.
Ước mơ về những tuyến đường rộng mở, hiện đại có lẽ đang là khát vọng chung của không chỉ hơn 3,87 triệu cư dân của tỉnh Lâm Đồng mới mà của cả cộng đồng người dân cả nước, bởi nó sẽ trực tiếp "rút ngắn" khoảng cách, "nối dài" cơ hội. Bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ khách sạn trên địa bàn TP Đà Lạt, bày tỏ sự mong mỏi: "Nếu có đường rộng rãi, đẹp để xe khách, xe tải lớn chở hàng có thể đi thẳng từ khắp các vùng của tỉnh Lâm Đồng mới, để người dân có thể đi Nam, đi Bắc, hay ra biển, đặc biệt là ra trung tâm hành chính đặt tại Đà Lạt thì sẽ giúp cho mọi công việc của người dân thuận lợi; giảm chi phí mọi mặt, và cũng sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa các vùng, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa của một tỉnh dự kiến sẽ có diện tích lớn nhất nước".
NHỮNG ĐỀ XUẤT "TÁO BẠO" ĐỂ NÂNG TẦM CHIẾN LƯỢC
Việc xây dựng một hệ thống giao thông không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là bệ phóng cho kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ những thách thức về giao thông, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm. Những đề xuất này hướng đến việc xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, xứng tầm với vị thế của một tỉnh lớn nhất cả nước đã được 3 tỉnh thống nhất đề xuất lên các bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, 3 tỉnh đã thống nhất kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp đoạn Gia Nghĩa - Đắk Som - Di Linh lên quy mô đường cấp III miền núi. Đây là một bước đi quan trọng để cải thiện kết nối nội vùng và liên vùng, đặc biệt là giữa Đắk Nông và Lâm Đồng. Đề xuất xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng) nhằm tạo ra một trục đường xương sống, kết nối trực tiếp Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, mở ra những cơ hội giao thương, du lịch và phát triển kinh tế hoàn toàn mới. Đề nghị bổ sung quy hoạch cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận nhằm rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu chi phí logistics và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Với tầm nhìn xa hơn, 3 tỉnh cũng thống nhất đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận. Việc đề xuất tuyến đường sắt kết nối với tuyến đường sắt qua Tây Nguyên và đường sắt Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ mở ra một hành lang vận tải đa phương thức, hiệu quả, đặc biệt cho việc vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn và phát triển du lịch.
“Việc sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận là một cơ hội lịch sử, một bước ngoặt lớn để kiến tạo một vùng đất năng động, giàu tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, để "siêu tỉnh" Lâm Đồng thực sự vươn mình, cần một "cú hích" mạnh mẽ và quyết liệt từ Trung ương, đó chính là cải thiện hạ tầng giao thông. Người dân chúng tôi rất mong sự vào cuộc không chỉ của lãnh đạo địa phương, mà cả sự quan tâm từ Trung ương. Cần sớm phê duyệt các quy hoạch, bố trí nguồn vốn hợp lý cho những địa phương còn khó khăn về hạ tầng”, ông Nguyễn Duy Lạng, một cán bộ hưu trí bày tỏ.
Hạ tầng giao thông không chỉ là đường sá, cầu cống. Nó là dòng chảy của kinh tế, là nhịp đập của cuộc sống, là nền tảng để kết nối và phát triển. Người dân mong mỏi "siêu tỉnh" Lâm Đồng sẽ không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, một điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn được quan tâm để có điều kiện nhanh chóng trở thành một tỉnh phát triển khá của cả nước, trở thành một vùng đất đáng sống.
N.NGHĨA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/nut-that-giao-thong-khi-hinh-thanh-tinh-lam-dong-moi-26753ca/